Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 9-14/5/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Dầu mỏ

Tình trạng dư cung dầu trên toàn cầu dự báo sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2016, do: (i) Nhu cầu dầu trên thế giới đang tiếp tục tăng ổn định trong năm 2016, đặc biệt là tại Ấn Độ - quốc gia có nhu cầu tiêu thụ dầu chiếm tới 30% tổng mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong quý 1/2016; (ii) Nguồn cung bị gián đoạn do xảy ra cháy rừng nghiêm trọng tại Alberta - trung tâm sản xuất dầu cát của Canada, khiến sản lượng khai thác dầu của nước này giảm hơn 3,7 triệu thùng/ngày.(Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA, ngày 12/5)

Tính chung tuần từ 9 - 13/5/2016, giá dầu WTI tăng 3,2% và Brent tăng 5,3%, do lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2016 và giới đầu tư dự đoán nguồn cung dầu toàn cầu trong những năm tới sẽ thắt chặt hơn. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần (13/5/2016):

- Giá dầu WTI giao tháng 6/2016 giảm 49 cent (1,1%) xuống 46,21 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 giảm 25 cent (0,5%) xuống 47,83 USD/thùng.

Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có quy mô lớn nhất, Saudi Arabia sẽ bán 5% cổ phần của Tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco có tổng giá trị lên tới 1,7 nghìn tỷ GBP nhằm huy động 85 tỷ GBP. Lượng cổ phiếu chào bán này dự kiến được niêm yết tại các thị trường London, New York và Hong Kong vào năm 2017 hoặc 2018. Khoản tiền thu về được dùng để đầu tư cho những ngành phi dầu mỏ như: Sản xuất ô tô, vũ khí và du lịch. (Theo Dailymail của Anh, ngày 10/5)

Châu Âu

EU

Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO (năm 2001), EU đã không công nhận nền kinh tế Trung Quốc là kinh tế hàng hóa. Do đó, Trung Quốc đã tiến hành những cải cách để đạt được thỏa thuận với EU về việc được xem xét để trao quy chế kinh tế thị trường vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, ngày 12/5, Nghị viện châu Âu (EP) tiếp tục thông qua nghị quyết bác bỏ việc trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc, do năng lực sản xuất dư thừa và xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ của nước này đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội cho các nước thành viên EU.56/73 biện pháp chống bán phá giá hiện nay của EU (gần 77%) đều nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Anh

- Trong quý 1/2016, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Anh là 13,3 tỷ GBP (19,15 tỷ USD), tăng 1,1 tỷ GBP so với quý 4/2015 và là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cho thấy những tín hiệu tăng trưởng yếu kém của kinh tế nước này. Ngoài ra, thâm hụt thương mại hàng hóa của Anh với các nước EU trong quý 1 cũng tăng 0,7 tỷ GBP lên mức cao kỷ lục 23,9 tỷ GBP, trong đó xuất khẩu của Anh với EU tăng 1,6%, nhập khẩu tăng 2,3%. (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 11/5)

- Đồng GBP dự báo sẽ giảm 20% ngay sau khi Anh rời EU, khiến lạm phát tăng vọt, đầu tư lao dốc và chi tiêu tiêu dùng sa sút, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 1% trong năm 2017 và giảm 1,5 - 3,7% vào năm 2030. (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh - NIESR ngày 10/5)

- (i) Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Anh được dự báo giảm xuống 2% từ mức 2,2% dự báo tháng 02/2016; năm 2017 - 2018 giảm xuống 2,3%, thấp hơn mức dự báo đưa ra trước đó lần lượt là 2,4% và 2,5%; (ii) Tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên 0,9% trong tháng 9/2016, so với mức 0,3% trong tháng 4/2016, nếu người dân Anh bỏ phiếu ở lại EU. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU vào ngày 23/6/2016 là nguy cơ lớn nhất trước mắt đối với triển vọng kinh tế Anh, việc Anh rời EU có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái. (Theo Ngân hàng Trung ương Anh - BoE ngày 12/5)

Đức

Trong tháng 3/2016, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp của nước này tăng ngược trở lại (đạt 1,9%) so với mức giảm 0,8% của tháng 2 và cao hơn dự báo (0,7%). So với cùng kỳ năm 2015, số đơn đặt hàng công nghiệp tăng 1,7%. Lượng đơn từ các thị trường nước ngoài tăng 4,3%; tại Eurozone tăng 1,1%; trong khi đó đơn hàng nội địa giảm 1,2%. (Theo Bộ Kinh tế Đức ngày 09/5)

Hy Lạp

Quốc hội Hy Lạp ngày 08/5 thông qua gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới để được giải ngân khoản vay trị giá 5 tỷ EUR trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ EUR từ các chủ nợ quốc tế (gồm EU, ECB, Cơ chế bình ổn châu Âu - ESM và IMF). Những biện pháp cải cách mới gồm điều khoản cắt giảm mức lương hưu nhằm giúp Hy Lạp tiết kiệm 1,8 tỷ EUR; tăng thuế giúp ngân sách nhà nước thu về 1,8 tỷ EUR.

Mỹ Latinh

Ngành bảo hiểm khu vực Mỹ La-tinh đã tăng trưởng 51,3% trong giai đoạn 2005 - 2015 và đem lại doanh thu 138,7 tỷ USD trong năm 2015 (Brazil dẫn đầu với doanh thu đạt 55 tỷ USD, Mexico 24,5 tỷ USD, Argentina 19 tỷ USD và Chile 11,3 tỷ USD). Tập đoàn Bảo hiểm Tây Ban Nha (Mapfre) dự báo, thị trường bảo hiểm khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. (Theo Tập đoàn Bảo hiểm Tây Ban Nha Mapfre ngày 09/5)

- Năm 2016, khu vực Mỹ La-tinh đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng -0,6%, là năm thứ hai liên tiếp suy thoái kinh tế, trong đó tăng trưởng GDP của các nền kinh tế Nam Mỹ là -1,9%; tỷ lệ thất nghiệp khoảng 7%; đồng thời khuyến cáo các quốc gia trong khu vực cần áp dụng các biện pháp cả ngắn hạn và dài hạn nhằm đa dạng hóa thương mại và tăng năng suất lao động. (Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc - CEPAL và Tổ chức Lao động quốc tế - ILO ngày 11/5)

Hoa Kỳ

Trong tháng 3/2016, tín dụng tiêu dùng tăng 10% so với tháng 2 lên 29,7 tỷ USD, cao hơn dự báo là 15,6 tỷ USD, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2011, nângtổng tín dụng tiêu dùng của Hoa Kỳ lên mức kỷ lục mới là 3.590 tỷ USD. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 06/5)

Trong tháng 3/2016, số việc làm tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2015, lên 5,76 triệu việc làm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, cho thấy thị trường việc làm đang diễn biến tích cực. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 10/5)

Trung Quốc

Trong tháng 4/2016, thặng dư thương mại tăng lên 46 tỷ USD, so với 34 tỷ USD cùng kỳ năm 2015, trong đó:

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 173 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 0,1%, sau khi tăng 11,5% trong tháng 3.

- Kim ngạch nhập khẩu đạt 127 tỷ USD, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2015, giảm hơn 2 lần so với dự báo giảm 5%, sau khi giảm 7,6% trong tháng 3.

Nếu tính theo đồng CNY, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2016 tăng khoảng 4,1%, nhập khẩu giảm 5,7%, do đồng CNY mất giá so với đồng USD.

(Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 08/5)

Trong tháng 4/2016, kho dự trữ ngoại tệ tăng thêm 7,1 tỷ USD lên mức 3.219 tỷ USD, vượt dự báo 3.200 tỷ USD, do những lo ngại về việc đồng nội tệ yếu và tình trạng chảy vốn đã giảm xuống. Đây là tháng thứ hai liên tiếpkho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốctăng sau đợt sụt giảm dài ngày từ tháng 11/2015. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PboC ngày 07/5)

Trong tháng 4/2016:

- CPI tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015, tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, giá lương thực tăng 7,4%; giá thực phẩm tăng 33,5%. Lạm phát phi thực phẩm tại Trung Quốc trong tháng 4 là 1,1%.

- PPI giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn mức giảm 3,7% của dự báo trước đó và mức giảm 4,9% trong tháng 3/2016.

(Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 10/5)

4 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI vào nước này tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015, lên 286,78 tỷ CNY (45,3 tỷ USD); trong đó, đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 70,2% (đạt 201,4 tỷ CNY). Riêng trong tháng 4, vốn FDI vào Trung Quốc tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 62,57 tỷ CNY.

(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/5)

Ngày 11/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 80 tỷ CNY (12,3 tỷ USD) vào thị trường thông qua thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) có kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,25%. Trong 3 ngày liên tiếp (từ 9 - 11/5), PBoC đã bơm tổng cộng 170 tỷ CNY vào thị trường nhằm giảm tình trạng căng thẳng về khả năng thanh khoản của Trung Quốc. (Theo Tân Hoa xã ngày 11/5)

Nhật Bản

Trong phiên giao dịch ngày 10/5, đồng JPY đã giảm giá, dao động ở mức 108,27 - 108,95 JPY/ 1 USD so với 107,65 - 107,67 JPY/1 USD; 124,02 - 124,06 JPY/ 1 EUR so với 122,64 - 122,68 JPY/ 1 EUR trong phiên ngày 09/5. Như vậy, đồng JPY đã giảm giá sau khi tăng lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng, khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định sẵn sàng can thiệp vào thị trường nếu đồng JPY tăng giá quá mạnh. (Theo AFP)

- Cán cân thương mại của Nhật Bản đảo chiều từ thâm hụt 6.590 tỷ JPY (60,6 tỷ USD) trong tài khóa 2014 sang thặng dư 629,9 tỷ JPY (5,8 tỷ USD) trong tài khóa 2015 (01/4/2015 - 31/3/2016). Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm 3,3% xuống 73.140 tỷ JPY, nhưng do giá dầu thô rẻ, kim ngạch nhập khẩu giảm nhiều hơn (giảm 11,8% xuống 72.510 tỷ JPY).

- Trong tài khóa 2015, thặng dư tài khoản vãng lai đạt 17.980 tỷ JPY (166 tỷ USD), cao nhất trong 5 năm qua, do lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng. Ngành du lịch đạt thặng dư 1.270 tỷ JPY (tương đương 11,7 tỷ USD), là mức cao nhất kể từ năm 1996, góp phần giảm 50% mức thâm hụt cán cân dịch vụ xuống 1.210 tỷ JPY (11,1 tỷ USD), thấp nhất kể từ tài khóa 1996.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 12/5)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ đã giảm điểm trong tuần qua, do xu hướng giảm giá cổ phiếu của hàng loạt lĩnh vực như hàng tiêu dùng, tài chính, công nghiệp và năng lượng. Trung bình cả tuần (9 - 13/5/2016), chỉ số Dow Jones giảm 1,25%; Nasdaq Composite giảm 0,31%; nhưng S&P 500 lại tăng 0,07%. Tính riêng ngày giao dịch cuối tuần (13/5/2016) so với phiên giao dịch ngày hôm trước, các chỉ số:

- Dow Jones đạt 17.535,32 điểm - mức thấp nhất từ ngày 28/3, giảm 185,18 điểm (1,1%).

- S&P 500 đạt 2.046,49 điểm - mức thấp nhất từ ngày 11/4, giảm 17,62 điểm (0,9%).

- Nasdaq Composite đạt 4.717,68 điểm, giảm 19,66 điểm (0,4%).

Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, các thị trường chứng khoán chính tại châu Á hầu hết giảm điểm, do triển vọng kinh tế không mấy lạc quan của Trung Quốc và lợi nhuận kinh doanh thấp hơn kỳ vọng của các doanh nghiệp tại châu Á. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 1,09%, xuống 125,74 điểm.

- Các thị trường chính giảm điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,18%, xuống 16.412,21điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 2,49%, xuống 2.827,11 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,96%, xuống 19.719,29 điểm;

- Các thị trường chính tăng điểm:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,23%, lên 1.967,34 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,79%, lên 5.351,699 điểm.

Chính sách

Hàn Quốc

Ngày 13/5, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản thấp kỷ lục 1,5% đã được duy trì trong 11 tháng qua, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thất nghiệp và nợ của các hộ gia đình tăng, xuất khẩu giảm do nhu cầu toàn cầu yếu.

- Kim ngạch xuất khẩu (đóng góp gần 50% GDP Hàn Quốc) trong tháng 4 giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015, tháng giảm thứ 16 liên tiếp.

- Nợ của các hộ gia đình tại Hàn Quốc vào cuối năm 2015 ở mức cao kỷ lục là 1.000 tỷ USD và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

- Thất nghiệp (ở nhóm tuổi dưới 30) trong tháng 4/2016 đạt tỷ lệ trên 10%.

Anh

BoE ngày 12/5 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% đã được duy trì trong suốt hơn 7 năm qua, do những lo ngại về việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này.

Nhận định
chuyên gia

Ngày 10/5, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định:

Tăng trưởng kinh tế Đức trong năm 2016 vẫn được duy trì nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh và hiệu quả từ các chính sách tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường lao động và tự do hóa ngành dịch vụ, giúp bù đắp những điểm yếu trong xuất khẩu của nước này. Trước đó, tháng 4/2016, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Đức là 1,5% trong năm 2016 và 1,6% vào năm 2017. Tính riêng hiệu quả của chính sách tài khóa trong năm 2016 sẽ giúp kinh tế Đức tăng trưởng khoảng 1%.

Robin Brooks - chiến lược gia trưởng tiền tệ tại Goldman SachsGroup, Inc. nhận định:

Đồng USD đã thoát đáy và sẽ tăng giá 15% trong 2 năm 2016 - 2017, khi các chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ được bình thường hóa. Sau khi tăng giá trong tháng 01/2016, đồng USD đã giảm liên tiếp trong 3 tháng tiếp theo - đà giảm kéo dài nhất kể từ khi đồng tiền này tăng đột biến (20%) trong tháng 7/2014. Tính đến ngày 11/5, đồng USD đã giảm 4,1% so với đầu năm 2016. (Theo Bloomberg ngày 11/5)