Sẽ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư

Anh Thư

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước vào thời kỳ “bùng nổ” nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ và rủi ro đối với các nhà đầu tư. Để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường an toàn, bền vững, dự kiến các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ được siết chặt hơn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ và rủi ro
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ và rủi ro

Năm 2019 tiếp tục cho thấy đà phát triển mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo thống kê, huy động vốn từ thị trường TPDN khá tốt với 250.000 tỷ đồng, tăng 7% so với 2018. Nếu theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/8/2017 (Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030), dự kiến dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030, thì từ năm 2018 và nối tiếp năm 2019 đã đạt trên 10% GDP

Những số liệu trên cho thấy, bước đầu đã có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù phát triển nhanh nhưng quy mô của thị trường TPDN còn nhỏ. Còn theo Bộ Tài chính, các DN vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, một số DN phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp; DN phát hành chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành.

Đặc biệt, thị trường TPDN phát triển nóng với nhiều hình thức đang được triển khai, trong đó bao gồm cả hình thức không minh bạch, lợi dụng phát hành trái phiếu cho mục tiêu “đặc biệt” của DN.

Theo đó, rủi ro nhà đầu tư TPDN có thể gặp phải là: DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; DN không thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...

Nhằm  tăng  cường  quản  lý  giám  sát  đối  với  thị  trường  TPDN, ngày 21/11/2019, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính đánh giá, rà soát để sửa đổi ngay Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/11/2019 về phát hành TPDN.

Với tinh thần tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, minh bạch, Dự thảo Nghị định sửa đổi mà Bộ Tài chính đang xây dựng cho thấy các điều kiện phát hành TPDN sẽ được siết chặt hơn.

Theo đó, để hạn chế tình trạng DN có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả DN phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng DN phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp DN muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.

Dự thảo cũng bổ sung điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành. Cụ thể, nhằm hạn chế việc các DN chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Đối với lãi suất vay vốn, Luật Dân sự năm 2015 (Khoản 1 Điều 468), quy định mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% năm; pháp luật về thuế cũng có quy định về mức chi phí lãi vay hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Căn cứ vào các quy định trên, nhằm hạn chế việc DN phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015, quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật về thuế.