Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng trên 6%/năm
Luật Việc làm được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu, phát triển đối tượng, thụ hưởng chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHTN.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ngay sau khi Luật Việc làm được thông qua, cơ quan này đã bám sát nội dung của Luật và thực tiễn triển khai tích cực, chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, từ đó, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ.
BHXH Việt Nam cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các quy định của Luật Việc làm trong các nghiệp vụ liên quan của ngành; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện chính sách BHTN tại địa phương. Từ hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn triển khai được ban hành đã tạo điều kiện cho cơ quan BHXH tổ chức thu và chi trả; cơ quan lao động giải quyết các chế độ BHTN cho người lao động. Thủ tục đóng BHTN ngày càng được đơn giản, thuận tiện cho người tham gia. Số người tham gia BHTN đều tăng qua các năm.
Theo đó, năm 2015, cả nước có 10,3 triệu người tham gia BHTN, tăng 11,83% so với năm 2014. Năm 2018, số người tham gia BHTN tăng lên 12,68 triệu người, tăng 37,53% so với năm 2014. Tốc độ tăng bình quân số người tham gia BHTN từ năm 2015 - 2018 gần 6%/năm. Số thu BHTN luôn vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao, số nợ BHTN giai đoạn 2015 - 2018 giảm đáng kể so với giai đoạn 2009 - 2014, đặc biệt là khi ngành BHXH được giao thêm chức năng thanh tra đóng BHTN. Cơ quan BHXH cũng tổ chức chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng (ATM) hoặc nhận tiền mặt tại đại lý chi trả, tạo thuận lợi cho người hưởng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Việc làm, cụ thể là lĩnh vực BHTN vẫn còn một số hạn chế, như còn sự thiếu đồng nhất trong xác định, quản lý đối tượng tham gia, theo dõi thu BHTN đối với đơn vị sử dụng lao động, tình trạng trốn đóng BHTN, người lao động trục lợi quỹ BHTN vẫn diễn biến phức tạp…
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng hàng năm. |
Trước những tồn tại hiện nay, để thực hiện tốt Luật Việc làm và chính sách BHTN thời gian tới, BHXH Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu sửa Luật Việc làm theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Cụ thể, theo đề nghị của BHXH Việt Nam, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHTN bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ một tháng trở lên; quy định thật cụ thể về danh mục các khoản bổ sung khác làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc, BHTN; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp phù hợp hơn nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng chính sách thông qua việc chủ động nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, hoàn thiện các quy định về thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHTN.
BHXH Việt Nam còn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có các quy định cụ thể về thời gian chuyển các quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết hủy quyết định hưởng trợ trợ cấp thất nghiệp, quyết định bảo lưu thời gian đóng BHTN sang cơ quan BHXH để có căn cứ xác định trách nhiệm thu hồi chi sai, chi vượt các chế độ trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHTN theo Nghị định số 166/2016/NĐ-CP; chỉ đạo triển khai liên thông dữ liệu để đối chiếu, quản lý đối tượng hưởng BHTN chặt chẽ, kịp thời và chính xác…