Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 23-28/5/2016
KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI |
Nội dung |
Tăng trưởng |
- Canada: Ngân hàng Trung ương Canada hạ dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2/2016 của nước này từ 1% (đưa ra hồi tháng 4/2016) xuống -1,25%, do hậu quả của đợt cháy rừng lịch sử kéo dài gần 1 tháng ở bang Alberta. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Canada - BoC vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục 0,5% và dự báo trong quý 3, kinh tế có thể khôi phục dần, do các hoạt động khai thác dầu cát được nối lại và các vùng bị ảnh hưởng bắt đầu quá trình tái thiết. (Theo Ngân hàng Trung ương Canada - BoC ngày 25/5) - Indonesia: Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5,3 - 5,7% trong năm 2017, nhờ hiệu quả từ việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, kích thích sức mua của người dân và sự cải thiện của kinh tế toàn cầu. (Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro - Hãng tin Antara đưa tin ngày 23/5) - Nga: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 được dự báo sẽ đạt -1,5% và năm 2017 là 1%, cao hơn so với dự báo trước đó lần lượt là -1,8% và 0,8%. Kinh tế Nga đã dần thích nghi với “cú sốc kép” và đà suy giảm cũng bắt đầu chậm lại. Tuy nhiên, trong trung hạn, kinh tế Nga vẫn khá ảm đạm, do thị trường năng lượng không có dấu hiệu phục hồi và các lệnh cấm vận kinh tế chưa được dỡ bỏ. (Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 19/5) - Hàn Quốc: Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởngkinh tế trong năm 2016 từ 3% xuống 2,6%, bằng mức tăng trưởng của năm 2015, do hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc chịu tác động tiêu cực từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và sức cạnh tranh yếu của các nhà xuất khẩu nội địa. Dự báo của KDI thấp hơn so với dự báo 3,1% của Chính phủ Hàn Quốc, 2,8% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và 2,7% của IMF và OECD. (Theo Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI ngày 24/5) |
Chứng khoán |
- Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán chính hầu hết tăng điểm trong tuần qua, do tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Hoa Kỳ trước thông tin doanh số bán nhà mới của nước này trong tháng 4/2016 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 01/2008; nhóm cổ phiếu ngành năng lượng đồng loạt lên giá nhờ giá dầu tăng. Tính chung cả tuần (23 - 27/5/2016), chỉ số Dow Jones tăng 2,1% và S&P 500 tăng 2,3% - mức tăng hàng tuần mạnh nhất của cả hai chỉ số này kể từ tháng 3/2016; Nasdaq Composite tăng 3,4% - tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 02/2016. Trong ngày giao dịch cuối tuần (27/5/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số: + Dow Jones đạt 17.873,22điểm, tăng 0,3%; + S&P 500 đạt 2.099,06 điểm, tăng 0,4%; + Nasdaq Composite đạt 4.933,50 điểm, tăng 0,7%. - Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, các thị trường chứng khoán chính tại châu Á hầu hết tăng điểm, nhờ: Ảnh hưởng tích cực từ sự tăng điểm của chứng khoán Hoa Kỳ; giới đầu tư không bất ngờ với triển vọng Hoa Kỳ tăng lãi suất trong tương lai gần; những kỳ vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế và kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của nước này được trì hoãn. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,55%, lên 128,21 điểm. Các thị trường chính + Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,63% lên16.834,84 điểm; + Hang Seng (Hong Kong) tăng 3,64% lên 20.576,77 điểm; + Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,09% lên 1.969,17 điểm; + S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1% lên 5.405,913 điểm; + Riêng Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,1% xuống 2.821,05 điểm. |
Dầu mỏ |
Tính chung tuần từ 23 - 27/5/2016, giá dầu WTI tăng 1,9% và Brent tăng 1,2%, chủ yếu do dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ giảm mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 20/5. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (27/5/2016): - Giá dầu WTI giao tháng 7/2016 giảm 15 cent xuống 49,33 USD/thùng; - Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 giảm 27 cent, xuống 49,32 USD/thùng. |
Châu Á |
ASEAN-10 Nghiên cứu của Google Inc. và Temasek Holdings Pte. cho thấy, giá trị thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp 6 lần, lên 200 tỷ USD trong thập kỷ tới, chủ yếu do số lượng người sử dụng internet tăng mạnh từ 260 triệu người hiện tại lên 480 triệu người vào năm 2020. Mặc dù có viễn cảnh tăng trưởng rất tích cực, nhưng các quốc gia lớn tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chỉ thu hút được số vốn đầu tư gần bằng 1/5 lượng vốn đầu tư vào Ấn Độ trong năm 2014. (Theo Bloomberg ngày 24/5) Singapore Trong tháng 4/2016, CPI của nước này đã giảm 0,5%, sau khi giảm 1% trong tháng 3 và là tháng giảm thứ 18 liên tiếp. Lạm phát cơ bản (không bao gồm chi phí ăn ở và giao thông) tăng 0,8% trong tháng 4 sau khi tăng 0,6% trong tháng 3, do lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cao (tăng 0,7%). Dự báo cả năm 2016, CPI của Singapore khoảng từ -1% đến 0%, lạm phát lõi khoảng 0,5 - 1,5%. (Theo Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore ngày 23/5) Hàn Quốc Nợ nước ngoài của Hàn Quốc giảm 9,6 tỷ USD trong quý 1/2016 xuống 385,8 tỷ USD vào cuối tháng 3, do nước này giảm nợ và tăng cho vay đối với khách hàng ở nước ngoài (tổng dư nợ đến cuối tháng 3 là 730 tỷ USD, tăng 13,2 tỷ USD so với đầu tháng 1). (Theo BoK ngày 25/5) |
Châu Âu |
Eurozone - Chỉ số PMI tổng hợp của Eurozone giảm từ 53 điểm trong tháng 4 xuống 52,9 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, làm tăng mối quan ngại về nguy cơ khu vực này có thể rơi vào suy thoái trong quý 2/2016. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý 2 sẽ chậm lại, chỉ tăng 0,3% so với quý 1 và 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo báo cáo khảo sát của Công ty Markit ngày 23/5) - Nhóm 19 bộ trưởng tài chính của Eurozone đã đạt được thỏa thuận đồng ý giải ngân 10,3 tỷ EUR (12 tỷ USD) trong gói cứu trợ mới cho Hy Lạp. Khoản tiền trên sẽ được giải ngân thành 2 đợt, đợt đầu là 7,5 tỷ EUR vào tháng 6/2016 và đợt thứ hai là 2,8 tỷ EUR vào tháng 9/2016.(Theo AFP ngày 24/5) - Trong những tháng gần đây, Eurozone phải đối mặt với các nguy cơ ngày càng tăng đe dọa tới sự ổn định của hệ thống tài chính. So với thời điểm cuối năm 2015, mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ này có xu hướng gia tăng, do; (i) Biến động trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi và giá hàng hóa thấp kéo dài; (ii) Các ngân hàng trong khu vực đang phải đối mặt với việc suy giảm lợi nhuận do lãi suất thấp, kinh tế hồi phục chậm và một số nước thành viên chưa giải quyết được tình trạng nợ xấu cao; (iii) Tâm lý lo ngại về tính bền vững của các khoản nợ trong bối cảnh bất ổn chính trị và tăng trưởng kinh tế thấp. Tuy nhiên, ECB cho rằng, nhìn chung hệ thống tài chính trong khu vực đủ khả năng để ứng phó với các nguy cơ trên. (Theo ECB ngày 24/5) Đức Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 1/2016 đạt 0,7% nhờ chi tiêu cá nhân và đầu tư xây dựng khởi sắc, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; chi tiêu chính phủ đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, hoạt động ngoại thương của kinh tế Đức lại đang suy yếu và làm giảm 0,1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP, do chịu ảnh hưởng từ sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc. (Theo Cục Thống kê Đức - FSO ngày 24/5) Hy Lạp Ngày 22/5, Quốc hội Hy Lạp thông qua gói dự luật cải cách mới bao gồm các biện pháp như tăng mức thuế trần đối với hoạt động bán hàng, cho phép tăng cường cắt giảm chi tiêu trong trường hợp ngân sách bị quá tải nhằm đảm bảo mục tiêu ngân sách vào năm 2018. Theo các biện pháp này,Hy Lạpsẽ thu về 1,8 tỷ EUR/năm từ việc tăng thuế. Các loại thuế gián tiếp mới sẽ khiến mỗi người dân nước này mất một tháng lương (tương đương khoảng 810 EUR/người/năm). Ngoài ra, gói dự luật cải cách mới cũng cho phép thành lập một quỹ tư nhân phụ trách việc bán các công ty và bất động sản của Nhà nước do các chủ nợ của Hy Lạp kiểm soát. Nga Kể từ khi tham gia lại vào thị trường tài chính thế giới năm 2013, Nga đã thu được 1,75 tỷ USD tiền phát hành trái phiếu bằng đồng EUR ra nước ngoài (thời hạn 10 năm, lãi suất 4,75%/năm). Hơn 70% trái phiếu bằng đồng EUR của Nga phát hành được các nhà đầu tư nước ngoài mua, cho thấy mức độ tín nhiệm cao của nước Nga. (Theo Bộ Tài chính Nga ngày 24/5) |
Hoa Kỳ |
Trong tháng 4/2016, doanh số bán nhà mới tại Hoa Kỳ chiếm 10,2% thị trường nhà ở, tăng 16,6% đạt 619.000 đơn vị, mức cao nhất kể từ tháng 01/2008; đạt tốc độ tăng mạnh nhất kể từ tháng 01/1992 và cũng cao hơn rất nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế đưa ra trước đó (523.000 đơn vị), cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã phục hồi khá nhanh. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 24/5) |
Ngày 25/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp mức thuế chống bán phá giá cuối cùng lên tới 210% đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn của Trung Quốc; mức thuế chống trợ cấp cuối cùng dao động từ 39% đối với nhiều nhà sản xuất, cho tới 241% đối với một số nhà sản xuất lớn nhất như Baosteel, Hebei Iron & Steel và Angang Group.Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng áp thuế chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn từ Italy, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan, nhưng chỉ dao động từ 3 - 92%. (Theo Reuters) |
|
Trung Quốc |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) sẽ hỗ trợ khoản vay trị giá 3 nghìn tỷ CNY (458 tỷ USD) cho các lĩnh vực như tái định cư cho người dân ở những khu vực nghèo, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp để hỗ trợ mục tiêu xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Đến năm 2020, ADBC sẽ nâng các khoản vay hỗ trợ giảm nghèo thêm 2 nghìn tỷ CNY. Cuối năm 2014, Trung Quốc có hơn 70 triệu người ở nông thôn sống dưới chuẩn nghèo quốc gia. Trung Quốc đặt mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào năm 2020, khi hoàn thành thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13. (Theo Tân Hoa Xã ngày 22/5) |
Ngày 24/5, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ phát hành một đợt trái phiếu bằng đồng CNY, trị giá 3 tỷ CNY (458 triệu USD) trên thị trường tài chính London của Anh. Đây là đợt bán trái phiếu bên ngoài thị trường Trung Quốc lớn nhất kể từ năm 2011 được thực hiện bởi Ngân hàng HSBC của Anh và Ngân hàng Trung Quốc. Đây được coi là phép thử về sức hấp dẫn của các tài sản của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư, vào thời điểm có không ít lo ngại về sự xuống giá của đồng CNY và tình trạng tháo chạy vốn khỏi Trung Quốc. |
|
Theo Hệ thống Giao dịch ngoại hối Trung Quốc, ngày 25/5, tỷ giá tham chiếu của đồng CNY đã giảm 225 điểm cơ bản xuống 6,5693 CNY = 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2011, cho thấy thị trường vẫn thận trọng trước tình trạng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và khả năng FED tăng lãi suất. |
|
Nhật Bản |
Trong tháng 4/2016: - Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 5.890 tỷ JPY (53,6 tỷ USD), tháng giảm thứ 7 liên tiếp, một phần do xuất khẩu ô tô giảm sau khi các nhà sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trận động đất tại tỉnh Kumamoto. - Kim ngạch nhập khẩu giảm 23,3% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 5.070 tỷ JPY (46,1 tỷ USD), tháng giảm thứ 16 liên tiếp do giá trị nhập khẩu dầu thô giảm 51,8% và nhập khẩu khí đốt hóa lỏng giảm 44,5%. - Thặng dư thương mại đạt 820 tỷ JPY (7,5 tỷ USD), mức lớn nhất kể từ tháng 3/2010 và là tháng thứ 3 liên tiếp Nhật Bản đạt thặng dư thương mại. Theo các chuyên gia kinh tế, tuy xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá dầu thô rẻ sẽ giúp Nhật Bản tiếp tục duy trì thặng dư thương mại thêm một thời gian nữa. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 23/5) |
Ngày 25/5, Quốc hội Nhật Bản thông qua luật sửa đổi về các loại tiền ảo, trong đó có đồng bitcoin, nhằm ngăn chặn nguy cơ các loại tiền này được sử dụng trong các hoạt động khủng bố và rửa tiền, đồng thời bảo vệ lợi ích của người sử dụng. Theo đó, các đồng tiền ảo có thể được dùng để thanh toán, nhưng các giao dịch này đều phải được đăng ký với Cơ quan Dịch vụ tài chính.Cơ quan này sẽ giám sát, có quyền kiểm tra và ngừng giao dịch. Chính phủ Nhật Bản nỗ lực củng cố quy định về tiền ảo từ sau khi thị trường giao dịch bitcoin Nhật Bản MtGox Co. bất ngờ sụp đổ vào năm 2014, làm mất một lượng tiền trị giá 48 tỷ JPY vào thời điểm đó. |
|
CPI cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) của nước này trong tháng 4/2016 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015, sau khi giảm 0,1% trong tháng 3, gây áp lực lên các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (BoJ) với mục tiêu đưa lạm phát về khoảng 2%. (Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 27/5) |
|
Brazil
|
Quốc hội Brazil đã thông qua mức thâm hụt ngân sách kỷ lục lên tới gần 48 tỷ USD trong năm 2016, tương đương 2,75% GDP. Ngân sách này cho phép Chính phủ lâm thời tăng vốn đầu tư và tăng chi tiêu cho các chương trình xã hội.Giới doanh nhân kỳ vọng Quốc hội Brazil cũng sẽ thông qua gói cải cách của Bộ trưởng Kinh tế nước này đưa ra, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp với mục đích giới hạn chi tiêu công hàng năm ở mức tương đương tỷ lệ lạm phát của năm trước đó. (Theo AFP ngày 25/5) |
Nhận định |
Nhà nghiên cứu Giovanni Ganelli và Nour Tawk của IMF ngày 20/5 nhận định: Chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản trong những năm qua không chỉ tác động tích cực đến chứng khoán nước này mà còn cải thiện 2 - 5% các chỉ số chứng khoán của nhiều nền kinh tế châu Á mới nổi (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan), đồng thời giúp đồng nội tệ của các nước này lên giá. Kinh tế các nước Đông Nam Á hầu hết đều tăng trưởng cao, lạm phát đi lên (mặc dù chỉ là trong ngắn hạn) và dòng vốn đầu tư đổ vào khá mạnh. Ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường IHS Inc. ngày 22/5 nhận định: Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường dầu mỏ đã qua và giá dầu sẽ còn tăng do chưa có kế hoạch đầu tư nào vào lĩnh vực này để đáp ứng nhu cầu vào năm 2020. Tuy vậy, nếu không có sự kiện lớn bất ngờ hoặc sự gián đoạn nguồn cung thì giá dầu sẽ không thể tăng trở lại mức 100 USD/thùng. Dầu mỏ vẫn sẽ giữ vai trò thống trị trên thị trường năng lượng vào năm 2040, trong khi năng lượng tái sinh tiếp tục phát triển. Ngày 25/5, Tổng thống Nga - Vladimir Putin nhận định: Nga cần phải tìm các nguồn lực tăng trưởng mới để thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay (do lực đẩy kinh tế như tài nguyên và nguồn dự trữ của Nga vào đầu những năm 2000 đã không còn hiệu quả như trước). Nếu không, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ chỉ dao động trong khoảng 0%.Mặc dù trong thời gian gần đây, nền kinh tế đã có dấu hiệu ổn định dần, song triển vọng vẫn không mấy khả quan. |