Sở hữu chéo tại doanh nghiệp niêm yết bùng nổ trở lại
Sau năm 2007, đặc biệt khoảng năm 2009, sở hữu chéo bị nhà đầu tư (NĐT) lần lượt tẩy chay, nhưng hiện nay đang có nguy cơ bùng nổ trở lại, với nhiều nguyên nhân.
Nguy cơ sở hữu chéo tại Hoàng Quân
Theo kế hoạch, trong quý III/2013, Công ty cổ phần (CTCP) Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Hoàng Quân, mã HQC) sẽ phát hành riêng lẻ 18 triệu cổ phiếu cho 2 đơn vị là Hoàng Quân Mê Kông (17,25 triệu cổ phiếu, trị giá 172,5 tỷ đồng) và CTCP Việt Kiến Trúc (750.000 cổ phiếu) với giá phát hành bằng mệnh giá. Mục đích của đợt phát hành là để cấn trừ công nợ.
Điều đáng lưu ý là, cả Việt Kiến Trúc và Hoàng Quân Mê Kông đều đang là công ty liên kết của HQC, trong đó, HQC sở hữu 32% vốn góp tại Hoàng Quân Mê Kông, trị giá tại thời điểm 31/3/2013 là 166,56 tỷ đồng. Hoàng Quân cũng sở hữu 40% vốn tại Việt Kiến Trúc, với giá trị hạch toán phần vốn góp tại thời điểm cuối quý I/2013 là 5,8 tỷ đồng.
Như vậy, nếu việc phát hành thành công, vốn điều lệ của Hoàng Quân sẽ tăng từ 720 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, Hoàng Quân Mê Kông sẽ là cổ đông lớn, sở hữu gần 19,2% vốn của Hoàng Quân. Số tiền mà Hoàng Quân Mê Kông sở hữu Hoàng Quân lớn hơn cả số tiền mà Hoàng Quân đang hạch toán sở hữu Hoàng Quân Mê Kông. Tương tự như vậy, Việt Kiến Trúc dù dự kiến sở hữu lượng cổ phiếu chuyển nợ không đủ lớn để trở thành cổ đông lớn, nhưng số tiền cấn trừ này cũng lớn hơn số tiền Hoàng Quân đang ghi nhận sở hữu tại Việt Kiến Trúc.
Trên thực tế, nếu coi Hoàng Quân Mê Kông hay Việt Kiến Trúc là công cụ gián tiếp để Hoàng Quân biến nợ thành cổ phần, rồi thông qua đó chào bán ra bên ngoài cho cổ đông đại chúng khác, giải phóng mối quan hệ sở hữu chéo giữa Hoàng Quân và Hoàng Quân Mê Kông, Hoàng Quân và Việt Kiến Trúc, thì đây không phải là một kế hoạch tồi.
Đặc biệt trong bối cảnh giá cổ phiếu HQC đang thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá cổ phần. Nhưng rõ ràng, thứ mà NĐT nhìn thấy trước là một mô hình sở hữu chéo đang được hình thành và một cảm giác hơi e ngại khi nhìn vào hoạt động của doanh nghiệp (DN) có sự phức tạp về sở hữu.
Sở hữu chéo có bùng phát trở lại?
Nếu những năm 2006, 2007, đầu tư tài chính trở thành “mốt”, phổ biến tại các doanh nghiệp (DN), thậm chí có DN còn được NĐT tung hô khi mạnh dạn chuyển vốn qua đầu tư tài chính, thì đến năm 2008, 2009, đầu tư tài chính bị coi là nỗi đau của rất nhiều DN lớn và phải đến năm 2010, 2011, nhiều DN mới khắc phục được hậu quả của đầu tư tài chính. Nhưng đáng tiếc, từ năm 2012 đến nay, sở hữu chéo lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Hiện tại, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CII) đang sở hữu 49,5% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật VinaPhil, trong khi VinaPhil cũng đồng thời là cổ đông lớn, sở hữu 15,02% vốn điều lệ CII. Trước đó, mô hình sở hữu chéo tại hệ thống CII cũng đã tồn tại, với các đơn vị có liên quan là CTCP Đầu tư và xây dựng cầu đường Bình Triệu, CTCP Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội.
Hay CTCP Sadico Cần Thơ (mã SDG) đang sở hữu 48,17% vốn điều lệ của CTCP Xi măng Tây Đô, trong khi công ty này lại là cổ đông lớn, sở hữu 20% vốn điều lệ SDG. Hay tại CTCP Hùng Vương (mã HVG), công ty liên kết của HVG là CTCP Nuôi trồng thủy sản Hùng Vương Miền Tây, do HVG sở hữu 48% vốn điều lệ cũng đang sở hữu 7,1% vốn điều lệ của HVG. Đặc biệt, tại CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL) tình trạng sở hữu chéo cũng xảy ra giữa GIL với 2 công ty con là Công ty Gilimex PPJ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Thạnh Mỹ.
Có nhiều nguyên nhân để sở hữu chéo gia tăng. Đối với trường hợp hệ thống Thành Thành Công giai đoạn trước, việc sở hữu chéo, sở hữu lòng vòng là để phục vụ mục đích chống thâu tóm. Đối với trường hợp của Hoàng Quân, như đã nói ở trên, có nguyên nhân từ việc giải bài toán công nợ.
Trong nhiều trường hợp, đầu tư chéo đơn thuần đến từ mục tiêu đầu tư tài chính, nhưng cũng có trường hợp, đến từ nguyên nhân làm đẹp sổ sách kế toán của các bên liên quan, hoặc phục vụ mục tiêu huy động vốn. Dường như, sau khi mớ bùng nhùng sở hữu tại các ngân hàng thương mại bớt đi, đến lượt các DN chuyển sang cách này, cũng vì mục tiêu nguồn vốn.