Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 28-31/12/2015

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ -

TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

M&A

Tổng giá trị các vụ M&A toàn cầu từ đầu năm đến tháng 12/2015 đạt khoảng 4.600 tỷ USD, tăng 41% so với năm 2014; vượt mức cao kỷ lục 4.296 tỷ USD của năm 2007, trở thành năm lập kỷ lục mới về thương vụ M&A trên thế giới. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh đã phục hồi sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng kinh tế. Năm 2016 được dự báo tiếp tục có nhiều thuận lợi cho các thương M&A.

(Theo báo Le Figaro của Pháp)

Kiều hối

Trong năm 2015, tổng lượng kiều hối toàn cầu ước đạt 601 tỷ USD (được chuyển về từ 250 triệu người di cư trên thế giới - cao nhất từ trước đến nay), trong đó, phần lớn được chuyển về các nước đang phát triển (441 tỷ USD - chiếm 73,37% tổng lượng kiều hối).

Các nước nhận được lượng kiều hối lớn:

- Ấn Độ có lượng kiều hối chuyển về lớn nhất thế giới, đạt 72,2 tỷ USD;

- Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 63,9 tỷ USD;

- Thứ 3 là Philippines với khoảng 30 tỷ USD;

- Một số nước khác nhận được lượng kiều hối lớn: Mexico (25,7 tỷ USD), Pháp (24,6 tỷ USD), Nigeria (20,8 tỷ USD), Ai Cập (20,4 tỷ USD), Pakistan (20,1 tỷ USD), Đức (17,5 tỷ USD), Bangladesh (15,8 tỷ USD), Việt Nam (12,3 tỷ USD), Bỉ (11 tỷ USD), Tây Ban Nha (10,5 tỷ USD), và Indonesia (10,5 tỷ USD).

Các nước có lượng kiều hối chuyển đi lớn:

- Mỹ là nước có lượng kiều hối chuyển đi nhiều nhất, đạt 56 tỷ USD;

- Đứng thứ 2 là Saudi Arabia (Ảrập - xê út) với 37 tỷ USD;

- Vị trí thứ 3 là Nga với 33 tỷ USD.

Kiều hối chuyển về sẽ giúp các nước, đặc biệt là nước đang phát triển: Bù đắp thâm hụt cán cân thương mại; nâng cao mức sống của một bộ phận người dân nhận kiều hối, tăng đầu tư, tiết kiệm và chi tiêu dùng.

(Theo báo cáo Migration and remittances factbook 2016 của WB)

Chứng khoán

Trong tuần từ 28 - 30/12, chứng khoán Mỹ tăng điểm do cổ phiếu Amazon, Apple, nhóm cổ phiếu công nghệ đều tăng. Cụ thể: S&P 500 tăng 0,12%; Nasdaq tăng 0,36%; Dow Jones tăng 0,36%.

Tính chung cả năm 2015: S&P 500 tăng 0,2%; Nasdaq tăng 7%; Dow Jones giảm 1,2%.

Trong cả tuần, chứng khoán châu Á tăng điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,41%, lên 131,95 điểm. Tại các thị trường chính:

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,36%, lên 3.488,64 điểm;

- Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,32%, xuống 21.516,25 điểm;

- Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,41%, xuống 1.961,31 điểm;

- S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,11%, lên 5.279,500 điểm;

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,97%, lên 19.033,71 điểm.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, tính chung cả năm 2015, MSCI đã giảm 4,4% - ghi nhận năm giảm điểm thứ 2 liên tiếp và đánh dấu lần đầu tiên giảm liên tục 2 năm kể từ 2002.

Giá dầu

Ngày 31/12, giá dầu giao kỳ hạn tháng 02/2016 tăng điểm, cụ thể như sau:

- WTI giao tại New York tăng 44 điểm, tương đương 1,2%, lên 37,04 USD/thùng.

- Brent giao tại London tăng 82 cent, tương đương 2,3%, lên 37,28 USD/thùng.

Tính chung cả năm 2015, giá dầu WTI giảm tổng cộng 30,5%, nâng tổng mức sụt giảm trong 2 năm vừa qua lên 62,4%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, dầu WTI giảm giá 2 năm liên tiếp. Brent giảm tổng cộng 35% trong năm 2015, đánh dấu năm giảm giá thứ 3 liên tiếp.

Châu Âu

Dự kiến, đầu tháng 02/2016, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra quyết định về việc trao quy chế kinh tế thị trường (MES) cho Trung Quốc, theo đó, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo EU rằng việc trao quy chế MES cho Trung Quốc cùng với những nhượng bộ, thỏa hiệp về thương mại có thể khiến thị trường Mỹ và châu Âu tràn ngập hàng hóa giá rẻ với sự cạnh tranh không công bằng.

(Theo Thời báo Tài chính - Anh)

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Đức rất lạc quan với tình hình kinh tế trong năm 2016. Cụ thể:

- 62% dự đoán kinh tế Đức sẽ cải thiện vững chắc trong năm 2016;

- Hơn 63% lạc quan về tình hình hoạt động hiện tại;

- Khoảng 34% dự định tăng cường đầu tư trong năm 2016.

Nguyên nhân chủ yếu do: Niềm tin người tiêu dùng Đức cải thiện; kinh tế Eurozone có chuyển biến; sự phục hồi của kinh tế Mỹ và Anh.

(Theo kết quả khảo sát công bố ngày 29/12/2015 của Hiệp hội công ty vừa và nhỏ Đức - BVMW)

Châu Á

Trong tháng 11/2015, xuất khẩu của Thái Lan giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014, ghi nhận tháng giảm thứ 11 liên tiếp và cao hơn so với dự báo giảm 5,1% của Reuters. Trong đó

- Xuất khẩu của Thái Lan sang các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đều sụt giảm, lần lượt là 6,1%, 4,7%, 6,7% và 6,3%.

- Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế nước này đang khó khăn, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều yếu.

NHTW Thái Lan dự báo, tăng trưởng xuất khẩu sẽ ở mức âm trong năm 2015 và 0% trong năm 2016.

(Theo Bộ Công Thương Thái Lan)

Dòng vốn đầu tư của Thái Lan vào các nước ASEAN đã tăng mạnh trong khoảng 4 năm qua, riêng tổng số vốn ước của năm 2015 sẽ đạt mức lớn nhất từ trước đến nay. Trong 9 tháng đầu năm 2015, Thái Lan đã đầu tư 64,75 tỷ baht (khoảng 1,9 tỷ USD) vào các nước ASEAN, chiếm 27% trong tổng số 242,9 tỷ baht vốn đầu tư ra nước ngoài.

(Theo NHTW Thái Lan - BOT)

Campuchia hiện có tổng cộng 982 nhà máy dệt may và 90 nhà máy da giày, trong đó có 130 nhà máy dệt may và 14 nhà máy da giày bị đóng cửa trong năm 2015, trong khi hơn 50 nhà máy mới mở cửa.Nguyên nhân là do các cuộc bãi công đòi tăng lương của công nhân đã cản trở và tác động đến dòng đầu tư mới, dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư xem xét việc chuyển hướng sản xuất sang Myanmar.

(Theo Bộ Thương mại Campuchia)

Hoa Kỳ

Ngày 01/01/2016, 14 tiểu bang và một số thành phố của Hoa Kỳ đã quyết định nâng lương tối thiểu, nhằm cải thiện đời sống người lao động ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Cụ thể:

- Tại một số thành phố: (i) Seattle: lương tối thiểu dao động trong khoảng từ 10,5 - 13 USD/giờ, từ mức 10 - 11 USD/giờ trước đó; (ii) Los Angeles và San Francisco cũng dự kiến sẽ tăng lương trong tháng 7/2016.

- Tại một số tiểu bang: California và Massachusetts nâng lương tối thiểu từ mức 9 USD/giờ, lên 10 USD/giờ; Arkansa nâng từ 7,5 USD/giờ lên mức 8 USD/giờ. Lần tăng này đã giúp nâng mức lương sàn trung bình tại 14 tiểu bang của Mỹ từ 8,5 USD/giờ lên trên 9 USD/giờ.

Quyết định tăng lương của các tiểu bang đã nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, các chuyên gia lại tỏ ra lo ngại về những tác động đối với tình hình lao động và lợi nhuận của các công ty. Theo giáo sư Alan Krueger, chuyên gia kinh tế tại trường Đại học Princeton nhận định: Việc nâng lương tối thiểu sẽ không tác động nhiều đến thị trường việc làm của Mỹ, do một số nhà tuyển dụng có thể vì thế mà cắt giảm việc làm, trong khi một số khác sẽ chứng kiến lợi nhuận sụt giảm.

Nga

Trong năm 2015, sản lượng dầu và khí đồng hành của Nga đạt 10,73 triệu thùng/ngày, tăng 1,4% so với năm 2014. Trong đó, riêng sản lượng dầu thô là 534 triệu tấn, ghi nhận mức cao kỷ lục.

(Theo Bộ Năng lượng Nga)

Trung Quốc

Trong năm 2015:

- Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong của Trung Quốc ước đạt 30.000 tỷ NDT, đứng thứ hai thế giới.

- Lượng hàng hóa bán lẻ trực tuyến dự kiến đạt 4.000 tỷ NDT (618 tỷ USD) và nhiều khả năng sẽ đứng đầu thế giới.

Tiêu dùng hiện trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Trung Quốc, chiếm khoảng 60% GDP. Trong 5 năm qua:

- Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng trung bình 6,5%.

- Thương mại dịch vụ tăng trung bình trên 13,6%/năm

(Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành)

Trung Quốc sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng với sự linh hoạt hơn.

- Phối hợp một cách linh hoạt các công cụ tiền tệ để duy trì thanh khoản trên thị trường ở mức hợp lý; ổn định mức tăng nguồn cung tiền và tài trợ xã hội.

- Các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ thị trường bằng cách phát hành trái phiếu và cổ phiếu, thay vì từ các tổ chức trung gian với chi phí cao như ngân hàng hay các công ty bảo hiểm.

- Tiếp tục thúc đẩy việc tự do hóa lãi suất; cải cách cơ chế thiết lập tỷ giá của đồng NDT và duy trì tỷ giá ổn định ở mức cân bằng và hợp lý.

(Theo quyết định tại cuộc họp quý 4/2015 của NHTW Trung Quốc - PboC)

Nhật Bản

Trong tháng 11/2015, sản lượng của các nhà máy Nhật Bản giảm 1% so với tháng 10, ghi nhận lần giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2015. Nguyên nhân sản lượng giảm chủ yếu do hoạt động của các lĩnh vực sản xuất như: Thiết bị điện tử, máy móc, hóa chất và kim loại giảm.

Ước tính, sản lượng các nhà máy của Nhật Bản sẽ tăng 0,9% trong tháng 12/2015 và tăng lên 6% trong tháng 01/2016. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản)

Giá tiêu dùng tại Nhật Bản trong tháng 11/2015 đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn dự báo 0% của giới phân tích và ghi nhận lần tăng đầu tiên trong vòng 5 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực và thực phẩm tươi sống tăng 2,3% so với tháng 10. (Theo Bộ Nội vụ Nhật Bản)

Iran

Chính quyền Iran đưa ra mức dự toán ngân sách quốc gia cho tài khóa 2016 (từ 21/3/2016 - 21/3/2017) dựa trên giá dầu ước tính trung bình ở mức 35 USD mỗi thùng, trong bối cảnh giá dầu thô giao tháng 12/2015 của nước này đã xuống dưới 30 USD mỗi thùng, mức thấp nhất trong 20 năm qua. Theo đó:

- Tổng nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ trong tài khóa 2016 ước đạt 22 tỷ USD;

- Đóng góp từ thuế cho ngân sách dự tính khoảng 28 tỷ USD.

Việc dự chi ngân sách trên cơ sở giá dầu 100 USD mỗi thùng trong các tài khóa trước đã khiến Iran phải đối mặt với thâm hụt ngân sách trầm trọng và yêu cầu phải có các biện pháp cải thiện kịp thời.

Hy lạp

Tại Hy Lạp, số tiền thuế quá hạn của các doanh nghiệp và các hộ gia đình chưa nộp cho Nhà nước đã tăng thêm 11,8 tỷ euro (12,9 tỷ USD) trong năm 2015. Chỉ tính riêng tháng 11, các khoản nợ mới đã qua thời hạn phải nộp cho cơ quan thuế Hy Lạp đã là 1,5 tỷ euro. Ước tính trong số tiền nợ này, chỉ có khoảng 7 tỷ euro sẽ được truy thu.

(Theo Bộ Tài chính Hy Lạp)

Saudi Arabia

Do ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm, trong năm 2016, dự báo thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia là 327 tỷ riyals (87 tỷ USD). Trong đó, mức chi tiêu dự kiến là 224 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 137 tỷ USD.Để đối phó với việc giá dầu giảm mạnh, Saudi Arabia quyết định:

- Tăng giá xăng cao nhất (hơn 50%), kể từ ngày 29/12/2015 trong bối cảnh cắt giảm hàng loạt biện pháp trợ giá do thâm hụt ngân sách kỷ lục.

- Tăng giá điện, nước, dầu diesel và dầu hỏa.

- Cân nhắc các kế hoạch tăng phí đối với các dịch vụ công và áp dụng thuế giá trị gia tăng trong việc hợp tác với các nước vùng Vịnh.

(Theo Chính phủ Saudi Arabia)

Brazil

Thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến tương đương 2% GDP, lớn hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 1,1% và sau khi trả lãi sẽ lên tới 9,3% GDP, cao hơn mức 6,7% của năm 2014, cao nhất kể từ năm 2002. Với khoản thâm hụt ngân sách trên, nợ công của Brazil hiện tương đương 65,1% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2006 tới nay và tăng 8% so với cuối năm 2014.

(Theo NHTW Brazil)

Ký kết - Thỏa thuận

Cộng đồng ASEAN

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman ngày 31/12/2015 tuyên bố, Cộng đồng ASEAN đã chính chức được thành lập với 3 trụ cột: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ASEAN. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN giúp tăng cường hơn tiến trình hội nhập khu vực, cũng như thực hiện các cam kết theo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025.

Nga - Ukraine

- Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/12/2015 đã ký ban hành đạo luật về việc tạm ngừng thực hiện Hiệp định thương mại tự do với Ukraine từ ngày 1/1/2016 nhằm ngăn chặn nguy cơ đối với an ninh kinh tế của Nga khi Thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

- Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế và Thương mại Ukraine Natalia Mikolskaya cho biết, Chính phủ Ukraine đã thông qua một loạt biện pháp đáp trả hạn chế thương mại với Nga bao gồm cấm nhập khẩu và đánh thuế hàng hóa có xuất xứ từ Nga.

Bangladesh và IDA

Chính phủ Bangladesh ngày 27/12 đã ký thỏa thuận tài trợ bổ sung 177 triệu USD với Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) để hoàn tất việc xây dựng nhà máy điện công suất 335 MWtại Siddhirganj, gần thủ đô Dhaka. Nhà máy điện này sẽ chiếm 6% tổng sản lượng điện được hòa lưới điện quốc gia của Bangladesh và sẽ bắt đầu hoạt động thương mại trong kể từ năm 2016. Năm 2008, WB cung cấp 350 triệu USD cho việc xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí đốt công suất 300 MWở Siddhirganj.