Phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định

Thanh Sơn

Ngày 16/04/2021 tại trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á tổ chức Hội nghị Phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Đây là hoạt động trong chuỗi các Hội nghị của Bộ Tài chính nhằm phổ biến, đào tạo và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tượng tham gia thị trường tài chính về hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: Thanh Sơn
Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính). Ảnh: Thanh Sơn

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Thông qua việc xác định hệ số tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của đối tượng được định mức tín nhiệm, của sản phẩm tài chính được định mức tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan.

Đối với công chúng đầu tư, nhà đầu tư khi đầu tư vào trái phiếu hiện còn thiếu các thông tin chỉ báo của thị trường, xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ cho nhà đầu tư để có thể nắm bắt được mức độ rủi ro của doanh nghiệp và trái phiếu mà mình đầu tư, qua đó có được những quyết định đầu tư hợp lý.

Đối với tổ chức phát hành, xếp hạng tín nhiệm tạo ra một công cụ để tổ chức phát hành có thể đa dạng hóa đối tượng nhà đầu tư, quảng bá hình ảnh của mình đối với công chúng đầu tư, qua đó có được mức giá huy động vốn hợp lý trên thị trường. Qua dó, doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao tính minh bạch trong hoạt động cũng như cải thiện tình hình tài chính để đạt được mức tín nhiệm tốt hơn.

Để phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động, cung cấp dịch vụ, công bố thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có quy định cụ thể về các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ sử dụng dịch vụ này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu gắn các quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các quy định về phân loại, tiêu chí đầu tư đối với một số tổ chức tài chính đặc thù hoặc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi tính các chỉ tiêu an toàn vốn, tài sản của các tổ chức trên thị trường tài chính.

Các nội dung của Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin đầy đủ về phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của thị trường đối với hoạt động này. Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia, các tổ chức xếp hạng quốc tế S&P, Moody’s và tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fiin của Việt Nam đã trình bày về vai trò của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính, phương pháp, quy trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm, các yếu tố ảnh hưởng đến định mức tín nhiệm của doanh nghiệp, các nội dung cần lưu ý để cải thiện bậc xếp hạng và tác động của kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với quyết định của nhà đầu tư.

Theo Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa năm doanh nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín hiệm là FinnGroup và Sài Gòn Thịnh Phát. Công ty Cổ phần FiinGroup - do một số nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài cùng với Nikkei của Nhật và công ty Viaduct Holdings góp vốn. FiinGroup có vốn điều lệ 25 tỷ đồng trong đó cổ đông lớn là ông Nguyễn Quang Thuân nắm hơn 21,6%, tập đoàn Nikkei của Nhật sở hữu hơn 17,55%, công ty Quick (là công ty con của Nikkei) nắm 17,55%, ông Bolat Duisenov giữ 14%, ông Nguyễn Hữu Hiệu nắm gần 14%, ông Mạc Quang Huy nắm gần 6,93%, và Công ty TNHH Viaduct Holdings Ltd sở hữu 6%.

 Bộ Tài chính cũng đã nhận được đề nghị quan tâm của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín và sẽ xem xét, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật