“Sell in May” chưa bao giờ là nỗi ám ảnh trong quá khứ, vì sao hiện tại lại đáng lo ngại?
Theo thống kê trong 10 năm trở lại đây, VN-Index có diễn biến khá cân bằng trong tháng 5 với xác suất tăng/giảm ở mức 50/50.
Sau cú “sale off” trong nửa cuối tháng 1/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở lại mạnh mẽ trong tháng 2 và nhanh chóng lấy lại những gì đã mất từ đầu năm. Tuy nhiên, đà tăng bắt đầu có dấu hiệu chững lại trong 2 tháng trở lại đây khi áp lực chốt lời lớn thường xuyên hiện hữu đặc biệt trong tháng 4 khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng lịch sử 1.200 điểm.
Thị trường liên tục xuất hiện những phiên giao dịch đảo chiều chóng mặt với biên độ rộng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Thanh khoản có phần tụt áp trong một số phiên cuối tháng 4 càng khiến lo ngại về “Sell in May” ngày càng hiện hữu rõ rệt.
Không có thói quen “Sell in May”
Trên thực tế, chứng khoán Việt Nam đã không đến nỗi nào vào tháng 5 trong quá khứ. Theo thống kê trong 10 năm trở lại đây, VN-Index có diễn biến khá cân bằng trong tháng 5 với xác suất tăng/giảm ở mức 50/50.
Những lần VN-Index giảm điểm đáng kể trong tháng 5 đã xảy ra cách đây khá lâu khi chỉ số này lần lượt “bốc hơi” 12,33% và 9,41% liên tiếp trong 2 năm 2011 và 2012. Sau đó, VN-index lại thể hiện đầy ấn tượng khi tăng 9,25% trong tháng 5/2013 và chuỗi 3 năm liên tiếp tăng điểm trong tháng 5 từ 2015-2017.
Có thể dễ dàng nhận ra “Sell in May” chưa bao giờ là nỗi ám ảnh đối với chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, VN-Index còn ghi nhận mức tăng tới 12,39% trong tháng 5 năm ngoái, cao nhất trong vòng 10 năm. Dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến nhịp tăng bất ngờ và ấn tượng này.
Khác với mọi năm, thị trường chứng khoán trong tháng 5/2020 lại được hỗ trợ bởi đầy ắp những thông tin tích cực bên lề Đại hội đồng cổ đôn thường niên của các doanh nghiệp đáng lẽ đã được tổ chức vào tháng 4 nhưng đã phải lùi lại do dịch bệnh. Thông tin các doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, cổ đông và lãnh đạo liên tục đăng ký mua vào khi giá giảm cũng góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Bên cạnh việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, thị trường chứng khoán còn liên tục đón nhận tín hiệu lạc quan đến từ làn sóng nhà đầu tư mới (F0) tham gia vào chứng khoán. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường đi lên trong suốt giai đoạn kể từ đáy Covid cuối tháng 3/2020 đến nay.
Rủi ro đang gia tăng
Ngoài động lực đến từ dòng tiền của nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường chứng khoán trong tháng 5/2021 được dự báo sẽ không còn được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực như năm ngoái.
Mùa Đại hội cổ đông của các doanh nghiệp trên sàn đã qua kéo theo thông tin hỗ trợ gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu. thị trường chứng khoán dần bước vào vùng trống thông tin sau khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.
Trong một báo cáo mới đây, VNDIRECT đã đưa ra đánh giá thận trọng với xu hướng thị trường chứng khoán tháng 5 khi rủi ro đang dần tăng lên và "Sell in May and go away" là lựa chọn đang được ưa tiên của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư.
Theo công ty chứng khoán này, tình hình dịch Covid-19 trong khu vực Đông Nam Á diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam. Nếu dịch bùng phát trở lại sẽ ảnh hưởng lớn đến đà phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát được dự báo tăng cao trong quý II/2021 sẽ có tác động không nhỏ đến tâm lý thị trường. VNDIRECT dự báo lạm phát bình quân quý II/2021 có thể chạm ngưỡng 4-5% do giá xăng dầu trong nước tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm đáng chú ý là việc các công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, là mức cao kỷ lục của chứng khoán Việt Nam. Margin ở mức cao, thậm chí một số công ty chứng khoán đã vượt trần cho vay ký quỹ đang tiềm ẩn rủi ro lớn khi thị trường điều chỉnh.
Theo VNDIRECT, mặt bằng định giá hiện tại của thị trường đang ở mức hợp lý với P/E của VN-Index ở mức 18,4 lần (tại ngày 26/4/2021) và P/E forward 2021 của VN-Index ở mức 16,3 lần. VNDIRECT cho rằng thị trường cần thêm thời gian để kết quả kinh doanh cải thiện qua đó kéo mặt bằng định giá về mức hấp dẫn hơn và dự báo chỉ số VN-Index dao động trong vùng từ 1.160-1.260 điểm trong tháng 5/2021.
Mặt khác, khối ngoại cũng đang có dấu hiệu giao dịch cân bằng hơn trong tháng 4 khi chỉ bán ròng hơn 750 tỷ đồng trên HoSE trong khi con số này trong 3 tháng đầu năm lên đến gần 18.600 tỷ đồng. Điều này đem đến tín hiệu lạc quan cho kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sớm trở lại sau chuỗi bán ròng triền miên thời gian qua.
Thực tế, ảnh hưởng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây đã có phần lu mờ trước sự mạnh mẽ của dòng tiền trong nước. Tuy nhiên, động thái của nhà đầu tư nước ngoài vẫn có tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến thị trường.