“Sóng” cổ phiếu Ngân hàng có thể dâng cao hơn trong năm 2024
Sóng cổ phiếu ngân hàng nổi lên từ đầu năm 2024 và được dự báo còn dâng cao hơn, kéo dài xuyên suốt năm nhưng sẽ không tránh được những nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Xứng đáng được định giá cao hơn
Khép lại một năm 2023 đầy biến động, cổ phiếu ngành Ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng 19% so với cuối năm 2022, vượt trội hơn so với mức tăng 12,2% của chỉ số VN-Index.
Những ngân hàng có diễn biến giá tích cực nhất là LPB (+55%) và HDB (54%), VCB (+19%), STB (+24%), ACB (+31%) và BID (+27%)… nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Tuy nhiên, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành Ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, gần với mức đáy 1.3x năm 2020 và 2022.
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI, dự báo cổ phiếu ngân hàng có mức P/B là 1,1x. Trong khi đó, nếu giả định tỷ trọng tổn thất dự kiến (LGD) đối với các khoản nợ có vấn đề là 50% và sau khi sử dung nguồn dự phòng đã trích lập thì mức độ ảnh hưởng đối với vốn chủ sở hữu sẽ ở mức 11%.
SSI Research cho rằng, mức định giá hiện tại phần lớn đã phản ánh rủi ro tín dụng đến từ nợ quá hạn và khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mức định giá này có thể chưa phản ánh hết các khoản vay tái cấp vốn cho chủ đầu tư bất động sản được giải ngân trong năm 2023 tại một số ngân hàng nhất định.
Ngoài ra, khi xem xét đến diễn biến giá của các ngân hàng trong chu kỳ trước, định giá hầu như không thay đổi trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên sẽ được định giá lại trong vòng 6-12 tháng trước khi hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu. Trong quá trình này, những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các ngân hàng khác.
Dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn
Đánh giá về sóng cổ phiếu ngân hàng những ngày đầu năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Anh - nhà sáng lập FinPeace cho biết, những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ngân hàng vừa mới đi qua một cơn sóng tăng khoảng hơn 10%. Tuy nhiên, mức này chưa đáng kể so với những cơn sóng trong quá khứ như thời điểm 2006 hay giai đoạn 2020-2022.
“Ngân hàng luôn là khu vực mà các nhà đầu tư lớn có thể giải ngân không cần đắn đo. Dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn, nhà đầu tư sẽ phải mua giá cao hơn nếu bán ra quá sớm”, ông Tuấn Anh nhận định.
Ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành WiGroup cho rằng, các cổ phiếu đóng góp lượng vốn hoá lớn như ngân hàng khi tạo sóng sẽ tác động tích cực đến thị trường.
Dẫn chứng về khả năng tạo sóng của nhóm cổ phiếu nhà băng, chuyên gia này dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng sẽ khả quan. Động lực tăng trưởng đến từ biên lãi ròng (NIM) phục hồi nhờ sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi vay.
"Hiện, lãi suất huy động động động đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bước qua 2024, các mảng chính của ngân hàng, điển hình như tín dụng sẽ đem về nguồn thu tốt", ông Báu nói.
Ngoài động lực tăng trưởng đến từ NIM, theo ông Trần Ngọc Báu, nợ xấu có thể sẽ lập đỉnh vào quý IV và quý I-II/2025. Tuy nhiên, tính riêng năm nay, mức trích lập nợ xấu dự kiến vẫn tăng, song không nhanh bằng nguồn thu, giúp lợi nhuận trung bình ngành có thể tăng 20%.
Theo khuyến nghị của SSI Research, TCB, CTG và MBB sẽ là những cổ phiếu ngân hàng cần quan tâm cùng những diễn biến mới cũng như quá trình tháo gỡ nút thắt của thị trường trường bất động sản để đánh giá liệu các ngân hàng này có thể đạt được tốc độ phục hồi tốt hơn kỳ vọng hay không.
Đối với CTG, SSI Research cho rằng, do ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong 2 năm qua, nên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ có bước ngoặt mới, có thể là vào cuối năm 2024 hoặc 2025.