Sẽ kiểm tra, xác minh vụ Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.
Thời gian qua, trên một số phương tiện truyền thông có nhiều bài báo phản ánh Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.
Cụ thể, theo điều tra báo Tuổi Trẻ, từ năm 2014 đến nay có gần 20 doanh nghiệp (trong đó có ba công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam) nhập khẩu số lượng lớn đồ điện tử gia dụng nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ.
Sau khi thông quan và đưa ra thị trường lưu thông (và xuất khẩu sang Lào) thì tem nhãn đồ điện tử gia dụng nhãn hiệu Asanzo lại ghi xuất xứ Việt Nam. Riêng sản phẩm tivi và máy lạnh thì Asanzo chủ yếu nhập linh kiện thông qua đối tác (chỉ nhập trực tiếp số ít) để lắp ráp. Nguồn gốc các linh kiện cũng có C/O Trung Quốc.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Báo Tuổi trẻ dẫn lời của các chuyên gia luật, Asanzo không đủ điều kiện ghi xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa của mình. Về nguyên tắc phải ghi “Lắp ráp tại nhà máy Asanzo. Xuất cứ linh kiện: Trung Quốc” thì người tiêu dùng sẽ không phản ứng.
Tuy nhiên, trả lời báo chí chiều 23/6, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Asanzo khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên.
Chủ tịch Asanzo khẳng định, Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Trong khi đó, việc Asanzo quảng cáo "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", người đứng đầu tập đoàn này cũng khẳng định rằng, không sản xuất tivi dựa theo dây chuyền của Nhật Bản, mà là lắp ráp theo quy trình của công ty Nhật Bản.
Trước những phản ánh của các cơ quan báo chí, ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.
Trước đó, chiều 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo ngay sau thông tin về hàng điện tử gia dụng thuộc doanh nghiệp này.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao.