Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Cảnh giác "bẫy" lãi suất
Sự gia tăng đáng kể của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bối cảnh tín dụng vào những lĩnh vực không ưu tiên được siết chặt, đã dấy lên lo ngại về tính an toàn của kênh đầu tư vốn được xem là hấp dẫn về lợi nhuận này.
Khoảng 237.000 tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018, là con số được thống kê bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) về thị trường TPDN trong năm 2019. Kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường lần lượt là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó, nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm); nhóm bất động sản (BĐS) có lãi suất bình quân 10,24%/năm, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, sự “bùng nổ” của thị trường TPDN trong năm 2019 có đóng góp lớn của các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực hạ tầng, BĐS. Chính sách “siết” tín dụng vào các lĩnh vực không khuyến khích khiến nhiều DN BĐS chuyển hướng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Báo cáo của SSI cho thấy, các DN BĐS phát hành 6.952 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11, và tổng cộng 71.312 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2019, chiếm 34,5% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), 10 tháng đầu năm 2019, thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng 28% so với cuối năm 2018, đạt tương đương 10,47% GDP dự kiến năm 2019.
Như vậy, bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ - ông Dương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, dù phát triển nhanh nhưng quy mô của thị trường còn nhỏ. Các DN vẫn chủ yếu phát hành theo phương thức riêng lẻ, một số DN phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp; DN phát hành chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành. Theo đó, rủi ro nhà đầu tư TPDN có thể gặp phải là: DN không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, không thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; DN không thực hiện cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn...
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, các chủ thể tham gia thị trường TPDN cần chuyên nghiệp hơn, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, kể cả với DN phát hành và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, do khả năng trả nợ của DN phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động, nên các nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào TPDN. Đặc biệt, trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, còn nhà đầu tư cá nhân nếu mua trái phiếu thì phải am hiểu về tài chính, có khả năng phân tích rủi ro và dám chấp nhận rủi ro khi đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính):
Bộ Tài chính đang rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách liên quan đến phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN để có kiến nghị điều chỉnh, nhằm tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường vận hành minh bạch, hiệu quả.