Sôi nổi thị trường xuất khẩu gạo đầu năm
Nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I đang có đà tăng trưởng, Philippines và Indonesia vẫn là 2 thị trường đang có nhu cầu lớn.
Thị trường gạo nhiều cạnh tranh
Nguyên nhân chính khiến nhu cầu nhập khẩu tăng cao tại các thị trường này là do ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu các mặt hàng gạo, tiêu, thủy sản, đồ gỗ... sẽ rất thuận lợi trong năm mới, đặc biệt mặt hàng gạo đã có nhiều đơn hàng từ Philippines và Indonesia ngay từ những ngày đầu năm.
Sau khi Philippines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty Philippines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng xin mua gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của Philippines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN.
Mặc dù tăng được đơn hàng xuất khẩu sang Philippines, nhưng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc, thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch; tăng cường đầu tư sản xuất gạo tại các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Châu Á đang trải qua một cuộc đua về xuất khẩu gạo khi các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ và Việt Nam tăng cường nỗ lực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu gạo ra nước ngoài để hỗ trợ nông dân, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất. Nhưng sự cạnh tranh này có thể làm giảm giá cả toàn cầu, và có thể gây hiệu ứng ngược lại.
Các thị trường đối mặt với nhiều thách thức
Thái Lan trong hơn ba thập kỷ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giờ phải đối mặt với viễn cảnh ảm đạm khi sản lượng xuất khẩu giảm sâu. Theo Bộ Thương mại Thái Lan - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát ngành lúa gạo nước này, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm xuống còn 11 triệu tấn trong năm 2018 từ mức 11,6 triệu tấn trong năm 2017.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan bi quan hơn về triển vọng của năm nay; họ dự kiến sẽ giảm xuống 9 triệu. Trong bối cảnh hỗn loạn về chính trị trong nước, Thái Lan đã không lường trước được sự cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác.
Ở Ấn Độ, hai tháng trước chính phủ công bố trợ cấp gạo 5% cho xuất khẩu gạo không phải basmati loại phổ biến (gạo basmati là loại gạo dài đặc trưng của Ấn Độ và Pakistan). Chương trình này hết hạn vào cuối tháng 3, là một nỗ lực để mở rộng xuất khẩu gạo và cắt giảm hàng tồn kho bằng cách làm cho giá gạo Ấn Độ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.
Lợi ích của trợ cấp 5% là một phần trong Chương trình Xuất khẩu hàng hóa của Chính phủ Ấn Độ (MEIS). Các nhà cung cấp gạo nhận được một giấy chứng nhận có thể được sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ thuế đối với chính phủ. Nếu một thương nhân xuất khẩu gạo trị giá 1.000 USD, chứng chỉ MEIS 50 USD được cấp có thể được sử dụng để nộp thuế. Vào một số dịp trong năm 2018, hàng chục ngàn nông dân từ khắp đất nước đã diễu hành đến thủ đô của Ấn Độ để yêu cầu miễn nợ và giá cả tốt hơn cho cây trồng của họ. Chính phủ không thể bỏ qua sự phản ứng của người nông dân trước cuộc bầu cử quốc gia, nên đã công bố một loạt các chương trình phúc lợi cho họ ngoài việc hỗ trợ giá tối thiểu.
Tại Việt Nam, xuất khẩu gạo năm 2018 tăng 6% so với năm trước, lên 6,15 triệu tấn. Mặc dù tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, những cánh đồng lúa chiếm khoảng 60% tổng diện tích đất trồng trọt của Việt Nam khi ngành sản xuất lúa gạo rất quan trọng đối với gần 9 triệu hộ nông dân trong nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cho biết sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chuyển hướng sang chất lượng và giá trị gia tăng, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sản xuất an toàn và sử dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, các chính phủ vẫn chưa đưa ra các kế hoạch cụ thể và hợp lý để đảm bảo các ngành công nghiệp gạo trong nước chuyển sang gạo chất lượng cao.