Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 7 - 11/3/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Châu Âu

EU

Pháp, Italy và Bồ Đào Nha vi phạm quy định của EU về chi tiêu công và sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía EC. Cụ thể: Nợ công của Italy hiện ở mức 132% GDP cùng với mức thất nghiệp dài hạn đáng lo ngại; tỷ lệ nợ công của Bồ Đào Nha và Pháp lần lượt là 130% và 96% GDP, vượt xa mức trần nợ công cho phép của EU. Tình trạng chi tiêu công mất cân bằng trầm trọng chính là gắng nặng đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước này. Ngoài ra, Bulgaria và Croatia cũng bị cảnh báo về việc mất cân bằng quá mức trong chi tiêu công. Theo quy định của EU, thâm hụt ngân sách của mỗi nước thành viên không được vượt quá 3% GDP hàng năm của nước đó và mức trần nợ công là 60% GDP. (Theo Ủy ban châu Âu - EC ngày 08/3)

Italy

Kinh tế nước này tiếp tục có những dấu hiệu hồi phục tốt nhờ tốc độ chi tiêu tiêu dùng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua. Trong quý 4/2015:

- GDP tăng trưởng 0,1% so với quý 3/2015 và 1% so với cùng kỳ 2014.

- Tiêu dùng tăng 1,3%, mức cao nhất kể từ quý 3/2010.

- Đầu tư tăng 1,6%, mức cao nhất kể từ quý 2/2007.

(Theo Cơ quan Thống kê nhà nước Italy - ISTAT ngày 07/3)

Đức

- Giá trị xuất khẩu của Đức trong tháng 01/2016 sụt giảm 1,4% so với tháng 01/2015, xuống còn 88,7 tỷ euro và giảm 0,5% so với tháng 12/2015, do xuất khẩu của Đức sang các nước ngoài khu vực EU sụt giảm mạnh (tháng 01/2016, xuất khẩu của Đức sang các nước mới nổi và đang phát triển giảm 5% so với tháng 01/2015).(Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức - Destatis ngày 10/3)

Châu Mỹ

Argentina

- Bộ Tài chính Argentina ngày 04/3 đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu để trả nợ. Theo ông Prat-Gay, Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu Quốc hội thông qua thỏa thuận nợ với các chủ nợ, tháng 4/2016, Argentina sẽ phát hành 3 đợt trái phiếu có tổng giá trị 11,68 tỷ USD, lãi suất 7,5% với các kỳ hạn 5,10 và 30 năm để có tiền trả cho các chủ nợ. Argentina đã đạt được thỏa thuận tạm thời với khoảng 85% các chủ nợ và sẽ tiếp tục đàm phán với các chủ nợ còn lại.

- Ngày 09/3, Chính phủ Argentina tiếp tục đạt được thỏa thuận thanh toán 190 triệu USD với một số quỹ đầu cơ đang theo kiện nước này tại tòa án New York. Đây là những quỹ nhỏ như Quỹ đầu tư GMO (Boston, Hoa Kỳ), Ngân hàng BNP Paribas của Pháp và La Societa Ymus SRL, cùng một vài nhà đầu tư tư nhân đã mua trái phiếu do Chính phủ Argentina phát hành trong giai đoạn khủng hoảng vào năm 2001.

Trung Quốc

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 05 - 16/3/2016, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố dự thảo “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc giai đoạn 2016 - 2020” với một số mục tiêu cơ bản:

- Năm 2020, GDP và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 6,5%/năm.

- Năm 2020, đầu tư cho nghiên cứu phát triển khoa học của Trung Quốc sẽ chiếm 2,5% trong đầu tư toàn xã hội, đóng góp của tiến bộ khoa học kỹ thuật chiếm tỷ lệ 60% trong tổng mức tăng trưởng kinh tế.

- Thực hiện mục tiêu tạo mới 50 triệu việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập.

Dự trữ ngoại tệ tính đến cuối tháng 02/2016 của Trung Quốc đã giảm 28,75 tỷ USD, xuống còn 3.200 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011. Điều này cho thấy,PBoCđang giảm bớt mức độ can thiệp để hỗ trợ đồng NDT khi tình trạng rút vốn khỏi nước này tạm lắng dịu.

Năm 2015, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 513 tỷ USD, mức giảm hàng năm nhiều nhất trong lịch sử; trong đó, riêng tháng 12/2015 sụt giảm 107,9 tỷ USD.

(Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - PBoC)

- Tổng kim ngạch thương mại tháng 02/2016 giảm 15,7% xuống 1.430 tỷ NDT (214,5 tỷ USD), cao hơn mức giảm 9,8% trong tháng 01/2016; trong đó: (i) Xuất khẩu giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2015, xuống 821,8 tỷ NDT (126,3 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức giảm 6,6% củatháng 01/2016, do lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế; (ii) Nhập khẩu giảm 8% so với cùng kỳ năm 2015, xuống 612,3 tỷ NDT, thấp hơn so với mức giảm 14,4% trong tháng 01/2016.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 02/2016 đã giảm 43,3% từ 406,2 tỷ NDT (61 tỷ USD) xuống 209,5 tỷ NDT (31,4 tỷ USD).

- Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại giảm 12,6%, xuống 3.310 tỷ NDT (463,4 tỷ USD); trong đó, xuất khẩu giảm 13,1%, xuống 1.960 tỷ NDT (274,4 tỷ USD) và nhập khẩu giảm 11,8%, xuống 1.350 tỷ NDT (189 tỷ USD). Thặng dư thương mại giảm 15,9%, xuống 615,9 tỷ NDT (86,2 tỷ USD).

(Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/3)

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản trì hoãn kế hoạch nâng thuế tiêu dùng có thể tác động tiêu cực tới việc đánh giá tình hình nợ của nước này. Tháng 4/2015, Fitch đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản sau khi Chính phủ nước này không đưa ra các chính sách nhằm bù đắp cho việc trì hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng. (Theo Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings ngày 07/3)

Tăng trưởng GDP của nước này trong quý 4/2015 đã giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng chi tiêu tiêu dùng tư nhân vẫn yếu cho thấy, những thách thức màThủ tướng Shinzo Abephải đối mặt trong việc phục hồi tăng trưởng kinh tế.

- Chi tiêu vốn được điều chỉnh tăng từ 1,4% lên 1,5%.

- Tiêu dùng cá nhân được điều chỉnh từ mức ước giảm 0,8% thành giảm 0,9%.

(Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 08/3)

Chính phủ Nhật Bản sẽ mở rộng viện trợ cho các nước châu Á, trong đó có những tuyến đường biển trọng yếu trong khu vực, đặc biệt là những tuyến xung quanh các nước ASEAN, nhằm đưa châu Á trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo công ăn việc làm và cung cấp công nghệ. Đến năm 2020, Nhật Bản cùng vớiADBsẽ nâng tổng số tiền đầu tư vào châu Á lên khoảng 110 tỷ USD.

Năm 2015, Nhật Bản đã sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển lần đầu tiên kể từ năm 2003, theo đó, nhấn mạnh chủ trương sử dụng viện trợ phát triển cho nước ngoài để bảo vệ các lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường toàn cầu thay đổi.

(Hãng tin Kyodo ngày 08/3 dẫn Sách Trắng mới nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về ODA của nước này)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Tính chung cả tuần (7 - 11/3/2016), 3 chỉ số Dow Jones, S&P và Nasdaq đều ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,2%, 1,1% và 0,7%, do các biện pháp kích thích kinh tế của ECB và giá dầu tăng đẩy giá cổ phiếu năng lượng đi lên. Chốt phiên ngày 11/3, các chỉ số:

- Dow Jones tăng 218,18 điểm (1,28%), lên 17.213,31 điểm.

- S&P 500 tăng 32,62 điểm (1,64%), lên 2.022,19 điểm.

- Nasdaq Composite tăng 86,31 điểm (1,85%), lên 4.748,47 điểm.

Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,31%, lên 126,73 điểm. Tại các thị trường chính:

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 0,35%, lên 16.938,87 điểm;

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,69%, lên 2.874,15 điểm;

- Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,66%, lên 1.972,62 điểm;

- Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,05%, xuống 20.199,6 điểm;

- S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,9%, xuống 5.198,9 điểm.

Dầu mỏ

Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's ngày 05/3 đã hạ mức độ tín nhiệm của Oman và Bahrain, trong đó, mức tín nhiệm của Bahrain bị hạ 1 bậc xuống Ba1 (mức độ đáng đầu tư song có rủi ro tín dụng đáng kể) và mức tín nhiệm của Oman bị hạ 2 bậc xuống A1 (mức trên đầu tư trung bình với rủi ro tín dụng thấp). Ngoài ra, Moody's cũng thông báo sẽ xem xét hạ bậc tín nhiệm của Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar. Thông báo của Moody's nêu rõ quyết định trên được đưa ra phản ánh giá dầu giảm ngày càng tác động mạnh tới các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh.

Saudi Arabia đang tìm kiếm một khoản vay vốn quốc tế khoảng 6 - 8 tỷ USD để bù đắp mức thâm hụt ngân sách lớn kỷ lục, lên đến 100 tỷ USD trong năm 2015, do giá dầu lao dốc gây ra. Chính phủ nước này hiện đang phải khắc phục tình trạng lạm chi bằng cách bán bớt tài sản ở nước ngoài và phát hành trái phiếu tại thị trường nội địa. Giới ngân hàng cho rằng, nhu cầu vay vốn quốc tế của Chính phủ Saudi Arabia có thể dễ dàng được đáp ứng do: Tổng tài sản ròng của Saudi Arabia ở nước ngoài còn khoảng 600 tỷ USD và nợ công của nước này thuộc nhóm thấp nhất thế giới. (Theo Reuters ngày 10/3)

Algeria đã đồng ý giữ nguyên sản lượng dầu mỏ nhằm ổn định giá dầu theo Sáng kiến của Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Salah Khebri nhấn mạnh, giữ nguyên sản lượng chỉ là bước đi đầu tiên để hai trong số các nước sản xuất dầu lớn nhất là Saudi Arabia và Nga cùng thảo luận về lợi ích của các nước sản xuất dầu mỏ. Trước đó, ngày 16/02, tại cuộc họp ở Doha, Qatar, các Bộ trưởng Năng lượng Nga, Saudi Arabia, Venezuela và Qatar đã đồng ý giữ nguyên sản lượng dầu mỏ ở mức tương đương của tháng 01/2016 (khoảng 10 triệu thùng/ngày) nhằm bình ổn thị trường.(Theo Bộ trưởng Năng lượng Algeria Salah Khebri ngày 09/3)

Tính chung cả tuần (7 - 11/3/2016), giá dầu WTI đã tăng 6,82% và Brent tăng 15,7%. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3:

- Giá dầu WTI giao tháng 4/2016 tại Hoa Kỳ tăng 1,32%, lên 38,34 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 tại London tăng 12%, lên 40,54 USD/thùng.



Đàm phán - Ký kết

G20

Ngày 08/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 4 - 5/9/2016 sẽ khám phá động lực tăng trưởng mới thông qua cải tiến, tạo xung lực mới cho nền kinh tế thế giới thông qua cải cách và tạo các triển vọng mới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ưu tiên các chủ đề phát triển, phối hợp về chính sách vĩ mô và khuyến khích các thành viên G20 thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thực thi Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững để thúc đẩy phát triển toàn diện và liên kết trên toàn thế giới.

Trung Quốc tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên G20 từ tháng 12/2015.

Bangladesh và Ấn Độ

Ngày 08/3, theo Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế của Bangladesh (ERD) Mohammad Asifuz Zaman, Ấn Độ đã ký thỏa thuận cấp cho Bangladesh gói tín dụng ưu đãi trị giá 2 tỷ USD, lãi suất 1%/năm, phí cam kết là 0,5%, kỳ hạn cho vay là 20 năm và thời gian ân hạn là 5 năm. Chính phủ Bangladesh đã lựa chọn 13 dự án được cấp vốn của gói tín dụng này, trong đó có các dự án trong lĩnh vực phát triển đường sắt, đường bộ, đường sông, công nghệ thông tin và các dự án xã hội như y tế và giáo dục kỹ thuật.

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 05/3, Phó Tổng thống thứ nhất Iran Eshaq Jahangiri cho biết, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tăng cường giao thương, qua đó đưa kim ngạch thương mại giữa 2 nước lên 30 tỷ USD, gấp 3 lần so với hiện tại. Các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Iran là rào cản chính trong thúc đẩy thương mại song phương. Tuy nhiên, khi Iran đã được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, kim ngạch thương mại sẽ được cải thiện đáng kể.

Chính sách

Eurozone

Ngày 10/3, ECB thông báo cắt giảm các lãi suất chủ chốt nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Eurozone. Cụ thể, ECB đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,05% xuống 0%, lãi suất cho vay thanh khoản giảm từ 0,30% xuống 0,25%, lãi tiền gửi ngân hàng giảm từ -0,3% xuống -0,4%. ECB cũng thông báo sẽ chi thêm hàng chục tỷ euro để phục hồi nền kinh tế yếu kém kéo dài của Eurozone bằng việc tăng lượng mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp theo chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ mức 60 tỷ euro/tháng lên 80 tỷ euro/tháng.

New Zealand

Ngày 10/3, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) bất ngờ cắt giảm lãi suất từ 2,5% xuống mức thấp kỷ lục là 2,25%, đây là lần cắt giảm lãi suất thứ 5 kể từ tháng 6/2015. Việc cắt giảm này chủ yếu do quan ngại về tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu suy giảm từ kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng của New Zealand.

Hàn Quốc

Ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5% trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế và xuất khẩu đang chững lại. Xuất khẩu củaHàn Quốcđã giảm trong 14 tháng liên tiếp. Tháng 02/2016, xuất khẩu giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Mức lãi suất 1,5% đã được duy trì kể từ tháng 7/2015, sau khi BOK giảm lãi suất cơ bản 4 lần liên tiếp trong vòng 1 năm để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ấn Độ

Ngày 08/3, Ấn Độ đã chính thức đề nghị tham vấn với Hoa Kỳ tại WTO liên quan đến chính sách tăng phí visa lao động của Hoa Kỳ và cho rằng, các chính sách này vi phạm Thỏa thuận chung về thương mại và dịch vụ nhằm vào Ấn Độ và các công ty công nghệ của nước này. Vì trước đó, tháng 12/2015, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký ban hành luật mới, theo đó, mức phí cho visa lao động L-1 và visa lao động tạm thời đối với người không nhập cư H-1B sẽ tăng lên gấp đôi (L-1 là 4.500 USD, H-1B là 4.000 USD) và có hiệu lực từ năm 2025.

Brazil

NHTW Brazil ngày 03/3 thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức 14,25% - mức cao nhất thế giới và sẽ không tăng trong những tháng tới, do nền kinh tế đang suy thoái, dự kiến tăng trưởng -2,9% trongnăm 2016. Mức lãi suất này đã được áp dụng từ tháng 7/2015 và sẽ được xem xét lại trong vòng 45 ngày tới. Việc tăng giảm lãi suất của NHTW Brazil hiện tại là công cụ điều chỉnh mức lạm phát cao 10,84% trong năm 2015, mức cao nhất trong 12 năm qua.

Venezuela

Ngày 09/3, Phó Tổng thống phụ trách Kinh tế Venezuela Miguel Pérez tuyên bố hệ thống hối đoái mới của nước này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/3/2016. Hệ thống mới này chỉ bao gồm hai tỷ giá, thay cho hệ thống ba tỷ giá cũ, trong đó có một tỷ giá cố định ở mức 10 bolivar/1 USD, một tỷ giá thả nổi theo nhu cầu thị trường, khởi điểm ở mức 206 bolivar/1 USD.