Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu

Minh Lê

(Tài chính) Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khi phải đối diện với rất nhiều quy định khó khăn và rất dễ bị vi phạm theo các khung hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia.

Các diễn giả tại buổi hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Các diễn giả tại buổi hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Để cung cấp một cái nhìn toàn diện nhất và đề xuất những giải pháp khắc phục cho doanh nghiệp Việt, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Cục Sở hữu trí tuệ đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: Giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt” vào sáng ngày 28/05/2013 tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo có hai phiên thảo luận chính: Bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ và không gian sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam với vấn đề sỡ hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu.

Trong phần thứ nhất của hội thảo, các doanh nghiệp đã trao đổi, thông tin về thực trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nhiều năm qua; những trở ngại phổ biến trong việc tư vấn và tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ từ các cơ quan chức năng đến cho doanh nghiệp…

Các diễn giả tại hội thảo cũng đưa ra nhiều đánh giá đa chiều về hệ thống pháp luật nước ta, hệ thống tổ chức quản lý, hệ thống hỗ trợ, bổ trợ việc sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nước ta trong việc hội nhập sâu rộng vào môi trường thương mại toàn cầu.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty thời trang Nguyên Tâm, nhãn hàng Foci cho biết :“Thời gian qua, nhiều vi phạm về sỡ hữu trí tuệ đã xảy ra rất nhiều trong thời gian qua, vì thế trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng giả, hàng nhái.. gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm sỡ hữu trí tuệ còn rất khó khăn do các cơ quan chức năng còn lung túng trong việc xử lý, phân biệt hàng giả, hàng thật. Vì thế, cần có sự phối ợp hai chiều giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước”.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn chia sẽ kinh nghiệm bảo vệ thương hiệu trong quá trình gia nhập môi trường thương mại toàn cầu; chia sẽ về những chính sách đầu tư vào hoạt động bảo vệ sỡ hữu trí tuệ trong những năm qua.

Trong phần thứ hai của hội thảo, các diễn giả đã trình bày những khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề sỡ hữu trí tuệ trong môi trường toàn cầu hóa; các nội dung liên quan đến vấn đề sỡ hữu trí tuệ được quy định trong các Hiệp định đa – song phương mà nước ta có tham gia ( WTO, AEC, ACFTA, TPP…), các kiến nghị, giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc sở hữu trí tuệ.

Hội thảo cũng chỉ ra một thực tế rằng, các doanh nghiệp nước ta còn rất lung túng trong việc bảo vệ thành quả sáng tạo của mình tại thị trường quốc tế. Thực tế, đã có những nhãn hiệu có tiếng của Việt Nam như Petrolimex, Vinataba.. thậm chí có những thành quả sáng tạo như võng xếp Duy Lợi, công nghệ sản xuất bánh tráng cổ truyền bị đăng ký ở nước ngoài.

Vì vây, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà còn đòi hỏi cả doanh nghiệp cần tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ và xây dựng quyền lợi sỡ hữu trí tuệ trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.