Sẽ công bố công khai các đơn vị chậm, không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn
Sáng nay, 21/11, Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ diễn ra tại Hà Nội. Đây là Hội nghị được kỳ vọng sẽ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng, trung thực và đưa ra các giải pháp quyết liệt để xử lý những vấn đề còn tồn tại. Liên quan đến nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thông tin cho biết những nội dung cơ bản của Hội nghị.
Phóng viên: Xin ông cho biết Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước diễn ra tới đây sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
Ông Đặng Quyết Tiến: Hội nghị toàn quốc về DNNN này, đích thân Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì Hội nghị. Mục đích của Hội nghị là rà soát các kết quả sau hơn 2 năm triển khai công tác cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó đưa ra nhận định, đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được để tiếp tục phát huy, các vướng mắc, tồn tại để tháo gỡ qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Có thể nói đây là một Hội nghị tập trung riêng về DNNN. Hội nghị sẽ nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng, trung thực và đưa ra các giải pháp quyết liệt để xử lý những vấn đề tồn tại thời gian qua mà báo chí, các nhà đầu tư phản ánh về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm hay trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ.
Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về trình bày các vướng mắc của doanh nghiệp tại Hội nghị. Tính đến ngày 10/9/2018, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nhận được tổng số 461 kiến nghị của 108 đơn vị, gồm: 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 44 Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, 46 địa phương.
Vậy kiến nghị của các bộ, địa phương, doanh nghiệp gửi tới Hội nghị tập trung chủ yếu vào nội dung nào, thưa ông?
Thứ nhất là sự thay đổi tư duy nhận thức với các cơ chế chính sách mới. Vẫn còn một số lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu chưa hiểu, nắm bắt hết tư tưởng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết Quốc hội, các văn bản pháp quy về tinh thần đổi mới, do đó cách vận dụng chưa đúng dẫn đến lúng túng trong thực hiện.
Tiếp đó là lúng túng trong việc sắp xếp đất đai. Lần này Chính phủ kiên quyết sắp xếp đất đai công khai minh bạch. Bởi đây là nguồn tài nguyên lớn, quan trọng của quốc gia, đất đai là tài sản toàn dân, ở đây không chỉ là trách nhiệm khi cổ phần hóa mà còn là trách nhiệm của DNNN, các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương. Chúng ta sắp xếp công khai, niêm yết danh mục thừa thiếu, cái gì cần cho doanh nghiệp, cái gì không cần, Nhà nước thu về đấu giá để tiếp cận, sử dụng khai thác hiệu quả tới các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó là các vướng mắc trong quy trình đấu giá, chọn cổ đông chiến lược, bán cổ phần... Hiện vẫn có một số doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp băn khoăn doanh nghiệp có thuộc đối tượng phải chọn cổ đông chiến lược, dù đã có quy định hướng dẫn. Về trường hợp ngành nghề kinh doanh là ngành nghề đặc thù, kinh doanh có điều kiện nhưng không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, khi doanh nghiệp bán cổ phần có quyền đưa ra điều kiện cho các cổ đông mua cổ phần cũng cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có các vướng mắc về người lao động, vẫn có ý kiến này khác trong chính sách lao động dôi dư. Hiện nay theo quy định chỉ hỗ trợ lao động dôi dư khi cơ quan đại diện chủ sở hữu thay đổi hình thức doanh nghiệp khi Nhà nước không còn nắm giữ 100% vốn. Tới đây vấn đề này sẽ được rà soát lại, hoàn thiện.
Các vấn đề liên quan đến niêm yết, giao dịch đã được quy định trong Quy chế đấu giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các quy định về chứng khoán. Những vấn đề này nếu doanh nghiệp không rõ có thể thuê tư vấn hoặc hỏi cơ quan nhà nước có liên quan giải đáp. Vừa qua, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý công sản cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các doanh nghiệp có vướng mắc cũng như tổ chức các đoàn đi xuống đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp.
Đối với các kiến nghị liên quan đến Bộ Tài chính, Bộ sẽ phân công các đơn vị trực thuộc có ý kiến trả lời trước, trong, sau hội nghị để các doanh nghiệp đều nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đối với những câu hỏi liên quan đến các bộ ngành khác như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư..., Bộ Tài chính đã tập hợp và chuyển các bộ chủ động, nghiên cứu đề xuất phương án trả lời.
Xin ông cho biết những nét khái quát về tình hình tái cơ cấu DNNN hiện nay?
Về mặt thể chế chúng ta đã ban hành khá đầy đủ, có những giải pháp mạnh, đảm bảo đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường công khai minh bạch. Gần như đủ hết các phương thức, quy trình, cách thức tổ chức trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn cũng như thúc đẩy tái cơ cấu DNNN.
Trong 2 năm qua (2016 - nay), tiến độ thực hiện của các Bộ ngành với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu còn rất chậm. Về phê duyệt phương án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp trực thuộc còn chậm. Có nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn chưa phê duyệt phương án cho các doanh nghiệp trực thuộc khiến tiến độ triển khai thoái vốn, cổ phần hóa bị chậm.
Về tình hình cổ phần hóa, trong 10 tháng đầu năm nay mới có 12 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa trên tổng số 85 doanh nghiệp. Trong đó mới phê duyệt phương án còn phương án bán chưa chắc 12 doanh nghiệp đều bán được. Chính vì vậy, khả năng không hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 là rất rõ. Nếu không có giải pháp mạnh, quyết liệt thì kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020 cũng khó hoàn thành.
Về công tác thoái vốn, danh mục thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ công bố. Nhiệm vụ trách nhiệm, lộ trình của các Bộ ngành và cơ quan đại diện chủ sở hữu đã rõ nhưng giai đoạn 2017-2018 vừa qua, việc thoái vốn gần như “dậm chân tại chỗ”, mới triển khai được 14/100 danh mục trong 2 năm qua là con số khiêm tốn. Trong khi danh mục bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để đơn vị này thực hiện thoái vốn đều đạt kết quả tốt, ví dụ các thương vụ của nhựa Bình Minh, Vinamilk...
Về đăng ký, giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết, đăng kí giao dịch, do đó tiến độ triển khai, đăng ký giao dịch của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành rà soát lại 231 doanh nghiệp trong đó chỉ ra có hơn 150 doanh nghiệp đã tiến hành tổ chức lại và đăng kí giao dịch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Sau rà soát sẽ công bố tên doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp chậm trong niêm yết, đăng kí giao dịch trên sàn chứng khoán.
Vấn đề bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, nhắc nhở từng đơn vị trong đẩy mạnh rà soát bàn giao về SCIC. Thực hiện Quyết định số 1232/QĐ-TTg mới có 34/62 doanh nghiệp bàn giao về SCIC. Vừa qua Chính phủ đã chấn chỉnh, các bộ cũng quyết liệt nhưng tiến độ vẫn chậm. Điều này cho thấy việc chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của những người đứng đầu doanh nghiệp, đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa nghiêm.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, theo ông nên tập trung vào những giải pháp nào?
Giải pháp đưa ra thời gian tới cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Hội nghị toàn quốc về DNNN sẽ thảo luận đó là việc phải tiếp tục kiên định theo đường lối, định hướng đổi mới mà Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đưa ra là thu hẹp DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt, trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn cần đảm bảo công khai minh bạch, hạn chế lợi ích nhóm, việc tiêu cực.
Về cơ chế chính sách cần tiếp tục hoàn thiện. Đối với các Luật ban hành giai đoạn trước chưa phù hợp hiện tại, còn mâu thuẫn hay nội dung chồng chéo cần rà soát lại. Đảm bảo các Luật có nội dung phù hợp, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp khái niệm về DNNN cũng cần thay đổi hay vấn đề quyền, trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần rà soát... Các Luật Đấu thầu, Luật Phá sản, Bộ Luật lao động… cũng cần điều chỉnh lại.
Về tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg.
Đối với danh mục cổ phần hóa, các bộ, ngành rà soát lại, nếu có điều chỉnh ngay trong năm 2018 nên điều chỉnh ngay. Khi đã điều chỉnh phải chỉ rõ được trách nhiệm, tiến độ thực hiện của từng doanh nghiệp, để tới đây khi tiến hành đôn đốc rà soát công khai sẽ rõ trách nhiệm. Ví dụ lãnh đạo tỉnh thì lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm, lãnh đạo doanh nghiệp thì lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm.
Trong danh mục thoái vốn, giai đoạn 2016-2018 những doanh nghiệp chưa thực hiện được cần kiên quyết bàn giao ngay về SCIC. Trong giai đoạn 2019-2020 nếu các đơn vị, bộ, ngành không có khả năng thực hiện được thì điều chỉnh, bàn giao sớm về SCIC. Trong trường hợp làm cần nói rõ tiến độ, kế hoạch, trách nhiệm.
Liên quan đến việc bàn giao các doanh nghiệp có vốn nhà nước về SCIC, sắp tới nên công bố công khai những đơn vị, địa phương chậm bàn giao để các đơn vị giải trình, chịu trách nhiệm.
Về công tác thanh, kiểm tra cần tiếp tục tăng cường để xử lý vấn đề quản lý vốn, tài sản. Bên cạnh đó bổ sung nội dung thanh tra về trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn. Qua đó biểu dương người làm tốt cũng như phê bình, xử lý người thực hiện chưa tốt.
Cuối cùng việc công khai, minh bạch rất quan trọng, thể hiện trong tổ chức thực hiện, trách nhiệm người đứng đầu cần được tăng cường. Đó là một trong những giải pháp đầu tiên nếu sau Hội nghị triển khai được thì đặt luôn lộ trình hàng tháng, quý, Chính phủ hoặc các bộ được giao sẽ công bố công khai các đơn vị chậm, không hoàn thành nhiệm vụ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân rõ…
Xin cảm ơn ông!
Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 21/11/2018. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Tham gia Hội nghị có lãnh đạo: các Bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, các Ủy ban thuộc Quốc hội có liên quan, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn; Hiệp hội ngành nghề liên quan…
Bộ Tài chính thành lập Ban tổ chức Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng ban; xây dựng và trình bày Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và có văn bản đề nghị một số cơ quan, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuẩn bị tham luận để trình bày tại Hội nghị; tập hợp các báo cáo, tham luận thành bộ tài liệu (kỷ yếu) phục vụ Hội nghị.