Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 14 - 18/12/ 2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

M&A

Năm 2015 là năm có nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) nhất tính theo giá trị đồng USD. Theo đó, số thương vụ giao dịch là 37.431, với giá trị là 4,75 nghìn tỷ USD. Trong đó:

- Xét theo giá trị các thương vụ:

+ Đứng đầu là Châu Mỹ với 1,657 tỷ USD (so với 1,225 tỷ USD năm 2014);

+ Đứng thứ 2 là châu Âu với 677.882 triệu USD (so với 636.624 triệu USD năm 2014);

+ Châu Á - Thái Bình Dương đứng thứ 3, với 796.620 triệu USD (503.260 triệu USD năm 2014)

+ Riêng Nhật Bản là nước có giá trị M&A cao, 51.217 triệu USD, cao hơn so với giá trị M&A của cả khu vực châu Phi - Trung Đông (36.554 triệu USD)

- Xét theo lĩnh vực:

+ Năng lượng là lĩnh vực có nhiều thương vụ M&A giá trị cao, chiếm 14,8% tổng giá trị.

+ Đứng thứ 2 là lĩnh vực Công nghệ cao với 9,9%;

+ Đứng thứ 3 là Bất động sản với 9,2%.

Giá dầu

Ngày 18/12, giá dầu tiếp tục xu hướng giảm. Chốt phiên, giá dầu giao kỳ hạn tháng 01/2015:

+ WTI giao tại New York giảm 22 cent, tương đương 0,6%, xuống 34,73 USD/thùng;

+ Brent giao tại Lodon giảm 18 cent, tương đương 0,5%, xuống 36,41 USD/thùng.

Như vậy, WTI giảm 2,5% trong tuần qua và giảm 36% kể từ đầu năm 2015; Brent giảm 3% trong tuần và giảm 35% kể từ đầu năm.

Nguyên nhân:

- Lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 11/12 tăng 4,8 triệu thùng, ngược với dự đoán giảm 1,4 triệu thùng của Reuters (Theo EIA); trong đó, lượng dầu lưu kho tại điểm giao nhận Cushing, bang Oklahoma (một trong những kho lưu trữ dầu lớn nhất của Mỹ) tăng gần 1,4 triệu thùng (Theo Hãng số liệu Genscape).

- Số giàn khoan của Mỹ trong tuần kết thúc vào 18/12 tăng 17 giàn, lên 541 giàn, ghi nhận tuần đầu tiên tăng sau 4 tuần giảm liên tiếp (Theo số liệu của Baker Hughes Inc).

- Fed nâng lãi suất, đẩy đồng USD tăng giá, khiến giá dầu thô (niêm yết bằng đồng USD) trở nên đắt hơn so với các đồng tiền khác, làm giảm cầu tiêu dùng.

Chứng khoán

Trong tuần qua, chứng khoán Mỹ giảm điểm do ảnh hưởng của việc giá dầu giảm và lo ngại phản ứng toàn cầu trước việc Fed nâng lãi suất. Cụ thể:

+ Dow Jones giảm 0,8%, xuống 17.128,55 điểm;

+ S&P 500 giảm 0,3%, xuống 2.005,55 điểm;

+ Nasdaq Composite giảm 0,2%, xuống 4.923,08 điểm.

Tính chung cả tuần, chứng khoán châu Á tăng điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,18%, lên 129,69 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,68%, lên 18.986,80 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,81%, lên 3.578,96 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 2,57%, lên 21.755,56 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,39%, lên 1.975,32 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,26%, lên 5.106,659 điểm

Châu Âu

Trong tháng 11/2015:

- Doanh số bán xe tại châu Âu tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2014;

- Lượng đăng ký xe mới tăng 8,7%, lên 12,6 triệu chiếc, vượt so với mức của cả năm 2014.

(Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu)

Ủy ban châu Âu (EC) đã ra chỉ thị ​quy định việc nhập khẩu thép tấm cán nguội từ Trung Quốc và Nga vào EU phải tuân theo các quy định về đăng ký thống kê.Theo đó, EC đề nghị các cơ quan hải quan châu Âu phải thống kê rõ khối lượng nhập khẩu thép tấm cán nguội từ ngày 13/12/2015.Nếu EC kết luận mặt hàng này được bán với giá thấp, thì sẽ tăng mức thuế đối với thép cán nguội nhập khẩu sau thời điểm kể trên.

Các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và tư nhân tại Pháp bị ảnh hưởng mạnh sau loạt vụ tấn công khủng bố trong tháng 11. Cụ thể:

+ Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Pháp giảm từ 51 điểm trong tháng 11, xuống còn 50,3 điểm trong tháng 12. Đây là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua.

+ Chỉ số các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giảm từ 51 điểm trong tháng 11, xuống còn 50 điểm trong tháng 12, mức thấp nhất trong vòng 11 tháng.

(Theo Markit Economics)

Hiện có hơn 31 triệu người có việc làm tại Vương quốc Anh, đây là con số cao nhất kể từ năm 1971 (khi bắt đầu có dữ liệu so sánh trong lĩnh vực việc làm), đưa tỷ lệ người có việc làm tại nước Anh lên gần 74%. Số người thất nghiệp trong 3 tháng (tính đến hết tháng 10) là 1,7 triệu người, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

(Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh - ONS)

Các ngân hàng Thụy Sỹ hiện nắm giữ khoảng 44 triệu franc (44,6 triệu USD) đang nằm trong hơn 2.600 tài khoản đã không hoạt động trong ít nhất 60 năm (từ năm 1955). Theo SBA, đây là cơ hội cuối cùng cho các chủ tài khoản hoặc những người thừa kế yêu cầu nhận lại tài sản của mình trước khi số tiền này được nộp cho Nhà nước.

(Theo Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ - SBA)

Hoa Kỳ

Ngày 16/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, từ mức 0 - 0,25%, lên 0,25 - 0,5%.

Căn cứ tăng lãi suất của FED:

- Tăng trưởng: Tốc độ hồi phục kinh tế khả quan, quý 2/2015, GDP của Mỹ là 3,9% và quý 3 là 2,1%, tăng mạnh so với 0,6% trong quý 1).

- Tỷ lệ thất nghiệp: Có xu hướng giảm dần, từ 5,7% trong tháng 1/2015 xuống còn 5% trong tháng 11 và dự kiến chỉ còn 4,7% trong năm 2016. (Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 11/2015, Mỹ đã có thêm được 211.000 việc làm, cao hơn so với dự đoán 200.000 việc làm của các nhà kinh tế).

- Lạm phát: Mặc dù còn cách xa mục tiêu 2% của Chính phủ, xong lạm phát có xu hướng tăng. Tháng 11/2015 là 0,5%, tăng so với 0,2% trong tháng 10.

Phản ứng của các nước: Ngay sau khi FED quyết định nâng lãi suất, một số nước đã ngay lập tức điều chỉnh chính sách tiền tệ.

- Cơ quan tiền tệ Hong Kong (HKMA) thuộc Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 17/12 quyết định tăng lãi suất cơ bản, từ 0,5% lên 0,75%, lần đầu tiên trong một thập niên. Hệ lụy khi Hong Kong tăng lãi suất là nguồn vốn sẽ chạy khỏi thị trường chứng khoán và bất động sản, do dòng tiền đổ vào Hong Kong trong những năm gần đây nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của nước này.

- NHTW Mexico (Banxico) ngày 17/12 quyết định tăng lãi suất cơ bản, từ 3% lên 3,25%, nhằm giảm áp lực giảm giá cho đồng peso và tránh phải điều chỉnh mục tiêu lạm phát.

Một số ngân hàng đưa ra dự báo:

- Deutsche Bank: Trong năm 2016, FED sẽ tăng lãi suất khoảng 2 - 4 lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.

- Barclays: Trong hai năm 2016 và 2017, FED sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần.

Quốc hội Mỹ ngày 15/12 đã đạt thỏa thuận về một dự luật cấp ngân sách trị giá 1.100 tỷ USD cho chính phủ liên bang từ nay tới tháng 9/2016. Với động thái này, Chính phủ Mỹ đã tránh được nguy cơ phải đóng cửa vì hết ngân sách hoạt động lần thứ 2 kể từ năm 2013.

Các nghị sỹ cũng đã nhất trí gia hạn một gói miễn thuế trị giá khoảng 800 tỷ USD đối với khu vực năng lượng tái tạo, đồng thời đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô được áp đặt suốt 4 thập kỷ qua.

Trung Quốc

Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 14/12 đã công bố các nhiệm vụ kinh tế chính trong năm 2016 - năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của nước này. Cụ thể:

- Tiếp tục thúc đẩy đổi mới các doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính trong đó có giảm các chi phí giao dịch, thuế, phí bảo hiểm xã hội;

- Cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách khuyến khích liên doanh, tái cơ cấu và trong một số trường hợp doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản;

- Ngăn chặn và loại bỏ các rủi ro tài chính mang tính khu vực và hệ thống, tiếp tục dành ưu tiên đối với an ninh xã hội, tài chính, thuế, thủ tục hành chính và cải tổ các công ty nhà nước;

- Đảm bảo chất lượng sống cơ bản cho người dân trong khi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích các công ty nước ngoài sẽ giúp hợp tác với các nước và thúc đẩy môi trường đầu tư trong nước;

- Tiếp tục giữ tăng trưởng kinh tế ở mức thích hợp;

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn cung, nâng cao đầu tư hiệu quả, nghiên cứu các động lực phát triển mới và củng cố sức cạnh tranh của các lĩnh vực truyền thống;

Theo CPC, Trung Quốc cần tiếp tục cải cách và mở cửa, kiên trì với đường lối chung là theo đuổi phát triển trong khi duy trì ổn định và thúc đẩy cải thiện năng suất.

Trong tháng 11/2015:

- Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2014, mức cao nhất trong 5 tháng qua.

- Đầu tư tài sản cố định (một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc) ở mức 10,2%, không thay đổi so với cùng kỳ 2014, song vẫn cao hơn dự báo trước đó (10,1%).

- Đầu tư vào bất động sản tăng 1,3% so với cùng kỳ 2014, so với mức tăng 2% ghi nhận trong tháng 10.

Trung Quốc đã được Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) chấp nhận trở thành một thành viên góp vốn, theo đó, mở ra những cơ hội lớn để các tập đoàn Trung Quốc đầu tư bền vững vào châu Âu, châu Phi và Trung Đông (Theo EBRD)

Nhật Bản

Nguồn thu từ thuế của Nhật Bản trong năm tài khóa 2016 (bắt đầu từ 01/4/2016 tới) sẽ tăng lên khoảng 57,5 nghìn tỷ yên (471,5 tỷ USD) - mức cao nhất kể từ năm tài khóa 1991 và là mức cao thứ ba kể từ khi số liệu này được thu thập. Theo đó, ngân sách cho năm tài khóa 2016 có thể sẽ vượt 96,5 nghìn tỷ yên, trong đó chi phí cho an sinh xã hội sẽ tăng lên mức cao kỷ lục là khoảng 32 nghìn tỷ yên do tình trạng già hóa của xã hội Nhật Bản.

Nguyên nhân: Nguồn thu từ thuế tăng cao nhờ lợi nhuận doanh nghiệp gia tăng bắt nguồn từ sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, khiến chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh hơn, đầu tư khởi sắc, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(Theo Chính phủ Nhật Bản)

Ngân sách cho năm tài khóa 2016 của Nhật Bản có thể sẽ vượt 96,5 nghìn tỷ yên, trong đó:

- Chi phí cho an sinh xã hội sẽ tăng lên mức cao kỷ lục là khoảng 32 nghìn tỷ yên do tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản.

- Chi phí cho quốc phòng dự kiến sẽ lần đầu tiên tăng lên mức 5 nghìn tỷ yên.

Nga

Nga hiện vẫn đang là quốc gia xuất nhập khẩu hàng hóa chính của Ukraine. Cụ thể, tính đến hết tháng 10/2015:

+ Ukraine đã nhập khẩu hàng hóa từ Nga với tổng giá trị là 6,4 tỷ USD - dù thấp hơn 43% so với cùng kỳ năm 2014.

+ Ukraine xuất khẩu sang Nga với tổng giá trị đạt 4 tỷ USD, thấp hơn 55% so với cùng kỳ năm 2014.

(Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Ukraine)

Từ ngày 01/01/2016, Nga sẽ đình chỉ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ukraine. Nguyên nhân là do từ ngày 01/01/2016, FTA giữa Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực. Nga lo ngại trong trường hợp đó, thị trường Nga sẽ tràn ngập hàng hóa của EU. FTA giữa Nga và Ukraine được ký kết từ ngày 18/10/2011.

(Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin)

28 thành viên EU ngày 16/12 đã nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, sau khi các lệnh trừng phạt hết hiệu lực vào tháng 01/2016. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, dầu mỏ và quốc phòng của Nga từ tháng 7/2014 và được gia hạn đến tháng 6/2015.

(Theo Hãng RIA Novosti)

Mỹ-Latinh và Caribe

Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ-Latinh dự kiến đạt 914 tỷ USD, giảm 14% so với năm 2014 và là năm giảm thứ 3 liên tiếp. Trong đó:

- Các nước giảm nhiều nhất là: Venezuela giảm 49%; Colombia giảm 35%; Bolivia giảm 32% và Ecuador giảm 28%.

- 2 nước trong khu vực có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng là: Guatemala và El Salvador, mức tăng lần lượt là 6% và 2%.

Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm.

(Theo Báo cáo Xu hướng thương mại Mỹ Latinh và Caribe 2016 của Ngân hàng Phát triển liên Mỹ - BID)

Australia

Thâm hụt ngân sách của Australia đã lên tới 37,4 tỷ AUD (27,1 tỷ USD) và dự kiến trở lại mức thặng dư vào năm 2020 - 2021, chậm một năm so với dự đoán.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Ngân khố Scott Morrison đã thông báo một số khoản cắt giảm chi tiêu, bao gồm:

+ Cắt giảm chi tiêu trong thanh toán phúc lợi xã hội, dự kiến tiết kiệm gần 2 tỷ AUD trong 3 năm tới.

+ Cắt giảm trợ cấp y tế, dự kiến tiết kiệm gần 700 triệu AUD.

+ Giảm chi trả trong chăm sóc trẻ em, dự kiến tiết kiệm khoảng 440 triệu AUD trong 4 năm tới.

Nguyên nhân mức thâm hụt tăng ngoài dự kiến chủ yếu là do:

(i) Giá quặng sắt giảm kỷ lục xuống dưới 40 USD/tấn thời gian qua khiến Chính phủ Australia thất thu 7 tỷ AUD;

(ii) Tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến.

(Bộ trưởng Ngân khố Australia Scott Morrison)

Australia sẽ đóng góp 6 triệu AUD để giúp các nước đang phát triển, cụ thể:

- Cung cấp 3 triệu AUD cho Khuôn khổ tăng cường hội nhập (EIF) của WTO nhằm giúp các nước kém phát triển nhất xác định và thực hiện các dự án thương mại quan trọng.

- Đầu tư 3 triệu AUD cho Liên minh toàn cầu về tạo thuận lợi thương mại nhằm giúp các nước đang phát triển vận chuyển hàng hóa qua biên giới một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.

(Theo Chính phủ Australia)

Argentina

Ngày 16/12, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay quyết định bỏ trần tỷ giá hối đoái được áp dụng từ cuối năm 2011 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với quyết định này, đồng nội tệ peso của Argentina có thể bị phá giá ít nhất 40%.

Việc bỏ trần tỷ giá sẽ giúp:

- Xóa bỏ các rào cản đối với các hoạt động xuất - nhập khẩu và mua USD của các doanh nghiệp và người dân, đồng thời loại bỏ tình trạng chênh lệch giữa tỷ giá chính thức trong ngân hàng với tỷ giá thị trường tự do;

- Dỡ bỏ tất cả những hạn chế về việc sử dụng hoặc chi tiêu đồng USD ở nước ngoài bởi những quy định đó đã cản trở nền kinh tế Argentina phát triển.

Philippines

Năm 2016, Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu 169.385 tấn đường, lần đầu tiên trong 6 năm, nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước. Dự báo, sản lượng đường thô của Philipines trong niên vụ 2015/16 (bắt đầu từ 01/9/2015) giảm xuống 2,228 triệu tấn, so với mức 2,27 triệu tấn của niên vụ trước.

(Theo Cơ quan Quản lý Đường Philippines - SRA)

Hàn Quốc

Tháng 11/2015, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 10,32 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với mức 5,26 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014. Đây là tháng thứ 46 liên tiếp kể từ tháng 2/2012, Hàn Quốc ghi nhận thặng dư thương mại do nhập khẩu giảm nhanh hơn so với xuất khẩu. Cụ thể:

+ Kim ngạch xuất khẩu đạt 44,38 tỷ USD, giảm 4,8%.

+ Kim ngạch nhập khẩu đạt 34,06 tỷ USD, giảm 17,6%.

Tính chung 11 tháng năm 2015, thặng dư thương mại của Hàn Quốc lên mức 83,2 tỷ USD. Trong đó: (i) Kim ngạch xuất khẩu đạt 484,5 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Kim ngạch nhập khẩu là 401,3 tỷ USD, giảm 16,7%.

(Cơ quan Hải quan Hàn Quốc - KCS)

Brazil

Ngày 16/12, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ mức dự báo triển vọng đầu tư của Brazil từ mức “BBB-” xuống mức “BB+”, trong bối cảnh nước này suy thoái trầm trọng hơn dự báo.

IMF nhận định kinh tế Brazil sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2016, với mức -1%.

Cuba

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 13/12 đã quyết định xóa 1,709 tỷ euro (khoảng 1,88 tỷ USD) phí thanh toán chậm cho Cuba. Số tiền này nằm trong tổng số 7,73 tỷ euro (8,5 tỷ USD) mà nhóm 15 nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris đồng ý xóa bỏ cho Cuba. Như vậy, số tiền mà Cuba phải trả cho Tây Ban Nha sẽ chỉ còn 537,3 triệu euro (590,7 triệu USD).

Chính sách

Trung Quốc

- Từ ngày 01/01/2016, Trung Quốc sẽ cấp phép cư trú cho những người lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, tạo điều kiện cho người nhập cư được hưởng phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục ở nơi cư trú. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ cư dân thành thị đã đăng ký trên tổng số dân là 35,9% và Trung Quốc đã đề ra kế hoạch nâng tỷ lệ này lên 45% vào năm 2020. Ngân hàng thế giới ước tính đến năm 2030, khoảng 70% dân số Trung Quốc sẽ sống ở thành thị.

- Ngày 17/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo, Trung Quốc cho phép các nhà đầu tư Thái Lan được đầu tư lên tới 50 tỷ NDT (278 tỷ Baht - khoảng 7,7 tỷ USD) vào các thị trường tài chính của nước này, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Mỹ

Hạ viện Mỹ ngày 17/12 đã thông qua dự luật cắt giảm thuế trị giá 622 tỷ USD áp dụng với các doanh nghiệp, hộ gia đình và các cá nhân đóng thuế trong 10 năm tới. Theo đó:

- Hàng chục khoản miễn thuế áp dụng đối với doanh nghiệp đã hoặc sắp hết hạn sẽ được gia hạn.

- Tầng lớp trung lưu tại Mỹ cũng được hưởng lợi từ dự luật mới, do văn bản luật này sẽ hỗ trợ các sinh viên đại học, người thu nhập thấp, giáo viên và một số đối tượng khác.

Hy Lạp

Quốc hội Hy Lạp ngày 15/12 đã thông qua dự luật cải cách theo yêu cầu các chủ nợ quốc tế để được giải ngân 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD). Theo đó:

- Chính phủ Hy Lạp phải lập một quỹ cổ phần hóa (được giám sát bởi 1 ban thanh tra gồm đại diện của Chính phủ và các chủ nợ).

- Cải tổ ngành cung cấp điện.

- Mở thị trường bán các khoản nợ xấu.

Dự luật chủ yếu ảnh hưởng đến những doanh nghiệp lớn và liên quan đến việc xử lý các khoản nợ xấu trên thị trường Hy Lạp hiện đang ở mức hơn 40%.

Ký kết - Thỏa thuận

WTO

Ngày 16/12, 53 trong tổng số 162 nước thành viên WTO đã ký Hiệp định công nghệ thông tin - ITA) về việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là thỏa thuận lớn về cắt giảm thuế trên quy mô toàn thế giới đầu tiên trong vòng 19 năm qua.

- Đối tượng miễn giảm thuế: Hơn 201 sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy vi tính, thiết bị y tế...)

- Quy mô: Tổng giá trị trao đổi lên tới 1.300 tỷ USD, chiếm 10% tổng thương mại toàn cầu, giúp đóng góp khoảng 190 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

- Lộ trình: Quá trình cắt giảm thuế sẽ được thực hiện theo lộ trình 7 năm, theo đó: có hiệu lực từ tháng 01/7/2016, cắt giảm ngay đối với 65% tổng sản phẩm ICT và sẽ được thực hiện đầy đủ vào năm thứ 7.

- Các đối tượng chính được hưởng lợi từ thỏa thuận: Là người tiêu dùng và những tập đoàn lớn ngành công nghệ thông tin của Mỹ như General Electric Co, Intel Corp., Microsoft Corp, Texas Instruments Inc và Nintendo Co.

Theo Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, sau khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ giúp tạo thêm 60.000 việc làm cho nền kinh tế Mỹ.

Thái Lan - Myanmar - Nhật Bản

Ngày 14/12, tại cuộc họp Ủy ban cấp cao chung Thái Lan - Myanmar (JHC) - Nhật Bản về Đặc khu kinh tế Dawei, 3 nước đã ký một thỏa thuận về Cơ chế cho vay đặc biệt (SPV) để quản lý và đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết lập một khu công nghiệp.

- Đồng ý cho đồng baht Thái Lan và đồng kyat Myanmar sẽ được sử dụng trong Đặc khu kinh tế Dawei để tạo thuận lợi cho đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

- Trị giá ban đầu của dự án, khoảng 400 tỷ bath (hơn 11 tỷ USD), sẽ được đánh giá lại.

Kế hoạch phát triển đặc khu kinh tế này dự kiến sẽ được thực hiện trong 75 năm chia thành 5 giai đoạn khác nhau.

Trung Quốc và Thái Lan

Theo hợp đồng mua bán 1 triệu tấn gạo, trị giá 33,4 tỷ Bạt (khoảng 929 triệu USD) giữa Cơ quan Vụ Thương mại Quốc tế (Thái Lan) và Tập đoàn Quốc gia về ngũ cốc, dầu và thực phẩm (Trung Quốc), Thái Lan đã giao được khoảng 900.000 tấn và sẽ giao nốt số gạo còn lại vào năm 2016.

Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)

Ngày 14/12, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã ký kết thỏa thuận thành lập một quỹ đầu tư chung 10 tỷ USD, theo đó, tập trung vốn đầu tư trực tiếp vào những ngành chiến lược như năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ… nhằm góp phần đa dạng hóa nền kinh tế UAE. Quỹ này nằm trong chiến lược thắt chặt quan hệ thương mại và chính trị với Trung Đông, cũng như xây dựng các tuyến đường giao thương mới giữa Đông và Tây.

Trung Quốc và Nga

Ngày 17/12, NHTW Trung Quốc (PBOC) và NHTW Liên bang Nga đã ký bản ghi nhớ nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tài chính, cụ thể:

- Thúc đẩy việc thanh toán bằng đồng nội tệ;

- Phát hành thẻ ngân hàng;

- Tiếp cận thị trường trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm.