Thế giới tuyên chiến với tin giả:

Singapore tuyên chiến với tin giả

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp kiêm Bộ trưởng Nội vụ Singapore K. Shanmugam đã kiến nghị Quốc hội thành lập Ủy ban đặc biệt chịu trách nhiệm nghiên cứu và trình cơ quan lập pháp nước này dự luật mới chống lại tình trạng lan truyền “của thông tin trực tuyến sai lệch có chủ đích”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dự luật nhằm đưa ra các quy định, quy chuẩn đối với những nền tảng trực tuyến để theo dõi và gỡ tin giả, có động thái với thủ phạm cung cấp tin giả… Ủy ban đặc biệt phụ trách tin giả sẽ tìm hiểu, tham vấn người dân, tham khảo ý kiến chuyên gia. Bằng cách ấy, người dân Singapore có thể trực tiếp nghe chia sẻ của chuyên gia cũng như nói lên quan điểm và đề xuất của chính mình, sau đó Ủy ban sẽ tập hợp lại để làm đề xuất trình Quốc hội.

Dẫn kết quả một cuộc khảo sát do Chính phủ Singapore thực hiện gần đây, ông Shanmugam cho biết, 91% người Singapore khi được hỏi, ủng hộ việc công bố một đạo luật mạnh mẽ hơn để bảo đảm gỡ bỏ và đính chính tin giả. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy chỉ khoảng một nửa người dân khi được hỏi khẳng định tin tưởng vào khả năng phân biệt tin giả của mình, còn 2/3 nói không thể phân biệt được tin giả khi nhìn thấy lần đầu. 

“Trong thế giới hậu sự thật này, người ta tin vào những thông tin giả mạo vì chúng đến từ các mạng lưới xã hội vốn thân thiết và có chung quan điểm với họ. Một thông tin sai lệch không được kiểm chứng có thể dễ dàng lan truyền và phát tán do những người sử dụng internet, và đó là cách thông tin giả chiếm lòng tin của công chúng, sau đó làm xói mòn niềm tin vào truyền thông”, ông Shanmugam đưa ra nhận định tại một diễn đàn về niềm tin và sự thật đối với truyền thông.

Singapore là nước có nền công nghệ phát triển hàng đầu châu Á. Hiện nay, tỷ lệ người tiếp cận internet của Singapore rất cao, lên đến 91%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận thế giới mạng cao kèm theo sự đa dạng sắc tộc khiến Singapore đặc biệt dễ tổn thương trước thông tin giả trên internet, nhất là những thông tin thất thiệt về tôn giáo, sắc tộc, bị lan truyền trên mạng xã hội. “Nếu sự mất lòng tin ăn sâu vào người dân, họ sẽ nghi ngờ về thể chế, sự lãnh đạo và quản trị”, ông Shanmugam  nói.

“Những gì Singapore nói, về vấn đề khu vực, hay quốc tế, đều có trọng lượng. Nếu chúng ta bị tác động và lay động, Singapore sẽ bị lợi dụng từ những lợi ích của nước ngoài”, ông Shanmugam đề cập tới vị trí của Singapore như một nút chiến lược quan trọng và là một thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Cho rằng thông tin giả mạo hiện nay nguy hiểm hơn bao giờ hết, theo ông Shanmugam, luật pháp chỉ là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm đối phó với tin giả. Bên cạnh những công cụ pháp lý của Chính phủ, xã hội, truyền thông và các công ty công nghệ cũng cần đóng vai trò tích cực. Trong đó, truyền thông đóng vai trò quan trọng, bảo đảm là một nguồn thông tin đáng tin cậy. Các công ty công nghệ như Facebook, Google, và Twitter cũng sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý tin giả.