Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 16-21/11/2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Trung Quốc: Dự kiến sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2015 và tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu. (Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11).

Nhật Bản: Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý 3/2015 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014 và giảm 0,2% so với quý 2/2015. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 16/11).

Thái Lan: Trong quý 3/2015, tăng trưởng kinh tế Thái Lan đạt 2,9%, tăng so với mức 1% trong quý 2, đồng thời cao hơn dự báo 2,5% của Bloomberg. Dự kiến, GDP cả năm 2015 của Thái Lan sẽ đạt 2,9%, cao hơn mức 2,7% dự báo hồi tháng 8. Năm 2016, GDP sẽ ở mức 3 - 4%. (Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế - Xã hội Thái Lan - NESDB ngày 16/11).

Nga: Trong quý 3/2015, GDP nước này là -4,1%, chủ yếu do giá dầu thế giới giảm và tác động của lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga.Dự kiến, trong cả năm 2015, GDP của Nga có thể ở mức -3,9%, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2016. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Nga - Rosstat ngày 12/11). Nếu giá dầu tiếp tục sụt giảm và ở mức trung bình khoảng 50 USD/thùng thì Nga là -4,3% trong năm 2015; -0,6% trong năm 2016 và 1,5% vào năm 2017.

(Theo WB).

Ukraine: GDP quý 3/2015 của nước này tăng 0,7% so với quý ​2/2015, giảm 7%so với cùng kỳ năm 2014. (Theo Cơ quan Thống kê Ukraine ngày 16/11). Dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 11% trong năm 2015 và tăng trưởng phục hồi, ước tính khoảng 2% vào năm 2016.(Theo IMF).

Châu Âu

Các nước châu Âu trong những năm gần đây đã tích cực thắt chặt các quy định về ngân sách, nhằm tăng cường kiểm soát khủng hoảng nợ công. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) thường xuyên đánh giá kế hoạch ngân sách quốc gia của các nước thành viên. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/11 đã:

- Đưa ra cảnh báo 4 quốc gia thành viên Eurozone là Italy, Áo, Lithuania và Tây Ban Nha: đây là các nước thuộc “nhóm nguy hiểm” với nguy cơ thâm hụt ngân sách có thể vượt mức trần quy định 3% vào năm 2016 (trong đó, Tây Ban Nha tiếp tục vượt trần thâm hụt quy định do năm 2014, thâm hụt nước này là 5,9% GDP). Theo quy định, nếu ngân sách vượt mức 3% GDP thì các nước sẽ phải giải trình hoặc nộp tiền phạt.

- Đối với Pháp: EU sẽ linh động cho Pháp trong quy định về thâm hụt ngân sách (do Pháp vừa trải qua cuộc khủng bố tại Paris). Theo kế hoạch tăng cường chi tiêu đảm bảo an ninh của Chính phủ Pháp, ngân sách chi cho an ninh sẽ được tăng thêm khoảng vài trăm triệu EUR, song sẽ không vượt quá 1 tỷ EUR.

Theo dự báo từ các báo cáo của Eurostat, năm 2015 - 2016, thâm hụt ngân sách của Pháp và Tây Ban Nha sẽ giảm, nhưng vẫn ở mức cao, năm 2015 lần lượt là 4,0 và 4,7% GDP, năm 2016 là 3,4 và 3,6% GDP. Các nước Italy, Áo, Lihuania, thâm hụt ngân sách có xu hướng tăng, năm 2015 lần lượt là 2,6; 2,9 và 1,5% GDP.

Ngân hàng Barclays của Anh sẽ phải nộp phạt thêm 150 triệu USD, do những vi phạm liên quan tới các hoạt động giao dịch ngoại hối tự động. (Cơ quan giám sát tài chính New York - NYDFS). Ước tính Barclays đã phải chi khoản tiền tương đương 219 tỷ USD cho các vụ kiện trong giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng (2008 - 2014). (Theo hãng xếp hạng tín dụng Moody's).

Trong hơn 1 năm qua, kể từ khi công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm ngân sách, các cơ quan công quyền của Italy đã giảm được 700 xe công. Trong đó, đã bán được 200 xe. Ngoài ra, Chính phủ cũng dự định cho thuê xe công để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Năm 2014, thời điểm nợ công của Italy lên tới 130% GDP, Chính phủ Italy đã thông qua một Nghị định về việc cắt giảm xe công. (Theo Thứ trưởng Bộ Hành chính công Italy Angelo Rughetti).

Việc châu Âu tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới để đối phó với những mối đe dọa khủng bố, dòng người di cư và tị nạn từ Trung Đông đang khiến cho nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đồng thời đẩy chi phí kinh doanh tăng lên. Cụ thể:

- Chỉ số rủi ro hàng quý đã tăng gấp gần 2 lần, từ mức 40,4 điểm năm 2003 lên 79,1 điểm, cho thấy nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn rất cao.

- Chi phí vận chuyển hàng hóa của các công ty của Áo và Đức tăng 10%.

(Theo tổ chức Chartered Institute of Procurement and Supply (CIPS) - tổ chức chuyên cung ứng và thu mua hàng hóa có trụ sở tại Anh).

Lạm phát khu vực Eurozone trong tháng 10/2015 đã được điều chỉnh tăng lên mức 0,1% do giá trái cây và rau quả tăng. Trước đó, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ước tính, lạm phát là 0% trong tháng 10/2015 sau khi giá tiêu dùng tại 19 nước chung đồng euro đã giảm 0,1% trong tháng 9/2015.

Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế ngày 17/11 để được giải ngân 12 tỷ EUR trong gói cứu trợ 86 tỷ EUR (93 tỷ USD) được ký hồi tháng 7/2015, trong đó; 10 tỷ EUR sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng yếu kém. Để đạt được thỏa thuận này, Hy Lạp phải thực hiện thêm 48 biện pháp cải cách nữa, trong đó có việc đẩy nhanh việc xử lý các khoản vay thế chấp mua nhà bằng cách tịch biên tài sản.

Châu Á

Thặng dư thương mại của Hàn Quốc trong tháng 10/2015 đạt 6,65 tỷ USD, giảm 0,88 tỷ so với cùng kỳ năm 2014 (7,53 tỷ USD) và giảm 2,24 tỷ USD so với tháng 9 (8,89 tỷ USD), ghi nhận tháng thứ 45 liên tiếp thương mại Hàn Quốc đạt thặng dư (kể từ tháng 02/2012). Cụ thể: (i) Nhập khẩu đạt 36,77 tỷ USD, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2014; (ii) Xuất khẩu đạt 43,42 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, lũy kế 10 tháng năm 2015, thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 72,9 tỷ USD, cao hơn so với 36,3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014 và 47,2 tỷ USD của cả năm 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt 440,2 tỷ USD, giảm 7,6%; nhập khẩu đạt 367,3 tỷ USD, giảm 16,6%. (Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc - KCS)

Giá đất đai trong nước của Hàn Quốc đã tăng hơn 3.000 lần kể từ năm 1964 đến năm 2013. Cụ thể:

- Tổng giá trị đất đai danh nghĩa của Hàn Quốc năm 2013 đạt 5,848 triệu tỷ won (5.000 tỷ USD), gấp 3.030 lần so với mức 1.930 tỷ won năm 1964.

- Giá đất năm 2013 đã tăng lên mức 58.325 won/m2 từ mức 19,6 won/m2 năm 1964.

- Tỷ lệ đất thuộc sở hữu nhà nước tăng từ mức 13,2% năm 1964 lên mức 26,1% năm 2013.

- Trong quý 2/2015, giao dịch mua bán nhà của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục, đạt 340.743 căn, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 18,3% so với quý 1/2015 - ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm (mức kỷ lục trước đó là 305.229 căn, được ghi nhận vào quý 2/2008). Nguyên nhân là do mức lãi suất thấp đã khiến các gia đình Hàn Quốc tăng vay ngân hàng để mua nhà. (Theo NHTW Hàn Quốc - BoK).

Đầu năm 2016, 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu vào Indonesia sẽ cập cảng. Đây là số gạo nằm trong hợp đồng đàm phán hơn 1 triệu tấn giữa Indonesia với 02 nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam. (Theo Hãng tin Antara của Indonesia).

Chương trình tư nhân hóa các sân bay của Saudi Arabia từ nay đến năm 2020, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế để tăng nguồn thu từ các lĩnh vực phi dầu mỏ; nâng cấp các dịch vụ hàng không thông qua nền tảng thương mại; tăng nguồn thu cho NSNN. (Theo Tổng Liên đoàn Hàng không dân dụng nhà nước Saudi Arabia). Theo đó:

(i) Đợt đầu tiên sẽ được tiến hành vào quý 1/2016 với việc tư nhân hóa sân bay quốc tế chính của thủ đô nước này;

(ii) Trong quý 2và quý 3/2016, sẽ tư nhân hóa lĩnh vực dịch vụ hàng không và hệ thống công nghệ thông tin.

Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không mấy lạc quan về viễn cảnh kinh tế trong năm 2015. Theo đó, chỉ có 28% các nhà lãnh đạo cho rằng, sẽ đạt tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, so với con số 46% của năm ngoái, do những lo ngại về việc sụt giảm tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, đặc biệt là vụ vỡ bong bóng chứng khoán hồi tháng 8/2015.

(Theo khảo sát của Công ty Kiểm toán PwC).

ADB đã thông qua khoản vay 100 triệu USD để cải tạo cung đường 66,4 km nối Eindu và Kawkareik ở bang Kayin của Myanmar, cung đường còn lại của Dự án Hành lang Đông - Tây tiểu vùng sông Mekong (GMS). Việc hoàn tất cung đường này sẽ nối liền thành phố Đà Nẵng của Việt Nam với hai trung tâm kinh tế Mawlamyine và Yangon của Myanmar. Dự án sẽ được thực hiện trong hơn 3 năm và dự kiến hoàn công vào tháng 9/2019.

Chứng khoán

Trong tuần qua, chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ giá trị cổ phiếu y tế, công nghệ và tiêu dùng tăng. Cụ thể:

+ Dow Jones tăng 3,4%, lên 17.829,81 điểm;

+ S&P 500 tăng 3,3%, lên 2.089,17 điểm;

+ Nasdaq Composite tăng 3,6% lên 5.104,92 điểm.

Trong tuần, chứng khoán châu Á tăng điểm. Chốt phiên, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,83%, lên 134,58 điểm. Các thị trường chính diễn biến như sau:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,28%, lên 19.879,81 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1,65%, lên 22.754,72 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 2,01%, lên 5.256,144 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,11%, xuống 3.630,50 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,68%, xuống 1.989,86 điểm.

Giá dầu

Trong tuần từ 16 - 20/11, giá dầu diễn biến trái chiều, WTI giảm tuần thứ 4 liên tiếp, Brent tăng sau 3 tuần giảm.

Trong phiên cuối tuần ngày 20/11, giá dầu giao kỳ hạn tháng 12/2015 diễn biến như sau:

+ WTI giao tại New York giảm 15 cent, tương đương 0,3%, xuống 40,39 USD/thùng;

+ Brent giao tại London tăng 48 cent, tương đương 1,1%, lên 44,66 USD/thùng.

Như vậy, tính chung cả tuần, WTI giảm 0,7% và Brent tăng 0,5%.

Nguyên nhân:

- WTI giảm là do: (i) Thị trường tiếp tục lo ngại dư cung: Theo EIA cho biết, trong tuần kết thúc ngày 13/11, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 252.000 thùng, thấp hơn mức tăng 1,6 triệu thùng mà Reuters dự báo và lượng dầu lưu kho vẫn đạt gần mức kỷ lục trong 80 năm qua; (ii) Sự hết hạn của hợp đồng giao tháng 12 vào ngày 20/11 đã khiến giá dầu tại thị trường Mỹ biến động mạnh, khi các giao dịch chuyển sang hợp đồng giao dịch tháng 1/2016.

- Trong khi đó, Brent giao tại London nên chịu tác động ít hơn đối với những biến động tại thị trường New York.

Hoa Kỳ

Sự lạc quan về tình hình kinh tế của Hoa Kỳ khi 54% ý kiến cho rằng doanh nghiệp sẽ tuyển thêm nhân công trong năm 2016, mức cao nhất trong 8 năm qua. Trong khi chỉ 5% ý kiến cho rằng doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân công. (Theo kết quả khảo sát 500 giám đốc tài chính của các doanh nghiệp Hoa Kỳ do Ngân hàng Merrill Lynch công bố).

Trung Quốc

Trong bối cảnh dòng vốn đang ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc cần thực hiện tiến trình cải cách hệ thống tiền tệ một cách thận trọng để tránh lặp lại những sai lầm trước đây của Nhật Bản.Nếu cải cách đồng NDT quá nhanh khi chưa khắc phục được những khó khăn của nền kinh tế như nợ cao thì Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc hạn chế dòng vốn chảy ra và sẽ tác động tiêu cực tới kho dự trữ ngoại tệ 3.500 tỷ USD của nước này.

Kết quả hoạt động của 4 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc (bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc) không mấy khả quan, cụ thể:

- Tổng dự nợ tính đến cuối tháng 10/2015 chỉ đạt 35,7 nghìn tỷ NDT (5,6 nghìn tỷ USD), giảm 65,6 tỷ NDT so với tháng 9/2015.

- Tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2015 giảm từ 13% của cùng kỳ năm 2014 xuống còn 2%.

- Nợ xấu hiện chiếm 1,59% tổng dư nợ, tương đương 1,2 nghìn tỷ NDT.

(Theo số liệu của NHTW Trung Quốc - PBOC và Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc - CBRC).

Trong tháng 10/2015, giá nhà mới của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức giảm 0,9% trong tháng 9/2015 và ghi nhận tháng tăng đầu tiên kể từ đầu năm 2015. Trong đó, giá nhà tại Bắc Kinh tăng 6,5%; tại Thượng Hải tăng 10,9%. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản Trung Quốc (chiếm khoảng 15% GDP) đã có dấu hiệu cải thiện. (Theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc).

Trung Quốc đã triệt phá một “hệ thống ngân hàng ngầm” (quỹ tín dụng đen) lớn nhất nước này với tổng trị giá giao dịch lên tới 410 tỷ NDT (64,24 tỷ USD). Đây là một phần trong chiến dịch chống nạn rửa tiền tại Trung Quốc.

(Theo Tân Hoa xã).

Kết quả khảo sát MNI Indicators công bố ngày 17/11 cho thấy:

- Chỉ số tâm lý kinh doanh MNI của Trung Quốc giảm từ mức 55,5 điểm trong tháng 10, xuống 49,9 điểm trong tháng 11 (lần gần đây nhất chỉ số này giảm xuống dưới 50 điểm là tháng 7/2015 với 48,8 điểm).

- Chỉ số kỳ vọng cũng giảm từ 58,4 điểm trong tháng 10, xuống mức 51,2 điểm trong tháng 11.

- Số lượng đơn đặt hàng mới của tháng 11 giảm 6,6% và sản lượng giảm 4,2%; giá cả hàng hóa giảm 9,9% so với tháng 10.

Nhật Bản

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21/11 cho biết, Nhật Bản đang có kế hoạch về:

- Chương trình cho vay bằng đồng yên đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á đang phát triển, nhằm mở rộng hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước khu vực này. Nhật bản và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự kiến sẽ đầu tư 110 tỷ USD cho châu Á trong 5 năm tới. (Theo ông Abe, hiện khu vực châu Á có nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn, ước tính lên tới 100 nghìn tỷ yên/năm, tương đương 814 tỷ USD/năm).

- Nới lỏng bớt một số điều kiện cho vay, đồng thời rút ngắn thời gian làm thủ tục cho vay từ mức 3 năm hiện nay, xuống còn khoảng 1,5 năm.

- Dự kiến thiết lập một quỹ tài chính riêng dành cho các dự án có tính rủi ro cao.

Mục tiêu nhằm: (i) Tăng cường vai trò nhà cung cấp cơ sở hạ tầng của Nhật Bản bằng cách tập trung vào chất lượng và an toàn, kết hợp với kỹ thuật tiên tiến nhất của Nhật Bản; (ii) Thể hiện vị thế quốc gia của Nhật Bản trước Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng (tạo ra một định chế tài chính đối trọng với AIIB).

(Theo Reuters ngày 21/11).

Ai Cập

Ngân hàng Thế giới (WB) ​​sẽ cung cấp một gói hỗ trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD cho Ai Cập trong thời gian 3 năm, nhằm giúp nước này giảm bớt áp lực đối với tình trạng thiếu ngoại tệ do doanh thu từ du lịch và đầu tư giảm sút nghiêm trọng. Đợt giải ngân đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 12/2015 với số tiền 1 tỷ USD.

Nga

Nga đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD mà nước này cho Ukraine vay trong vòng 3 năm. Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các định chế tài chính quốc tế sẽ bảo lãnh cho việc Ukraine trả nợ cho Nga. (Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin).

Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết, Chính phủ nước này đã quyết định áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Ukraine, bắt đầu từ ngày 01/01/2016, do Ukraine tham gia vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. (Theo Reuters đưa tin).

Chính sách

Châu Âu: Thống đốc NHTW châu Âu (ECB) Mario Draghi đã tuyên bố để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thành viên tại ECB (hiện là -0,2%) vào tháng 12/2015, trong bối cảnh lạm phát tại Eurozone tiếp tục ở mức thấp (0%) và dự báo tăng trưởng chung toàn khối tiếp tục suy yếu.

Hoa Kỳ: Trong tháng 12/2015, lần đầu tiên trong 7 năm qua, Mỹ có thể tăng lãi suất các khoản vay nóng giữa các NHTM, nhằm khuyến khích đầu tư vào tín dụng giúp nền kinh tế thoát ra khỏi cuộc suy thoái 2007 - 2009.

(Theo các lãnh đạo cơ quan hoạch định chính sách tài chính của Hoa Kỳ).

Trung Quốc:

- Ngày 19/11, NHTW Trung Quốc (PBOC) cắt giảm các mức lãi suất cho vay cơ sở, một trong những công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nước này. Theo đó: (i) Lãi suất cho vay qua đêm được giảm xuống còn 2,75%; (ii) Lãi suất cho vay kỳ hạn 7 ngày giảm xuống 3,25%. Các mức lãi suất trên bắt đầu áp dụng từ ngày 20/11.

Nguyên nhân: (i) Tăng trưởng vẫn ở mức yếu, do kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9% trong quý 3/2015, thấp hơn mức 7% của hai quý đầu năm và là mức tăng trưởng hàng quý thấp nhất kể từ quý 2/2009; (ii) Hoạt động thương mại, (một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Trung Quốc) cũng tiếp tục suy giảm trong tháng 10, xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng USD giảm 6,9%; nhu cầu yếu hơn đối với than, sắt và các mặt hàng khác từcác ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc cũng khiến nhập khẩu giảm 18,8%. (Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc). Theo giới phân tích, mặc dù động thái này không phải là bước điều chỉnh chính sách lớn, song cũng cho thấy Trung Quốc vẫn đang nỗ lực nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế.

- Loại bớt những quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến độ cải cách hệ thống/cơ chế quản lý các nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và hiệu quả cao. (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình).

Indonesia:

- NHTW Indonesia nhiều khả năng sẽ giảm tỷ lệ lãi suất để ổn định đầu tư trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tránh tình trạng suy thoái xảy ra một lần nữa. Hiện, lãi suất của Indonesia đang ở mức 7,5% kể từ tháng 2/2015.

(Theo Phó Thủ tướng Indonesia Jusuf Kalla).

- Indonesia sẽ vận động và kêu gọi các lãnh đạo APEC áp dụng chính sách giảm thuế đối với các sản phẩm “hàng hóa phát triển” tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Philippines từ ngày 18 - 19/11. Đây là các sản phẩm góp phần vào việc thúc đẩy phát triển nông thôn và giảm đói nghèo, chống biến đổi khí hậu. Mức thuế trung bình đang được áp dụng đối với các sản phẩm thuộc chủng loại hàng hóa phát triển là 13,5%, trong khi mức thuế trung bình chung là 5,8% được áp dụng cho các thành viên APEC Theo Bộ Thương mại Indonesia, ít nhất 157 sản phẩm được phân loại là hàng hóa phát triển. Trong số này, Indonesia có các mặt hàng như dầu cọ, cao su, thủy sản và lâm sản.

(Theo Chính phủ Indonesia).

Australia:

NHTW Australia duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục để thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, lãi suất của Australia sẽ được giữ ở mức 2%, được áp dụng từ tháng 5/2015.

Nguyên nhân do: (i) Thị trường việc làm của Australia đã có dấu hiệu tốt (tháng 10/2015 tăng thêm 58.600 việc làm, mức cao nhất kể từ năm 2010, tỷ lệ thất nghiêp giảm 5,9%), cải thiện khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước; (ii) Theo NHTW Australia dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ tiếp tục tăng dần; (iii) Các công ty của Australia trong các ngành công nghiệp bao gồm du lịch, giáo dục và sản xuất đã được hỗ trợ do đồng đô la Australia giảm 32% kể từ đầu năm 2013.

Các nguyên nhân trên đều cho thấy nền kinh tế của Australia đang tăng trưởng tốt lên, vậy quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp là để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng.

(Theo NHTW Australia).

Ký kết - Thỏa thuận

Trung Quốc - Argentina

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày (15 - 16/11), Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Argentina và Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác về việc tài trợ và xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia Nam Mỹ, với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD.Theo đó, 2 nhà máy mang tên Atucha III và Atucha IV sẽ được xây dựng với thiết bị và dịch vụ do Trung Quốc cung cấp. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc sẽ cung cấp 85% tín dụng cho dự án này với lãi suất 6,5%/năm.

Trung Quốc - Thái Lan

Chính phủ Thái Lan ngày 17/11 đã thông qua dự thảo khuôn khổ hợp tác với Trung Quốc phát triển các tuyến đường sắt dài 867km, với tổng chi phí xây dựng khoảng 350 tỷ baht (9,8 tỷ USD). Trong đó: (i) Thái Lan là chủ dự án, chịu chi phí về nhân công xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thu dọn mặt bằng, cung cấp điện và thiết bị phụ trợ xây dựng; (ii) Trung Quốc sẽ tham gia với vai trò thiết kế, xây dựng và mua sắm vật tư, đảm nhận các hạng mục xây dựng đòi hỏi công nghệ cao như xây đường hầm, cầu và hệ thống điều khiển đường ray.

Trung Quốc - Lào

Ngày 2/12, Lào sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt nối thủ đô Vientiane với biên giới Trung Quốc vào, có tổng trị giá 40 tỷ NDT (hơn 6 tỷ USD). Trong đó, Trung Quốc sẽ chi 70% tổng mức đầu tư, Lào sẽ chi 30%. Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp khoản vay 30% nghĩa vụ tài chính của Lào với lãi suất thấp hơn 3%.

Ai Cập và Nga

Ngày 19/11, lễ ký kết thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên giữa Ai Cập và Nga đã được tiến hành. Chi phí của dự án sẽ được tài trợ bằng một khoản vay có thời hạn 35 năm.