Sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không công nhận và cấm giao dịch các loại tiền kỹ thuật số, không coi đó là tài sản, nhưng cho đến nay chưa có quy định nào cấm việc mua bán, tặng cho tiền kỹ thuật số... Đây là kẽ hở pháp luật, tạo cơ hội để các sàn giao dịch tiền ảo mọc lên, hoạt động công khai, rầm rộ với quy mô lớn để trục lợi.
Thời gian qua, tại Việt Nam, đã hình thành một chợ đen ngầm cuộn sóng giao dịch tiền ảo. Một số nhóm người lợi dụng xu hướng này để tự tạo ra một số loại đồng tiền rồi đánh đồng là Cryptocurrency (tiền mã hóa), nhưng thực chất đây không phải là Cryptocurrency. Đó chỉ là những ứng dụng, dòng lệnh sơ sài, những website lập ra nhằm thu hút vốn, rồi chiếm dụng và bỏ trốn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của những nhà đầu tư thành thạo, có đến 90% “coin” trên thị trường là ảo. Những dự án đổ sập vừa qua như Bitdeal, iFan, Bitconnect… đều có chung phương thức là mô hình tài chính đa cấp không có công nghệ, không có đội ngũ phát triển có trình độ, đa phần do những người từng lãnh đạo đa cấp lập ra.
Nhiều vụ việc mang tính đa cấp, lừa đảo, sử dụng tiền mã hóa hoặc một số loại “tiền ảo” giả danh tiền mã hóa đã và đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cấp thiết về xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức, rõ ràng về tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa... Những loại tiền này không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào, dẫn đến việc cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong thực thi pháp luật.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam (2017): Bitcoin không đáp ứng các đặc tính cơ bản của hàng hóa hay dịch vụ, do đó, Bitcoin không phải là hàng hóa, dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định: “Bitcoin, Litecoin không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, và huy động vốn bằng tiền kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, mặc dù chưa có khung pháp lý điều chỉnh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của những nhà đầu tư thành thạo, có đến 90% “coin” trên thị trường là ảo. Những dự án đổ sập vừa qua như Bitdeal, iFan, Bitconnect… đều có chung phương thức là mô hình tài chính đa cấp không có công nghệ, không có đội ngũ phát triển có trình độ, đa phần do những người từng lãnh đạo đa cấp lập ra.
Trước tình hình đó, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số tương tự khác. Chỉ thị nêu rõ việc sử dụng tiền kỹ thuật số tiềm ẩn nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo bởi tiền kỹ thuật số có tính ẩn danh, hoạt động phân tán và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Tại Công văn số 4486/UBCK-GSDC ngày ngày 20/7/2018, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam (UBCKNN) cũng yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản và quỹ đầu tư chứng khoán: (i) Không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động phát hành, giao dịch hoặc môi giới giao dịch bất hợp pháp nào liên quan đến tiền kỹ thuật số; (ii) Tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền...
Như vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành thì Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Kim Chi (Viện Kinh tế Việt Nam), với sự phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của tiền kỹ thuật số tại Việt Nam là điều tất yếu. Do vậy, nếu không kiểm soát hiệu quả đồng tiền này, thì không chỉ gây nên những rủi ro với các nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính, chính sách tiền tệ.
“Thách thức này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hữu hiệu và phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an để hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý tiền kỹ thuật số”, bà Trần Thị Kim Chi đề xuất.
Theo bà Trần Thị Kim Chi, việc xây dựng khung pháp lý quản lý thị trường tiền kỹ thuật số cần thiết kế theo hướng cho phép sử dụng tiền kỹ thuật số để giao dịch, tuy nhiên phải kiểm soát được các rủi ro, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và hội nhập quốc tế. Điều này sẽ tạo cơ chế bảo vệ hữu hiệu đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức sử dụng tiền kỹ thuật số, đồng thời, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà từ việc thu thuế các giao dịch sử dụng tiền kỹ thuật số.