Sôi động thị trường trái phiếu chính phủ
Huy động được xấp xỉ 200.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), cơ cấu nhà đầu tư tham gia dự thầu đa dạng, bổ sung thêm kỳ hạn phát hành, nhiều sản phẩm mới sắp được “bung” ra… cho thấy thị trường TPCP thời gian qua đã thực sự sôi động, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Trên 100 phiên đấu thầu
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm đến 13/7, thị trường TPCP đã có những bước phát triển tích cực trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tại thị trường sơ cấp, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tập trung phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu lô lớn qua HNX, đa dạng hóa các kỳ hạn từ 3-30 năm, phát hành thí điểm kỳ hạn 7 năm.
Bên cạnh đó, KBNN và HNX đã tăng cường trao đổi với nhà đầu tư về kế hoạch và khả năng phát hành để tổ chức các phiên đấu thầu với khối lượng và kỳ hạn phù hợp. Nhờ đó, tính đến 13/7, KBNN đã huy động được 196.996 tỷ đồng TPCP (đạt khoảng 90% kế hoạch) với kỳ hạn bình quân 6,79 năm. Theo ước tính, khối lượng trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên, giá trị giao dịch TPCP bình quân đạt 5.150 tỷ đồng/phiên, cá biệt có phiên đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Cơ cấu nhà đầu tư được đa dạng hóa khi có sự góp mặt của cả ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, trung bình mỗi phiên có khoảng 10 thành viên tham gia dự thầu.
Sở dĩ có kết quả này là do ngay từ đầu năm HNX đã mở rộng phát triển thị trường, triển khai các đề án, sản phẩm mới. Về khung pháp lý, HNX đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, nhằm từng bước triển khai các cơ chế, kỹ thuật giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về hệ thống, HNX đã hoàn tất việc đưa vào giao dịch trái phiếu zerco coupon từ cuối quý I/2016, đồng thời cho ra mắt phân hệ đấu thầu trái phiếu điện tử trên internet, vận hành song song với hệ thống đấu thầu điện tử (ra mắt năm 2012) cho phép nhà đầu tư không phải là thành viên được bỏ thầu trực tiếp trên hệ thống, qua đó tiết giảm kinh phí và thời gian. Bên cạnh đó, lạm phát, tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng khá ổn định, cũng có tác động tích cực tới thị trường.
Sớm có sản phẩm mới
Trong những tháng còn lại của năm, KBNN sẽ tiếp tục phát hành thêm 40.000 tỷ đồng thông qua đấu thầu TPCP, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên; đồng thời phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo phương thức phát hành riêng lẻ và tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường TPCP thông qua hoán đổi.
Trên thị trường thứ cấp, với mục tiêu thúc đẩy thanh khoản và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, một mặt HNX hoàn thiện hệ thống đấu thầu, mặt khác sẽ chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để đưa các sản phẩm mới vào gao dịch. Các sản phẩm mới dự kiến triển khai sau khi ban hành Thông tư 234/2012/TT-BTC gồm giao dịch vay để bán (trái phiếu đi vay được bán đi, sau đó mua lại để trả cho bên cho vay) và giao dịch bán và mua lại (hai bên đối tác thỏa thuận thực hiện đồng thời bán và mua cùng một loại trái phiếu với giá và khối lượng xác định trước) nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro.
Để hoàn thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường TPCP, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã dự thảo các điểm sửa đổi bổ sung Thông tư 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, nhằm từng bước thiết lập lộ trình triển khai các cơ chế, kỹ thuật giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế giao dịch bán kết hợp với mua lại TPCP, cơ chế vay TPCP để bán, bổ sung thành viên giao dịch là KBNN và bổ sung quy định về trái phiếu tương đương có thể chuyển giao.