Siết lại lĩnh vực xuất khẩu lao động: Muộn còn hơn không!

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thời gian gần đây xin rút giấy phép kinh doanh. Đó là hệ quả tất yếu của kiểu “phong trào” đua nhau làm môi giới lao động, trong khi thực lực và hiểu biết về lĩnh vực hoạt động còn hạn chế…

 Siết lại lĩnh vực xuất khẩu lao động: Muộn còn hơn không!
Thị trường xuất khẩu lao động bị thu hẹp trong những năm gần đây. Nguồn: internet

Kinh doanh kiểu “chụp giật”

Thời điểm những năm 2007-2008, Nhật Bản là thị trường hút nhiều lao động của Việt Nam, nên dù với mức giá cao 8.000-1.200 USD (chưa tính đặt cọc), nhưng người lao động vẫn ồ ạt đăng ký tham gia, khiến nhiều đối tượng xem đây là kênh kiếm tiền lớn, nên bằng mọi cách xin thành lập công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ).

TS. Nguyễn Lê Minh - nguyên Phó ban chương trình quốc gia về việc làm, chuyên gia tư vấn của Tổ chức lao động quốc tế ILO cho rằng, đây là một hiện tượng tất yếu, bởi lẽ việc đưa người lao động đi XKLĐ nước ngoài là một trong những hoạt động hấp dẫn khá nhiều các đối tượng doanh nghiệp (DN) tham gia vì những lợi ích tưởng chừng rất “béo bở” trước mắt. Do vậy, đã có một làn sóng ồ ạt thành lập các trung tâm, tổ chức có chức năng XKLĐ vượt quá “tầm tay” quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Thế nhưng, trước thực trạng nền kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp không ít khó khăn, các thị trường thu hẹp dần số lượng lao động khiến các công ty môi giới không tìm được đầu ra cho lao động, trong khi đó đã trót tiêu tiền của người lao động nên nhiều DN hiện nay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất không còn khả năng hoạt động…

Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), qua số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc nước ngoài trong 5 tháng đầu năm là 45.458 người. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.

Việc thị trường lao động đi làm việc ở nước ngoài tụt giảm thê thảm từ cuối năm 2009 đến nay đã khiến hàng loạt doanh nghiệp XKLĐ phải nộp đơn xin trả giấy phép XKLĐ lên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) như Songda Corp, SSC, Vigecam, Vinaconex 6 JSC, Agimeco, Forexco.

Siết chặt quản lý để doanh nghiệp mạnh lên

Ông Nguyễn Lê Minh cho rằng, hoạt động chụp giật của nhiều DN xuất khẩu lao động thời gian qua đã khiến thị trường có phần xáo động và dẫn đến hệ lụy nhiều DN phải xin rút giấy phép.

Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ thuộc về phía DN, công bằng mà nói, cũng có phần trách nhiệm không nhỏ từ phía cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Cục Quản lý lao động ngoài nước. Bởi lẽ, trong suốt một thời gian dài họ đã để cho phía DN tự tung tự tác trên thị trường xuất khẩu lao động, mà chưa có một cơ chế giám sát chặt chẽ.

Dưới quan điểm của mình, TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cho rằng, việc thanh lọc các đơn vị xuất khẩu lao động yếu kém sẽ giúp hạn chế các hành vi tiêu cực để doanh nghiệp làm ăn chân chính mạnh lên.

Theo đó, các doanh nghiệp cần phải công bố thông tin một cách công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí XKLĐ đối với từng thị trường. Chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện sai phạm cần có những xử lý thích đáng.

“Trong nhiều trường hợp, khi sắp bị phát hiện sai phạm, hoặc đã thu tiền lừa đảo XKLĐ xong, các đơn vị XKLĐ lại chuyển qua địa bàn khác để hoạt động. Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị là “liều thuốc” hóa giải vấn nạn đang tồn tại như trên”- ông Kiêm nói.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho rằng, tiến tới cần công khai cơ sở dữ liệu về lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần làm tốt việc quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, giảm thiểu rủi ro cho người lao động.

Mặt khác, cũng theo ông Quỳnh, hoạt động XKLĐ là một hoạt động cần có sự phối hợp giữa các quốc gia có mối quan hệ XKLĐ. Trong quá trình hợp tác này, chúng ta cần phải ký kết các điều ước quốc tế để tạo ra sự thuận lợi cho hoạt động XKLĐ, cũng như có những cơ chế hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của người Việt Nam lao động ở nước ngoài.