Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA
(Tài chính) Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cho nên việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Nguồn vốn này ngày càng đóng vai trò to lớn, trở thành động lực góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Trong xu thế hội nhập đòi hỏi cần có những giải pháp để củng cố, tăng cường và nâng cao hiệu quả của dòng vốn ODA.
Giải ngân vốn ODA để tạo sự đột phá
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn vốn ODA này đã trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư cho các lĩnh vực tiền đề quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, giảm được nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên 12 tỷ USD, qua đó, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước để tập trung vốn cho việc đầu tư thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Nguồn vốn ODA đã được Chính phủ sử dụng hiệu quả vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như điện, giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước; phát triển nông nghiệp và nông thôn, xóa đói, giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục đào tạo; tăng cường năng lực và thể chế trong các lĩnh vực cải cách hành chính, luật pháp, quản lý kinh tế và bảo vệ môi trường...
Một số dự án đầu tư quy mô lớn cũng đã đóng góp vào mức giải ngân này, như: Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Nội Bài, Dự án cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Đồng bằng sông Hồng P4R, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn số 2 và lưới điện truyền tải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA, năm 2014, vốn vay ưu đãi giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014 đạt khoảng 5,6 tỷ USD (ODA vốn vay là 5,25 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD), cao hơn 9% so với năm 2013. Trong đó, các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1,773 tỷ USD, WB: 1,386 tỷ USD, ADB: 1,058 tỷ USD.
Tốc độ giải ngân đạt được kết quả trên là do tác động của một số biện pháp tăng cường công tác vận động, giải ngân và phòng chống tiêu cực các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Đặc biệt là đối với một số chương trình, dự án có giá trị vốn vay ODA lớn, được ký kết như Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC 2) trị giá 147,60 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án xây dựng nhà máy điện Thái Bình 1 và đường dây truyền tải trị giá 358,11 triệu USD do Nhật Bản tài trợ; Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ tổng giá trị là 251,7 triệu USD...
Giải pháp để thu hút vốn đầu tư
Nguồn vốn ODA có vai trò rất lớn đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện trên nhiều lĩnh vực đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải tích cực hơn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án để có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và sử dụng hiệu quả từng đồng vốn này...Bên cạnh đó thì các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản, chủ dự án và các nhà tài trợ cũng thống nhất sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA. Nhiệm vụ trước hết của năm 2015 cũng như thời gian tới cho triển khai ODA và vốn vay ưu đãi là nâng cao năng lực để giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Việt Nam đã cam kết, đã ký với các nhà tài trợ.
Để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, cần phải thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình và dự án ODA để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất và nhanh nhất, đây là điều rất cấp thiết với Việt Nam. Thiếu nguồn lực đối ứng, gồm tài chính và nguồn vốn con người có năng lực, thì khó mà thành công trong sử dụng ODA có hiệu quả cao để phục vụ các mục tiêu phát triển. Dù là ODA vốn vay hay viện trợ không hoàn lại đều đòi hỏi những chi phí trong nước mới có thể hiện thực hóa được vốn ODA trở thành những kết quả phát triển cụ thể.
Thứ hai, xu thế nguồn vốn ODA không hoàn lại và có lãi suất ưu đãi giảm đi khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, thay vào đó phải sử dụng vốn vay kém ưu đãi. Vì thế, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường năng lực và cải tiến mạnh mẽ tình hình thực hiện dự án, sử dụng tập trung hơn để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế và xã hội quy mô lớn, có giá trị và tạo ra tác động lan tỏa đối với sự phát triển chung của cả nước.
Thứ ba, hoàn thiện các văn bản pháp lý, đổi mới trong quy trình và thủ tục quản lý dự án ODA trên cơ sở kết hợp tham khảo những quy chuẩn của các nhà tài trợ, nhất là trong ba khâu công việc quan trọng: đấu thầu mua sắm; đền bù, di dân và tái định cư; quản lý tài chính của các chương trình, dự án dẫn đến tình trạng trình duyệt “kép”.
Thứ tư, trong quan hệ hợp tác phát triển mới, các mô hình viện trợ mới sẽ được áp dụng nhiều hơn, sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ được khuyến khích. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách và thể chế thích hợp để tạo môi trường cho các mô hình, phương pháp tiếp cận mới. Bên cạnh đó, cần hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để sử dụng một cách hợp lý các cách tiếp cận và mô hình viện trợ mới, nhất là hỗ trợ ngân sách trong tiếp nhận tài trợ để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm bớt các thủ tục và góp phần cải thiện các hệ thống quản lý công của Việt Nam theo chuẩn mực và tập quán quốc tế.
Thứ năm, cần xác định các ưu tiên đầu tư khi sử dụng ODA và nâng cao công tác giám sát, theo dõi và đánh giá dự án. Bởi, bản chất ODA vẫn là khoản vay và có nghĩa vụ phải trả nợ, nên cần loại bỏ tư tưởng “xin” ODA trong một bộ phận cán bộ ở các cấp, kể cả cán bộ lãnh đạo chưa hiểu rõ vai trò và bản chất của ODA, dẫn đến chưa quan tâm đầy đủ đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Do đó, cần nâng cao năng lực và nhận thức cho đội ngũ tham gia quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA./.