Sếp VAMC phân trần chuyện “mua nợ rồi để đấy”
(Tài chính) Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua được 45.000 tỷ đồng nợ xấu gốc, thu hồi được 450 tỷ đồng từ việc cơ cấu lại các khoản nợ này. Quá trình xử lý số nợ đã mua của VAMC gần như đang “dậm chân tại chỗ".
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra chiều 25/4, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó chủ tịch thường trực VAMC cho hay, đến nay VAMC đã mua trên 45.000 tỷ nợ xấu gốc nhưng mới thu hồi được 450 tỷ đồng. VAMC vẫn đang tiếp tục tiến hành phân loại để đánh giá khoản nào tái cơ cấu, khoản nào bán, khoản nào thu hồi.
Cụ thể, VAMC đã phân loại được 983 khách hàng với tổng số nợ gốc hơn 37.600. Trong đó, khách hàng được cơ cấu nợ là 145 khách hàng với 14.000 tỷ đồng. Khách hàng khởi kiện thu hồi nợ và phát mại tài sản là 347 khách hàng, với 6.800 tỷ đồng. VAMC sẽ tiến hành bán nợ thí điểm lần thứ nhất với 4 loại khách hàng, tổng số nợ 1.400 tỷ đồng.
Phó chủ tịch VAMC cũng cho biết, cùng với phân loại nợ VAMC đã điều chỉnh lãi suất cho 26 khách hàng với hơn 2.200 tỷ đồng. Hiện VAMC đang xây dựng danh mục hình thành thị trường thứ cấp để bán nợ xấu.
Dù đã phân loại nợ và thu hồi được 450 tỷ đồng từ nợ xấu đã mua, nhưng tỷ lệ này vẫn là rất ít ỏi so với tổng số nợ mà VAMC đã thu mua từ các tổ chức tín dụng. Tại cuộc họp mới đây của cả ADB và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), các chuyên gia kinh tế của cả 2 tổ chức này đều tỏ ra lo ngại trong việc chậm trễ xử lý nợ xấu đã mua của VAMC. Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam còn nói thẳng, “thời gian qua VAMC mua nợ xấu từ các ngân hàng nhưng là mua về rồi để đấy. Chúng tôi không rõ cách thức xử lý đầu ra cho các khoản nợ xấu đó của VAMC ra sao…”.
Trước nghi ngại này, ông Hùng trần tình, VAMC đang rất tích cực xử lý đầu ra cho các khoản nợ đã mua, nhưng vướng ở đây chính là do cơ chế.
Dẫn dự thảo Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC mà Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, lãnh đạo VAMC cho hay, VAMC chỉ được thực hiện việc bán đấu giá đối với tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu do VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng nếu không có thỏa thuận của hai bên về xử lý tài sản đảm bảo và tài sản đó có giá trị dưới 10 tỷ đồng. Quy định này, vô hình chung đã khiến việc xử lý nợ xấu của VAMC khó có thể “đẩy” nhanh hơn.
“Quy định trên là không phù hợp vì giá trị nợ xấu mà VAMC cần xử lý rất lớn. Cần trao quyền cho VAMC xử lý nợ nhanh nhất, bởi nếu không tạo điều kiện bán nợ, bán tài sản đảm bảo sẽ làm chậm quá trình xử lý nợ xấu”- vị Phó Chủ tịch VAMC phân trần.
Liên quan tới con số nợ xấu trong hệ thống nhà băng, theo số liệu từ NHNN đến hết tháng 2/2014, nợ xấu của toàn hệ thống còn 122.000 tỷ đồng, chiếm 3,86%. Tuy nhiên, đây là con số chưa tính gộp các khoản nợ đã được tái cơ cấu bởi Quyết định 780 về phân loại nợ, cho phép các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ xấu, nợ nhóm 3, 4, 5, nếu không nợ xấu của toàn hệ thống lên tới gần 308.000 tỷ đồng (chiếm 9,71% dư nợ).