Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 27/6-2/7/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2016, GDP cả nước ước tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%, đóng góp 2,41 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,35%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,18%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012 - 2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2015 (6,32%), do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến kinh tế trong nước; khí hậu diễn biến bất thường tại các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/6)

Doanh nghiệp

Tính chung 6 tháng đầu năm 2016:

- Cả nước có 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế đạt 1.202,5 nghìn tỷ đồng.

- Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ.

- Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh là 5.507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã bán khoảng 8,68 triệu tấn dầu thô và condensate trong 6 tháng đầu năm 2016, bằng 54,25% kế hoạch cả năm (16 triệu tấn), đạt tổng trị giá trên 2,4 tỷ USD. Trong đó, PVN cung cấp 3,73 triệu tấn dầu thô (bao gồm cả dầu thô khai thác trong nước và nhập khẩu) cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, bằng 59,9% kế hoạch cả năm (6,23 triệu tấn), với tổng trị giá 1.580 triệu USD, bằng 38,13% kế hoạch cả năm (3.047 triệu USD).

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2016, PVN sẽ tiếp tục xuất bán 3,59 triệu tấn dầu thô và condensate; cung cấp 3,5 triệu tấn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất (3,42 triệu tấn dầu thô trong nước và 0,08 triệu tấn dầu thô nhập khẩu); xuất bán ra nước ngoài 1,13 triệu tấn.

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến ngày 20/6, cả nước có 1145 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 3,787 tỷ USD, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam (gồm cấp mới và điều chỉnh) là 11,284 tỷ USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2015; đã giải ngân khoảng 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện khối FDI chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu và 58,2% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - FIA)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, vốn giải ngân đầu tư công đạt 81.876 tỷ đồng, chỉ bằng 32,6% kế hoạch cả năm, chủ yếu do chậm giải phóng mặt bằng. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 30/6)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam luôn tăng trưởng dương, riêng năm 2015 đạt gần 2.470.000 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng. (Theo xếp hạng trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) của Tập đoàn Tư vấn Thị trường AT Kearney (Hoa Kỳ) được công bố tại Hội thảo “Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” ngày 28/6)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 6/2016:

- Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt gần 2,5 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 15,05 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,33 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015.

- Kim ngạch nhập khẩu toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 2,12 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu trong 6 tháng ​đầu năm 2016 lên 11,04 tỷ USD, giảm 3% so với năm cùng kỳ năm 2015. Trong đó nhập khẩu một số mặt hàng chính đều đồng loạt giảm như phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương… đạt khoảng 7,87 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,17 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ những tháng đầu năm giảm mạnh.Năm 2016, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chỉ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra 200 triệu USD.(Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam)

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6/2016 ước đạt 359 nghìn tấn vớigiá trị đạt 163 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,69 triệu tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm lần lượt 9,8% về khối lượng và 5,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,5% thị phần; tiếp theo là Indonesia, Ghana, Đài Loan. Các thị trường giảm mạnh lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam gồm Philippines, Malaysia, Singapore và Hồng Kông.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Cân đối vĩ mô


Tín dụng

Tính đến thời điểm ngày 20/6:

- Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,07% so với cuối năm 2015. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,23%, cao hơn mức tăng 4,58% của cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,2%, thấp hơn mức tăng 6,28% cùng kỳ năm 2015.

- Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5 - 5,4%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng là 5,4 - 7,2%/năm.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 3 ngày giảm giá và 3 ngày tăng giá, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 590 - 780 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 02/7) giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,42 - 35,82 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,42 - 35,84 triệu đồng/lượng tăng tới 370 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 440 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Tập đoàn Doji: 35,66 - 35,78 triệu đồng/lượng, tăng 420 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 440 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 35,68 - 35,76 triệu đồng/lượng, tăng 420 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 440 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 43 đồng với 3 ngày giảm giá và 3 ngày tăng giá. Trong ngày giao dịch cuối tuần (ngày 02/7), tỷ giá trung tâm là 22.521 đồng/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại như sau:

- Vietinbank: 22.265 - 22.335 đồng, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.270 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.280 - 22.340 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.250 - 22.350 đồng, không thay đổi.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong 6 tháng đầu năm 2016:

- Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 223 nghìn tỷ đồng (tăng gần 85% so với cùng kỳ năm 2015).

- Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt1,54 triệu tài khoản (tăng gần 29 nghìn tài khoản so với cuối năm 2015).

- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép thành lập 1 quỹ thành viên, 1 quỹ đóng, 1 quỹ mở. Như vậy, hiện thị trường có 29 quỹ đang hoạt động, trong đó có 21 quỹ đại chúng (18 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 1 quỹ đóng), 8 quỹ thành viên.

-Số lượng công ty niêm yết mới tăng 15 công ty; hủy niêm yết 14 công ty. Tổng số công ty niêm yết trên 2 sàn (VN-Index và HN-Index) hiện có 686 công ty (bao gồm cả 2 chứng chỉ quỹ ETF).

(Theo UBCKNN ngày 28/6/2016)

Trái phiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2016, KBNN đã huy động được 182.271,3 tỷ đồng TPCP, bằng 82,9% kế hoạch năm; kỳ hạn bình quân đạt 6,79 năm, trung bình khoảng 10 thành viên tham gia/phiên, khối lượng tham gia dự thầu trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên. Huy động vốn bù đắp tạm thời cho ngân sách nhà nước thông qua phát hành tín phiếu kho bạc (vay và hoàn trả trong năm) đạt 49.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KBNN đã tổ chức thanh toán gốc, lãi TPCP kịp thời, đầy đủ theo quy định, đảm bảo uy tín của Chính phủ đối với các nhà đầu tư...

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2016, KBNN sẽ phát hành thêm 40.000 tỷ đồng thông qua đấu thầu, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, phát hành cho Bảo hiểm Xã hội theo phương thức phát hành riêng lẻ và tiếp tục thực hiện tái cấu trúc thị trường TPCP thông qua hoán đổi trái phiếu.

(Theo Sở GDCK Hà Nội - HNX ngày 30/6)

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 3 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 27/6, Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành TPCP bảo lãnh với tổng khối lượng gọi thầu 1.450 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng); 10 năm (200 tỷ đồng); 15 năm (250 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,4%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 01/7/2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động thành công 3.150 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 29/6, KBNN phát hành TPCP với tổng khối lượng gọi thầu 8.600 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 5 năm (3.000 tỷ đồng); 7 năm (2.600 tỷ đồng); 15 năm (2.000 tỷ đồng) và 20 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 2.450 tỷ đồng (81,66%), lãi suất trúng thầu 6,09%/năm.

+ Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 1.260 tỷ đồng (48,46%), lãi suất trúng thầu 6,6%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 655 tỷ đồng (32,75%), lãi suất trúng thầu 7,65%/năm.

+ Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 90 tỷ đồng (9%), lãi suất trúng thầu 7,75%/năm .

Tính chung từ đầu năm đến ngày 01/7/2016, KBNN đã huy động thành công 182.271,3 tỷ đồng TPCP.

- Ngày 01/7, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành TPCP bảo lãnh với tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng, trúng thầu 1.600 tỷ đồng (80%), lãi suất 6,35%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 01/7/2016, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã huy động thành công 6.600 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

Cổ phiếu

HOSE và Sở GDCK Hà Nội (HNX) đang xây dựng bộ chỉ số chung VNX Allshare Index với mục tiêu là thước đo để các nhà đầu tư theo dõi những biến động toàn thị trường chứng khoán Việt Nam; nâng cao tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa hệ thống chỉ báo cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam; tạo chỉ số cơ sở nhằm phát triển các sản phẩm tài chính như chứng khoán phái sinh, quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Dự kiến đến tháng 7/2016, quy tắc chỉ số chung và thành lập hội đồng chỉ số chung sẽ thống nhất; tháng 9 sẽ hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chỉ số chung và thử nghiệm, công bố thông tin chỉ số; tháng 10 tới sẽ triển khai chỉ số ra thị trường.

VNX Allshare Index được xây dựng trên cơ sở sàng lọc 306 cổ phiếu niêm yết trên HOSE và 377 cổ phiếu trên HNX về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng và tính thanh khoản. Tổng số cổ phiếu vào Allshare gồm 208 cổ phiếu trên HOSE và 180 cổ phiếu trên HNX. Trong đó, tỷ trọng giá trị vốn hóa của VNX Allshare và toàn thị trường (HOSE và HNX) chiếm 87,55%, tỷ trọng giá trị giao dịch 83,68%.

(Theo Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh - HOSE ngày 25/6)

Trong tuần từ 27/6 - 01/7/2016, hai chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu bluechips như VNM, GAS, VIC, BVH… tăng giá mạnh đã hỗ trợ thị trường. Tính chung cả tuần:

- VN-Index tăng 21,05 điểm (3,4%) lên 640,3 điểm. So với tuần từ 20 - 24/6/2016, tổng khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên đạt 110.344 triệu đơn vị/phiên, giảm24,2%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.416,43tỷ đồng, giảm12,6%so với tuần trước.

- HNX-Index tăng 1,23 điểm (1,47%) lên 85,15 điểm. So với tuần từ 20 - 24/6/2016, tổng khối lượng giao dịch bình quân 1 phiên đạtđạt50,6triệu đơn vị/phiên, giảm21%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt607,93tỷ đồng, giảm27,1%.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch sôi động trở lại, dòng vốn ngoại “chảy” vào 2 sàn chứng khoán cùng tăng mạnh, đặc biệt trên sàn HNX. Tính chung trên hai sàn,khối ngoại đã mua ròng 21,59 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 293,7 tỷ đồng, gấp 6,9 lần về lượng và gần 5 lần về giá trị so với tuần từ 20 - 24/6/2016.

- HOSE:Khối ngoại đã mua ròng 10,18 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 159,47 tỷ đồng, tăng 57,66% về lượng và 84,96% về giá trị so với tuần trước đó.

- HNX:Khối ngoại đã mua ròng 11,41 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 134,23 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 3,34 đơn vị, trị giá 27,25 tỷ đồng.

Bất động sản

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng tồn kho bất động sản vẫn tiếp tục giảm nhưng đã chậm lại, trong đó lượng tồn kho chủ yếu là đất nền tại các dự án xa trung tâm chưa có hạ tầng đầy đủ.Tồn kho bất động sản giảm 13.400 tỷ đồng (tương đương hơn 26%), đưa tổng giá trị tồn kho bất động sản toàn quốc (tính đến cuối tháng 6/2016) còn 37.489 tỷ đồng, giảm 1.935 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.(Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng)

Trong quý 2/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh:

- Số căn hộ bán được đạt 5.887 căn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 35% so với quý 1, trong khi nguồn cung tiếp tục tăng mạnh với 10.107 căn hộ mới, tăng 20% so với quý 1 nhưng giảm 9% so với cùng kỳ năm 2015.

- Mức giá chào bán trung bình là 2.009 USD/m2, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2015 và 0,3% so với quý 1. Tuy nhiên, giá nhà tại phân khúc hạng sang lại tăng 2%.

(Theo Tập đoàn Bất động sản CBRE)

Đàm phán - Ký kết

Ngày 24/6, các nhà tài trợ châu Âu (Phái đoàn Liên minh châu Âu - EU, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ - SECO và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Quốc tế - Expertise France) đã chính thức khởi động dự án có tổng kinh phí 3,9 triệu euro nhằm nâng cao vai trò quản lý, giám sát tài chính công tại Việt Nam thông qua tăng cường năng lực tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, nhằm: (i) Phát triển cơ cấu tổ chức và quản lý nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước; (ii) Thúc đẩy công tác lập kế hoạch kiểm toán, hiện đại hóa phương pháp kiểm toán và quản lý hoạt động phù hợp với chuẩn mực của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 6/2016 - 12/2019.

Chính sách

Nghị định số 53/2016/NĐ-CP

Nghị định số 53/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Chính sách lao động, tiền lương của người lao động: Quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động xác định dựa trên số lao động kế hoạch và mức tiền lương bình quân kế hoạch.

Tiền lương, thù lao của người quản lý công ty: Quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý công ty chuyên trách được xác định dựa trên số lượng người quản lý công ty chuyên trách và mức tiền lương bình quân kế hoạch.

Tiền thưởng và phúc lợi: Quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động tối đa không quá 3 tháng tiền lương bình quân (bằng với kế hoạch), nếu vượt thì trích thêm 20% lợi nhuận nhưng tối đa không quá 3 tháng tiền lương; Quỹ thưởng của người quản lý công ty tối đa không quá 1,5 tháng tiền lương bình quân (bằng lợi nhuận), nếu thấp hơn tối đa không quá 01 tháng tiền lương. Không dùng quỹ khen thưởng của người lao động để chi thưởng cho người quản lý công ty.

Nghị định số 53/2016/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2016.

Thông tư số 79/2016/TT-BTC

Thông tư số 79/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 06/6/2016 về việc hướng dẫn thực hiện thẩm định tài chính các chương trình, dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

- Việc thẩm định năng lực tài chính của người vay lại thông qua thẩm định các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 3 năm liên tục gần nhất so với năm thực hiện thẩm định năng lực tài chính của người vay lại.

- Trường hợp người vay lại chưa đủ 3 năm hoạt động thì phải có văn bản cam kết của đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ về đảm bảo trả nợ thay trong trường hợp người vay lại gặp khó khăn trong việc trả nợ. Nếu không có các bảo đảm này, người vay lại phải có bảo lãnh trách nhiệm trả nợ của một ngân hàng thương mại hoặc hình thức bảo đảm khác được hợp lệ.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2016.

Thông tư số 84/2016/TT-BTC

Ngày 17/6/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 84/2016/TT-BTC hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa. Theo đó, người nộp thuế có thể nộp thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp.

- Để nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng Cục thuế, người nộp thuế phải đăng nhập hệ thống nộp thuế điện tử bằng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cấp và kê khai các thông tin liên quan.

- Đối với nộp qua dịch vụ nộp thuế điện tử do ngân hàng cung cấp như ATM, Internet banking, mobile banking, POS hoặc hình thức thanh toán điện tử khác, người nộp thuế lập chứng từ theo hướng dẫn của từng hệ thống ngân hàng.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016.

Thông tư số 91/2016/TT-BTC

Ngày 24/6/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 91/2016/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2017 phấn đấu đạt các mục tiêu sau:

- Tỷ lệ huy động vào NSNN/GDP khoảng 20 - 21%.

- Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

- Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2016.

Thông tư số 13/2016/TT-NHNN

Ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 13/2016/TT-NHNNsửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2011/TT-NHNN ngày 30/12/2011 của Thống đốc NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng (TCTD).

- Bãi bỏ các quy định liên quan đến điều kiện cho vay ra nước ngoài (Bãi bỏ Điều 7 và sửa đổi Khoản 1 Điều 9).

- Sửa đổi Điều 10 và 11 quy định về hồ sơ đăng ký và đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

- Bổ sung Khoản 5 Điều 12 về cơ sở để NHNN xem xét, xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài; sửa đổi Điều 14 quy định về tài khoản cho vay, thu hồi nợ nước ngoài...

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2016.

Thông tư số 14/2016/TT-NHNN

Ngày 30/6, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2016/TT-NHNNsửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-NHNN ngày 06/11/2014 của Thống đốc NHNN quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bãi bỏ một số điều của Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1096/2004/QĐ-NHNN ngày 6/9/2004 của Thống đốc NHNN.

- Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung về điều kiện thực hiện ủy thác, nhận ủy thác, điều kiện thực hiện hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đảm bảo phù hợp với hiệu lực thi hành Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam:

Việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, do đồng bảng Anh và đồng EU mất giá sẽ ảnh hưởng đến giá bán, giá mua của nhà nhập khẩu, tác động trực tiếp tới các đơn hàng trong quý 4/2016, khiến đơn hàng năm 2017 sẽ chững lại.

Anh rời EU thì FTA Việt Nam - EU có thể phải xem xét lại, gây tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp, việc làm của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU trong năm 2016.