Sôi động cuộc đua ngân hàng số

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nếu như trước đây, quẹt thẻ để thanh toán biểu trưng cho người “sành điệu”, thì nay quẹt thẻ đã trở thành lạc hậu, thanh toán một chạm, thanh toán không cần thẻ trở thành xu thế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngay từ đầu năm 2020, nhiều ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng để lao vào cuộc đua sống còn là phát triển ngân hàng số. Theo đó, công nghệ sẽ thay thế rất nhiều tác nghiệp nhân viên ngân hàng đang làm hiện nay, như nhập liệu, xử lý số liệu, tương tác với khách hàng trong các giao dịch đơn giản...

Thay đổi hay “chết”

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ngân hàng là ngành biến đổi sâu sắc nhất bởi công nghệ 4.0 và cũng là nền tảng thúc đẩy kinh tế số. Ngân hàng là ngành mang tính toàn cầu cao, không thể đi sau và cũng là ngành có tiềm lực tài chính, nhân lực công nghệ tốt để đi đầu về chuyển đổi số.

“Và do vậy, ngành ngân hàng nên nhận thêm về phía mình một sứ mạng mới, sứ mạng đi đầu trong chuyển đổi số, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị.

Thời gian qua, lĩnh vực ngân hàng đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình mới, như ngân hàng di động, ngân hàng online… Việc ứng dụng các công nghệ vào hoạt động ngân hàng cũng gia tăng, một số nhà băng bước đầu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và dữ liệu lớn (Big Data) trong thu thập, phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh cũng như phân tích dữ liệu khách hàng nhằm hỗ trợ việc đánh giá, phân loại khách hàng và ra quyết định giải ngân, cho vay rút ngắn thời gian từ nhiều ngày xuống trong ngày...

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020, các nhà băng sẽ dùng công nghệ để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng.

Theo đó, các ngân hàng sẽ tận dụng giá trị của Big Data về tập quán chi tiêu và thanh toán của khách hàng nhằm đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp với từng khách hàng. Nhờ vào công nghệ, nhà băng có khả năng sáng tạo ra những dịch vụ phù hợp với từng khách hàng. Mô hình mở rộng mạng lưới chi nhánh sẽ không còn phù hợp vì chi phí cao và không hiệu quả. Khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số ngày càng nhiều hơn.

Thậm chí, một số ngân hàng nêu vấn đề chuyển đổi số với tinh thần rất cao, đó là “tồn tại hay không tồn tại”. Trong đó, có thể điểm một số cái tên như: Vietcombank, TPBank, VPBank, Techcombank…

Lãnh đạo Vietcombank phát đi một thông điệp trong nội bộ “chuyển đổi số hay là chết” để đảm bảo tinh thần này “thấm” đến toàn bộ nhân viên.

Còn ACB xác định trọng tâm lớn nhất mà các ngân hàng cạnh tranh trong năm 2020 là phát triển thanh toán và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thẻ. Các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến thu hút khách hàng, giảm phí, gia tăng tiện ích.

Thanh toán di động được nhiều người ưa chuộng
Thanh toán di động được nhiều người ưa chuộng
 

Sôi động ngân hàng số

Không chỉ đổ tiền vào đầu tư công nghệ, nhiều ngân hàng còn hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ tài chính (fintech) để đưa các giải pháp công nghệ mới vào dịch vụ khiến công việc nhanh hơn, tiện lợi hơn và chi phí thấp hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng, đánh giá các fintech đã và đang nở rộ, như sự xuất hiện của ví điện tử, hình thức thanh toán bằng QR code, cho vay ngang hàng (P2P)… Các hoạt động này sẽ tiếp tục sôi động hơn nữa trong năm 2020. Nếu không muốn mất thị phần, các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc, mà phải có những thay đổi để bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Theo đó, ngân hàng một mặt mạnh tay đầu tư có chiến lược chuyển đổi số, mặt khác cần hợp tác với các công ty fintech để nhanh chóng thích nghi với thị trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có những giá trị sẽ không thay đổi, đó là chất lượng dịch vụ vẫn sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các ngân hàng. Do đó, ngân hàng nào có công nghệ tốt, không ngừng sáng tạo, chất lượng dịch vụ cao và quản trị bền vững thì sẽ phát triển mạnh cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc VPBank khẳng định, lợi ích của ngân hàng số là rất lớn, nhưng cũng là thách thức với các nhà băng. Một trong những cơ hội và cũng là rủi ro lớn nhất thời số hóa là ngôi vị có thể dễ dàng bị hoán đổi. “Có những ngân hàng hiện nay trong Top 10, nhưng với công nghệ, chỉ trong thời gian ngắn, họ có thể nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu”, ông Khương nói.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết với tinh thần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm và kịp thời nắm bắt, tận dụng hiệu quả những ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, như: hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý; xây dựng phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ; triển khai tiêu chuẩn thanh toán QP code, thẻ chip…