Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 18 - 22/01/2016

Theo Thông tin Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

Tăng trưởng

Toàn cầu: GDP sẽ tăng trưởng 3,4 % trong năm 2016, giảm 0,2% so với dự đoán vào tháng 10/2015.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển: Tăng trưởng 4,3% trong năm 2016 và 4,7% năm 2017.

ASEAN: Tăng trưởng 4,8% trong năm 2016 và 5,1% năm 2017.

Trung Quốc: Tăng trưởng 6,3% trong năm 2016 và 6% trong năm 2017, không thay đổi so với dự báo vào tháng 10/2015.

Nhật Bản: Tăng trưởng 1% trong năm 2016 và chỉ tăng 0,3% trong năm 2017.

Mexico: Tăng trưởng đạt 2,6% năm 2016, giảm so với mức 2,8% dự báo hồi tháng 10/2015; 2,9% trong năm 2017, giảm so với mức 3,1% dự báo hồi tháng 10/2015.

(Theo IMF ngày 19/01)

Hoa Kỳ:

- Tăng trưởng trong cả hai năm 2016 và 2017 đều giảm 0,2% xuống còn 2,6%. (Theo IMF ngày 19/01)

- Tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2016 sẽ đạt 2,7%, trước khi tăng chậm lại chỉ còn 2,5% trong năm 2017 và đạt mức trung bình 2% trong giai đoạn 2018 - 2020. (Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) ngày 19/01)

Canada:

- Tăng trưởng 1,7% trong năm 2016 và 2,1% năm 2017. (Theo IMF ngày 19/01)

- Tăng trưởng 1,4 - 1,5% trong năm 2016 và 2,5% năm 2017. (Theo NHTW Canada (BoC) ngày 20/01)

Ngày 20/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 đã chính thức khai mạc tại thành phố Davos-Klosters (Thụy Sĩ), với chủ đề là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới.Các vấn đề được đề cập đến trong ngày làm việc đầu tiên của WEF:

- Nguy cơ chệch hướng của tăng trưởng toàn cầu.

- Những dấu hiệu đáng ngại từ nền kinh tế Trung Quốc.

- Bối cảnh địa chính trị mới với các cuộc tấn công khủng bố diễn ra thường xuyên.

- Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu.

Dầu

Iran sẵn sàng để tăng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày sau khi lệnh trừng phạt đối với quốc gia này được dỡ bỏ. Điều này sẽ làm tăng tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ và có nguy cơ đẩy giá dầu xuống thấp hơn. (Theo Phó Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Iran Amir Hossein Zamaninia)

Năm 2016 sẽ là năm bắt đầu quá trình tái cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới, do các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC giảm sản lượng bởi những tác động từ việc cắt giảm đầu tư.Trong đó:

- Sản lượng của các nước ngoài OPEC trong 6 tháng tới sẽ giảm từ 270.000 - 660.000 thùng/ngày, xuống còn khoảng 56,21 triệu thùng/ngày.

- Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2016 sẽ ở mức 94,17 triệu thùng/ngày.

(Theo OPEC)

Năm 2016, giá dầu mỏ thế giới sẽ giảm, do nguồn cung vượt quá nhiều so với nhu cầu.

- Nhu cầu dầu mỏ chỉ tăng 1 triệu thùng/ngày trong quý 4/2015, do mùa đông trên thế giới ấm hơn.

- Iran trở lại thị trường dầu mỏ là một nhân tố khiến giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.

(Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA)

Giá dầu tăng trong tuần qua, sau tín hiệu tăng cường kích thích của ECB và dự báo bão tuyết tại Hoa Kỳ, làm tăng dự đoán nhu cầu nhiên liệu. Giá dầu giao kỳ hạn tháng 3/2016:

- WTI giao tại New York tăng 5,9%, lên 32,19 USD/thùng,kết thúc mạch giảm 3 tuần liên tiếp.

- Brent giao tại London tăng 11%, lên 32,18 USD/thùng.

Chứng khoán

Tính chung cả tuần, chứng khoán Hoa Kỳ tăng điểm do tác động của việc thời tiết lạnh giá tại Hoa Kỳ và châu Âu đẩy giá dầu tăng đột biến. Cụ thể:

+ Dow Jones tăng 0,7%, lên 16.093,51 điểm;

+ S&P 500 tăng 1,4%, lên 1.906,9 điểm;

+ Nasdaq tăng 2,3%, lên 4.591,18 điểm.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,05%, xuống 124,05 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,36%, xuống 16.958,53 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,73%, lên 2.916,56 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,09%, xuống 19.080,51điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,03%, xuống 1.823,37 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,59%, xuống 4.731,92 điểm.

Châu Âu

EU:

Các quốc gia thành viên EU đã thông qua đề xuất của EC đầu tư 217 triệu euro vào 15 dự án hạ tầng năng lượng lớn xuyên châu Âu, chủ yếu tại Trung Âu và Đông Nam Âu, nhằm:

- Tăng cường an ninh năng lượng;

- Hiện đại hóa mạng lưới năng lượng của châu lục;

- Hỗ trợ cho nghiên cứu hiện đại hóa mạng lưới chuyên chở khí đốt của Bulgaria, cải thiện khả năng dẫn khí đốt trong khu vực, đặc biệt đối với Hy Lạp, Romania, Macedonia và Thổ Nhĩ Kỳ;

- Tài trợ cho các dự án nghiên cứu về Midcat giúp loại bỏ tắc nghẽn cơ sở hạ tầng giữa bán đảo Iberia và Pháp và cung cấp khí đốt từ Algeria tới cảng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) của Tây Ban Nha với phần còn lại của châu Âu.

(Theo Ủy ban châu Âu - EC)

Đức: Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Iran dự kiến tăng gấp đôi, lên mức 5 tỷ euro trong vài năm tới và về dài hạn có thể đạt mức 10 tỷ euro, khi các lệnh trừng phạt quốc tế với Tehran được dỡ bỏ. (Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Sigmar Gabriel)

Anh: Trong 3 tháng từ tháng 9 - 11/2015: (i) Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh đã giảm xuống 5,1% - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2005;(ii) Tỷ lệ có việc làm đã tăng lên mức 74%. Số liệu cho thấy, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động Anh kể từ sau suy thoái kinh tế đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên mức cao đỉnh điểm 8,5% vào năm 2011. (Theo Văn phòng thống kê quốc gia - ONS)

Châu Á

Hàn Quốc:

- Trong quý 4/2015, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đạt 75,6 tỷ USD, giúp Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản (71,7 tỷ USD) trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc. (Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc - KITA)

- Trong năm 2015, giao thương giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đạt 2,71 tỷ USD, tăng 15,8% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Triều Tiên tăng 11%, lên mức 1,26 tỷ USD; nhập khẩu tăng 20,3%, lên mức 1,45 tỷ USD. (Theo Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc)

- Hàn Quốc đã thành lập Nhóm làm việc gồm các chuyên gia tài chính và pháp lý với nhiệm vụ thu hút các công ty lớn của Việt Nam và Indonesia đăng ký niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) trong thời gian tới, do Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và có nhiều công ty lớn có thể tiến hành niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, qua đó nâng cao vị thế của KRX trên thị trường tài chính quốc tế, góp phần tạo thêm sức thu hút đối với các công ty ở các quốc gia khác. (Theo Cơ quan điều hành Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc - KRX)

Singapore:

Trong tháng 12/2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này giảm mạnh do giá dầu thế giới lao dốc. Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) đã giảm mạnh xuống mức 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, do xuất khẩu các mặt hàng phi điện tử giảm tới 10,3%; xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Singapore giảm 17,5%, trong khi các loại hóa chất giảm 41,8% và thiết bị máy móc giảm 43,5%.

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Singapore tiếp tục giảm sút, do: (i) Tình hìnhkinh tế Mỹphục hồi chưa vững chắc; (ii) Trung Quốc rơi vào suy thoái.

(Theo Cơ quan Doanh nghiệp quốc tế Singapore - IE)

Thái Lan:

Thái Lan đã nhất trí với các kế hoạch nhằm giảm sản lượng trong mùa vụ giai đoạn 2016 - 2017 xuống 25 triệu tấn thóc (tương đương với 16,5 triệu tấn gạo) để đáp ứng nhu cầu trong nước và toàn cầu, đồng thời khuyến khích nông dân trồng các giống cây sinh lợi khác vào mùa khô này. Giá thóc trong năm 2016 dự kiến không đổi, ở mức 7.500 - 8.000 baht/tấn. (Theo Bangkokpost.com)

Iran:

- Để đạt được tăng trưởng 8% trong tài khóa 2016 (bắt đầu từ tháng 3/2016), nước này cần thu hút 30 - 50 tỷ USD/năm để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, do: (i) Sự hạn chế của hệ thống ngân hàng và thị trường vốn; (ii) Giá dầu dưới 30 USD/thùng, giảm 75% so với năm 2015, dẫn đến nguồn thu từ dầu giảm. (Theo Tổng thống Iran Hassan Rouhani)

- Thống đốc NHTW Iran Valiollah Seif thông báo, nước này sẽ nhận được 32 tỷ USD tài sản bị đóng băng sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ như một phần của thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), được dùng để mua và nhập khẩu hàng hóa. Trong đó: 28 tỷ USD sẽ được chuyển cho NHTW và 4 tỷ USD còn lại sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước. (Theo AFP)

Thị trường

mới nổi

Năm 2015, các nhà đầu tư và các công ty toàn cầu đã rút vốn 735 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi, cao hơn 7 lần so với năm 2014. Đây là lượng vốn lớn nhất trong vòng 15 năm. Trong đó, Trung Quốc là nền kinh tế chịu ‘tổn thất” nhiều nhất với 676 tỷ USD đã bị rút ra khỏi thị trường này.Dự báo, các nhà đầu tư có thể sẽ rút 348 tỷ USD khỏi các quốc gia đang phát triển trong năm 2016. (Theo Viện Tài chính quốc tế tại Washington)

Hoa Kỳ

Thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tài khóa 2016 (tính tới tháng 9/2016) ước tính ở mức 544 tỷ USD (khoảng 2,9% GDP), tăng 105 tỷ USD so với tài khóa 2015. Đây là lần đầu tiên thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ tăng trong vòng 5 năm qua, do tăng kinh phí dành cho các chương trình an sinh xã hội, chi tiêu cho cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tăng cao. Dự báo thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng và đạt tới 1.366 tỷ USD (chiếm 4,9% GDP) trong tài khóa 2026. (Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ - CBO)

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua việc kéo dài thời gian thực hiện khoản viện trợ lớn nhất từ trước đến nay trị giá 1,27 tỷ USD cho Jordan trong dự luật ngân sách năm 2016, bao gồm các khoản tăng thêm cho viện trợ kinh tế, an ninh và khoản bổ sung trị giá 100 triệu USD cho cung cấp nước sạch. (Theo Đại sứ Hoa Kỳ ngày 21/01 tại Jordan Alice G. Wells)

Trung Quốc

Trung Quốc đã chính thức trở thành thành viên thứ 67 của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) vào ngày 16/1/2016. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đầu tư và hợp tác tài chính với EBRD, qua đó thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu. Cụ thể: (i) Tăng cường cải cách tài chính để thúc đẩy tăng trưởng; (ii) Để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực tài chính.

(Theo Chính phủ Trung Quốc)

Trung Quốc có thể đòi trừng phạt thương mại đối với EU sau khi nước này kháng cáo thành công lên WTO liên quan đến mức thuế mà EU áp đặt đối với các sản phẩm nhập khẩu là ốc vít, đai ốc và bulông làm bằng sắt hoặc thép của Trung Quốc. Mức thuế chống phá giá mà EU áp đặt đối với các sản phẩm kể trên của Trung Quốc đã khiến xuất khẩu của nước này thiệt hại khoảng 1 tỷ USD và ảnh hưởng tới hơn 100.000 việc làm.(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc)

Cứ 4 doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc lại có một doanh nghiệp đã chuyển đi một phần hoặc có kế hoạch rời khỏi nước này, chủ yếu do giá nhân công tăng và các vướng mắc về chính sách khi Trung Quốc đã và đang thực hiện hàng loạt cuộc điều tra độc quyền trên diện rộng nhằm vào các công ty nước ngoài. Một số công ty đã phải trả nhiều khoản phạt khổng lồ. Xu hướng chuyển dịchtrênđãdiễn ra từnăm 2013. Dự báo các công ty sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước đang phát triểntại châu Á và Bắc Mỹ. (Theo Hãng tin AFP)

Giá dầu giảm sâu đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Saudi Arabia và Iran. Trong vòng 11 tháng đầu năm 2015:

- Trao đổi thương mại với Saudi Arabia đã giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2014, xuống 47,66 tỷ USD.

- Kim ngạch thương mại với Iran giảm 34,6%, xuống 31,09 tỷ USD.

Saudi Arabia là nước cung cấp dầu chính cho Trung Quốc. 11 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đã nhập 46,09 triệu tấn dầu thô của Riyadh, chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu dầu; Iran cũng là nước cung cấp dầu quan trọng cho Trung Quốc, bảo đảm 8% nhu cầu nhập khẩu của nước này.

(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc)

FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 2015 giảm 25,2% so với năm 2014, chỉ đạt 3,21 tỷ USD, là năm giảm thứ 3 liên tiếp.Dự báo, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, do: (i) Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. GDP năm 2015 chỉ đạt 6,9% - mức thấp nhất trong 25 năm qua; (ii) Chi phí lao động tại các khu vực ven biển miền Đông Trung Quốc tăng quá nhanh; (iii) Trung Quốc thay đổi chính sách, từ ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, sang phát triển về chất lượng các ngành sản xuất, hướng ưu tiên sang lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ. (Theo Nhật báo Nikkei dẫn báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc)

NHTW Trung Quốc thông báo sẽ cấp 600 tỷ NDT (hơn 91 tỷ USD) để hỗ trợ thanh khoản dịp Tết, thông qua 3 công cụ tài chính là vay ngắn hạn, trung hạn và vay thế chấp bổ sung. Các nhà phân tích cho rằng, đây là động thái nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc sau khủng hoảng tài chính, sẽ làm giảm áp lực đối với việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tương lai gần.

(Theo Reuters)

Nga

Tình trạng giảm mạnh của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga thiếu hụt 3.000 tỷ ruble (38,6 tỷ USD) trong năm 2016. Do vậy, Nga có thể phải sử dụng một phần của Quỹ Dự trữ Quốc gia (NWF) để bù đắp cho ngân sách thâm hụt trong năm 2016, nếu không thực thi các biện pháp điều chỉnh ngân sách tương ứng với mức giá dầu mới. (Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov)

Chính sách

Ngân hàng Trung ương châu Âu:

ECB ngày 21/1 đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt, trong bối cảnh các thị trường tài chính thế giới bất ổn trước những quan ngại liên quan tới nền kinh tế Trung Quốc.Cụ thể:

- Lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn chủ chốt trong khu vực Eurozone được giữ nguyên ở mức 0,05% - mức thấp kỷ lục từ tháng 9/2014.

- Lãi suất biên tế (chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay) và lãi suất tiền gửi được giữ nguyên ở mức 0,3%.

Canada

NHTW Canada (BoC) ngày 20/01 đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%, dù đồng đô la Canada (CAD) đang giảm giá mạnh, do chính sách tiền tệ hiện nay của BoC phù hợp và lạm phát vẫn trong ngưỡng cho phép.

Ngay sau khi BoC công bố quyết định, CAD tiếp tục rớt giá, đứng ở mức 1 CAD/ 68,63 xu Hoa Kỳ, mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Điều này đã tác động tiêu cực làm tăng giá nhiều mặt hàng rau quả, thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu tại Canada, ảnh hưởng túi tiền của người tiêu dùng; tuy nhiên, lại là tín hiệu tốt cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Canada, do: (i) Các sản phẩm xuất khẩu sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá tốt hơn; (ii) Thúc đẩy du lịch nội địa và thu hút nhiều người dân Hoa Kỳ sang Canada mua sắm.

Saudi Arabia:

Ngày 18/01, Saudi Arabia đã quyết định tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm, trứng và các sản phẩm sữa từ 7 vùng của Pháp, sau khi phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm tại Dordogne (Pháp). Lệnh cấm nhập khẩu sẽ được duy trì cho đến khi Pháp kiểm soát được ổ dịch. Điều này có thể sẽ khiến nguồn cung gia cầm tại Saudi Arabia trong ngắn hạn bị khan hiếm, khi Pháp là nước xuất khẩu lớn thứ 2 các sản phẩm gia cầm sang Saudi Arabia trong năm 2013 với khối lượng giao dịch tăng 64% kể từ năm 2009.

Đàm phán - Ký kết

Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC): Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 19/01 đã hoàn tất vòng đàm phán về giao thương hàng hóa nhằm hoàn tất FTA toàn diện trong năm 2016. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tiến hành vào nửa cuối tháng 02/2016.

Trung Quốc và Algeria: Ngày 17/01, Tập đoàn các cơ quan cảng quốc gia Algeria và hai công ty của Trung Quốc (Công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc - CSCEC và Công ty xây dựng cảng Trung Quốc - CHEC) đã ký một hiệp định hợp tác liên doanh nhằm xây dựng cảng thương mại mới trị giá 3,3 tỷ USD.Theo đó, Algeria nắm 51% vốn và Trung Quốc nắm 49% vốn. Cảng El Hamdania dự kiến sẽ được hoàn thành trong thời hạn 7 năm, khi đưa vào sử dụng sẽ cho phép kết nối Algeria với khu vực Đông Nam Á, đồng thời kết nối châu Mỹ và châu Phi.

Nhận định

chuyên gia

Mặc dù giá dầu thô giảm mạnh có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc, song, điều này cũng tác động xấu tới khả năng duy trì hoạt động sản xuất ổn định của các công ty trong nước và năng lực ứng phó với nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Sự phụ thuộc lớn của Trung Quốc vào nguồn dầu nhập khẩu sẽ là một mối lo ngại về an ninh năng lượng đối với chính phủ nước này, nếu sản lượng dầu trong nước tiếp tục suy giảm. Đồng thời, giá dầu thấp có thể sẽ “khuyến khích” sử dụng nhiên liệu kém hiệu quả và tác động tiêu cực đến môi trường.

(Theo Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's)