Sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế xử phạt nghiêm hành vi gian lận thương mại
Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 liên quan đến “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Diên Hồng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này, nhất là cơ chế về xử phạt những hành vi vi phạm trong gian lận thương mại.
Sáng 21/8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia trả lời chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực Công Thương tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu tỉnh Trà Vinh cho biết, “vấn nạn” hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu đang trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm tổn hại đến doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai để xử lý triệt để vấn đề này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong nền kinh tế thị trường, việc phòng, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế là công việc vô cùng quan trọng, đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong môi trường thương mại điện tử. Thời gian vừa qua, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng này.
Bộ Công Thương đã phối hợp tốt các lực lượng trong phòng, chống gian lận thương mại bao gồm các lực lượng công an, biên phòng, hải quan, Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương yêu cầu các sàn giao dịch, các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng ngàn gian hàng giả, hàng kém chất lượng và những đối tượng vi phạm một vài lần trở lên. Đồng thời, tăng cường truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng trở thành là người tiêu dùng thông thái và xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan để xử lý những vấn đề này, bao gồm công an, công nghệ thông tin rồi tài chính và ngân hàng.
Qua áp dụng các biện pháp này, thời gian qua đã xử lý được hàng chục nghìn trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại.
Về những giải pháp xử lý “vấn nạn” này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này, nhất là cơ chế về xử phạt những hành vi vi phạm trong gian lận thương mại, kể cả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những sai phạm, luân chuyển vị trí công tác của những người làm việc trong môi trường này, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của lực lượng chức năng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo Bộ trưởng, việc này không chỉ thuộc Bộ Công Thương hay là một số bộ, ngành mà đòi hỏi chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng, kể cả là doanh nghiệp và người sản xuất cũng phải vào cuộc, phải thực hiện nghiêm túc đề án này thì mới có hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp các lực lượng cả trong và ngoài nước để xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Hiện nay trên thương mại điện tử thì nguồn hàng từ bên ngoài về rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng của Nhà nước, của địa phương và kể cả các cơ quan chức năng của các nước liên quan”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Ngoài ra, Trưởng ngành Công Thương cũng nêu một số giải pháp quan trọng khác như: Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ cơ sở dữ liệu đối với các cơ quan chức năng; nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác tội phạm trên cổng thông tin điện tử quốc gia đặt tại Bộ Công Thương và ở các địa phương; Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân tự bảo vệ mình trong môi trường mới...