Cổ phiếu ngân hàng được định giá hấp dẫn
Năm 2023, ngành Ngân hàng đối diện với rủi ro nợ xấu gia tăng nhưng vẫn được định giá hấp dẫn nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Những “cơn gió ngược” đầu năm
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động sản xuất giảm tốc do sự suy yếu từ các thị trường xuất khẩu chính cũng như lãi suất neo cao làm giảm nhu cầu tín dụng.
Số liệu từ NHNN cho thấy, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 10 năm.
Những yếu tố khó khăn của nền kinh tế chung cộng thêm ảnh hưởng của các thị trường vốn khác như thị trường chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến chất lượng tài sản của ngành Ngân hàng sụt giảm trong vài quý vừa qua, đặc biệt suy giảm nhanh hơn trong quý IV/2022 và quý I/2023.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, người dân cũng như doanh nghiệp tăng quản lý dòng tiền chặt chẽ hơn, gia tăng sử dụng nguồn tiền sẵn có để hạn chế vay vốn đã làm cho tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sụt giảm, đặc biệt giảm mạnh trong quý I/2023.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của hầu hết các ngân hàng thương mại bị thu hẹp trong những tháng đầu năm. Nguyên nhân là lãi suất huy động tăng nhanh trong từ quý IV/2022, trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh 3-6 tháng một lần, dẫn tới chi phí vốn tăng nhanh hơn lãi suất sinh lợi.
Theo đó, lợi nhuận ngành Ngân hàng đã giảm nhẹ trong quý I/2023. Tổng hợp các báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận sau thuế nhóm ngân hàng niêm yết trong quý I/2023 giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ hội tích lũy
Thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có những chính sách mang tính đi đầu, tính ở cả bình diện thế giới như hạ mạnh lãi suất điều hành, thể hiện quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ và NHNN.
Trong nửa đầu năm 2023, NHNN đã thực giảm lãi suất điều hành 4 lần. Theo đó, lãi suất huy động cũng đã giảm nhanh từ mức đỉnh của đầu năm 2023. Điều này giúp cho NIM của các ngân hàng sẽ ổn định lại trong quý II/2023 và có thể tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2023.
Việc mặt bằng lãi suất huy động đang giảm khá nhanh được kỳ vọng sẽ tác động giảm dần lãi suất cho vay, cùng với nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023, sẽ giúp cải thiện mức tăng trưởng tín dụng toàn Ngành, được kỳ vọng vào khoảng 13% trong năm 2023.
Đồng thời, khi lãi suất giảm nhiều hơn, áp lực suy giảm CASA sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, tốc độ chuyển đổi số của các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ cũng như sự thúc đẩy không sử dụng tiền mặt từ Chính phủ và NHNN sẽ tạo điều kiện cho CASA gia tăng trở lại trong dài hạn.
Áp lực suy giảm chất lượng tài sản vẫn đang tiếp diễn nhưng sẽ giảm bớt phần nào nhờ Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay. Cùng với đó, lãi suất đang hạ nhiệt trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi lại từ nửa cuối năm giúp chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ ổn định và bắt đầu khôi phục trở lại.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự kiến lợi nhuận của ngành Ngân hàng tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2023 và tăng khoảng 17,6% trong năm 2024, dựa trên kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.
BVSC cho rằng, ngành Ngân hàng đang được định giá hấp dẫn và kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024 triển vọng vĩ mô. Theo đó, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu ngân hàng khi có sự chiết khấu. Danh mục khuyến nghị của BVSC bao gồm các mã cổ phiếu: STB, ACB, VCB, CTG, TCB, MBB, VPB.
Mức P/B của nhiều ngân hàng đang ở quanh khoảng 1,5 lần, khá hấp dẫn. Do đó, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là cơ hội đầu tư phù hợp cho các nhà đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng được những đợt thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ngân hàng.