Sẽ tăng lãi suất cơ bản vào năm 2019?
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng nếu lạm phát vượt ngưỡng 5% thì Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải nâng lãi suất…
Lãi suất cơ bản sẽ tăng?
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thắt chặt các chính sách tiền tệ thông qua giảm mức độ hoạt động trên thị trường mở và yêu cầu các ngân hàng kiểm soát hoạt động cho vay theo hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt ra. Cùng với đó, giảm kế hoạch tăng trưởng tín dụng tối đa cho năm 2018 xuống 17% từ mức 18,2% trong năm ngoái.
Đồng thời cũng nhấn mạnh rằng sự phục hồi của lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu không phải là dấu hiệu rõ ràng cho việc tăng lãi suất cơ bản, nhưng điều này sẽ là cơ sở để đánh giá khả năng tăng lãi suất điều hành, đặc biệt kể từ năm 2019 trở đi.
Theo đó, hiện tại, lạm phát trong nước đang ổn định và tiền đồng chỉ giảm giá nhẹ so với đồng USD. Nếu tiền đồng gặp áp lực lớn hơn và lạm phát kỳ vọng vượt ngưỡng 5% thì NHNN bắt buộc phải nâng lãi suất.
Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng do những lo ngại về khủng hoảng tài chính tại thị trường mới nổi, căng thẳng thương mại toàn cầu tăng lên và chính sách tiền tệ thắt chặt bởi ngân hàng Trung ương tại các nước phát triển trong năm 2019, VNDirect cho rằng NHNN sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm tới.
“Chúng tôi ước tính lãi suất cơ bản sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào năm 2019, nâng mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt lên 4,75% và 6,75%”, VNDirect phân tích.
Theo VNDirect có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc lãi suất tiền gửi gần đây tăng lên là NHNN chỉ cho các ngân hàng sử dụng 40% vốn ngắn hạn để cho vay dài và trung hạn kể từ năm 2019 thay vì mức 45% như hiện tại; và trong nửa đầu năm 2018, một số ngân hàng lớn giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp bất thường do thanh khoản dư thừa.
Hiện tại, với thanh khoản thắt chặt thì cần phải tăng lãi suất tiền gửi. Đầu tháng 8/2018 NHNN đã ban hành chỉ thị số 04 để kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Với chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN, VNDirect cho rằng NHNN đã nhận thấy cần phải có biện pháp để ngăn chặn rủi ro gia tăng. Nói cách khác, NHNN đang định hướng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong tương lai, có thể thực hiện ngay cả khi chưa dùng đến công cụ lãi suất cơ bản.
Thanh khoản liên ngân hàng đang thắt chặt!
VNDirect phân tích, áp lực mất giá của tiền đồng đã khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng thắt chặt từ tháng 7 do sự can thiệp trực tiếp của NHNN lên thị trường ngoại hối thông qua việc bán USD và hút tiền đồng về.
Cụ thể, NHNN bán gần 2 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại, dẫn đến thanh khoản tiền đồng giảm xuống. Để trung hòa áp lực thanh khoản hệ thống, NHNN đã tạo thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua các nghiệp vụ thị trường mở.
Tuy nhiên, VNDirect thấy rằng sự trung hòa chưa đủ để giúp hạ nhiệt cho lãi suất liên ngân hàng. Lãi suất qua đêm chỉ bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt vào đầu tháng 10 và đang ở mức khoảng 2,8%/năm trong khi lãi suất các kỳ hạn dài hơn từ 3 - 6 tháng vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 4,1 - 4,5%/năm.
Trên thị trường sơ cấp, nhu cầu Trái phiếu Chính phủ (TPCP) giảm với tỷ lệ trúng thầu ở quanh mức 45,6% trong 3 tháng gần đây. Lãi suất trúng thầu cũng tăng lên; lợi suất TPCP 10 năm tăng 43 điểm cơ bản trong quý III/2018. Do đó, VNDirect cho rằng lợi suất TPCP giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, thanh khoản liên ngân hàng thắt chặt giúp cho lợi suất TPCP phục hồi, khác với trường hợp bán trái phiếu tại nhiều thị trường mới nổi khác của châu Á, chủ yếu do sự tham gia của nước ngoài vào thị trường TPCP Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, VNDirect cho rằng việc lợi suất TPCP tăng lên chưa phải là một tín hiệu rõ ràng đối với việc tăng lãi suất điều hành trong ngắn hạn.