Pháp tuyên chiến với thông tin thất thiệt: Ranh giới mong manh
Ủy ban Văn hóa của Quốc hội Pháp sẽ sớm trình dự luật siết chặt kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội nhằm hạn chế tối đa tin tức giả mạo, tin đồn thất thiệt. Cam kết của Tổng thống Macron đưa ra hồi đầu năm như lời tuyên chiến với thông tin thất thiệt, song dự luật này cũng gây ra nhiều tranh cãi về tự do báo chí.
Hình sự hóa hành vi tung tin thất thiệt trên mạng
Theo nội dung đưa lên internet hôm 7/3, dự luật này sẽ gồm hai phần: Những nội dung quy định mới và những nội dung sửa đổi các quy định của Luật Bầu cử (bao gồm cả bầu cử Tổng thống, bầu cử lập pháp và các cuộc bầu cử của Liên minh châu Âu). Với đạo luật này, Pháp sẽ được bổ sung vào danh sách các nước châu Âu đang có hành động chính thức chống lại thông tin sai lệch trên mạng. Đức đã ban hành đạo luật tương tự và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 trong khi Cộng hòa Séc đã thành lập tổ công tác chống tin tức giả mạo từ năm trước.
Theo đó, trong thời gian diễn ra bầu cử (tính bắt đầu từ khi công bố sắc lệnh bầu cử cho đến khi kết thúc bỏ phiếu), thẩm phán sẽ được trao những quyền hạn khẩn cấp để loại bỏ hoặc ngăn chặn một số nội dung nhất định được coi là giả mạo; yêu cầu tính minh bạch cao hơn đối với nội dung được tài trợ đăng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter; cho phép cơ quan giám sát truyền thông Pháp chống lại bất kỳ nỗ lực gây bất ổn nào do các tổ chức truyền thông có sự tài trợ của nước ngoài thực hiện.
Cụ thể, trong thời gian diễn ra bầu cử, Luật Bầu cử của Pháp sẽ được sửa đổi để yêu cầu các trang mạng xã hội buộc phải cung cấp thông tin chính thống, rõ ràng và minh bạch về danh tính đối tượng trả tiền chạy quảng cáo trên các ứng dụng này cũng như số tiền mà họ bỏ ra nếu nó vượt mức quy định.
Thẩm phán, theo yêu cầu của Chính phủ hoặc cá nhân liên quan, sẽ được phép đình chỉ, gỡ bỏ nội dung đăng tải được cho là sai sự thật; yêu cầu đóng tài khoản, thậm chí có thể tước quyền truy cập internet của tài khoản đó. Thẩm phán cũng chịu trách nhiệm xác minh đâu là tin tức giả mạo. Thuật ngữ này không được quy định trong dự luật nhưng nó đã từng được định nghĩa trong Luật 1881 về tự do báo chí.
Dự luật cũng hình sự hóa tội danh tung tin đồn thất thiệt. Theo đó, có thể bị phạt tù đến 1 năm và phạt tiền 75.000 euro nếu thông tin sai lệch đó ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, được tung ra một cách có chủ ý và với số lượng lớn.
Ngoài phần nội dung liên quan ngăn chặn thông tin sai sự thật trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử nhạy cảm, một số nội dung nhằm củng cố mức độ tin cậy của nền kinh tế số cũng sẽ được sửa đổi nhằm yêu cầu các trang mạng xã hội tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống thông tin sai sự thật. Các trang mạng xã hội được yêu cầu phải có công cụ dễ tiếp cận, dễ áp dụng nhằm cho phép người dùng có thể cảnh báo về những thông tin thất thiệt.
Dự luật cũng mở rộng quyền hạn của cơ quan giám sát truyền thông của Pháp (CSA), cho phép cơ quan này từ chối cấp phép hoạt động cho các kênh truyền hình có yếu tố nước ngoài bị đánh giá là có các hoạt động gây xáo trộn đời sống chính trị xã hội của nước Pháp.
CSA cũng được quyền đình chỉ một chương trình truyền hình nước ngoài nếu chương trình đó bị đánh giá là gây tổn hại đến lợi ích cơ bản của đất nước hoặc tham gia vào các hoạt động nhằm làm bất ổn thể chế chính trị của Pháp. Quy định này được cho là nhằm đến các công ty truyền thông của Nga như RT và Sputnik, từng đưa thông tin sai lệch về Tổng thống Macron trong giai đoạn tranh cử.
Nguy cơ xấu từ một đạo luật tốt
Tung tin thất thiệt nhằm đạt mục đích nào đó là thủ đoạn đã có từ lâu nhưng nay được các mạng xã hội giúp lan truyền ở quy mô rộng khắp và tức thời. Nếu tin thất thiệt tung ra chỉ ít ngày trước lúc bầu cử, hậu quả sẽ vô cùng tai hại, đến khi trắng - đen rõ ràng thì bầu cử đã kết thúc. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất, như các nhà phân tích chỉ ra, là làm thế nào để xác định đó là thông tin thất thiệt do thủ đoạn chính trị hay đơn thuần là tự do ngôn luận? Các chế tài vì thế sẽ đứng trước ranh giới mong manh giữa bảo vệ sự thật hay là vi phạm tự do báo chí.
Bà Xenia Fedorova, Trưởng đại diện hãng tin RT tại Pháp nói rằng, phóng viên RT đã bị phân biệt đối xử trong quá trình tác nghiệp tại Pháp. Bà lo ngại, với luật chống tin tức giả mạo của ông Macron, không chỉ quyền tự do ngôn luận bị vi phạm, mà nó còn có thể dẫn đến việc các nhà báo bất đồng quan điểm bị kiểm duyệt và đàn áp. Không chỉ ở Pháp, kênh tiếng Anh của RT tại Mỹ cũng đã bị hạn chế hoạt động nhằm trả đũa cho việc đăng những thông tin bất lợi về Quốc hội Mỹ.
Phần lớn các nhà báo Pháp không đứng về phía RT. Tuy nhiên, một số người cũng lo ngại, đạo luật mới sẽ không có tác dụng chống lại thông tin sai lệch, mà tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Tờ Le Monde đánh giá, cho dù đạo luật này có thiện chí, nhưng nó có thể bị coi là hạn chế quyền tự do ngôn luận cho các mục đích chính trị. Đây có thể là một tiền lệ nguy hiểm trong Liên minh châu Âu, nơi các phong trào cánh hữu và dân tộc đang gia tăng.
Frédéric Martel, đại diện kênh phát thanh Văn hóa tại Pháp, nói: “Tôi rất sợ những ảnh hưởng xấu của một đạo luật có ý định tốt. Tôi tin Tổng thống Macron là người ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng rất có thể các nước châu Âu khác lợi dụng điều này cho mục đích khác”.