Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 29/2 - 5/3/2016

Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 1 - 2016

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Sản xuất

công nghiệp

Trong tháng 2/2016, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng 7,9%; tính chung 2 tháng đầu năm 2016, IIP tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, do tồn kho ở mức hợp lý và thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (thấp hơn 2,4 điểm phần trăm). Trong đó:

- Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,5%;

- Sản xuất và phân phối điện tăng 12,8%;

- Cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%.

(Theo Bộ Công Thương)

Doanh nghiệp


Năm 2015, dù giá xăng đã trải qua 12 lần giảm giá trong năm, Petrolimex đạt lợi nhuận sau thuế 3.138,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng công ty mẹ đạt 2.142 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao hơn tới 37 lần nếu so với mức lợi nhuận 58,5 tỷ đồng của năm 2014. Tính riêng trong quý 4/2015, Petrolimex đạt lợi nhuận hợp nhất 1.003 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2014, tập đoàn này đã bị lỗ tới 1.159 tỷ đồng do ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh của công ty con là Petrolimex Singapore). Lợi nhuận của Petrolimex vẫn tăng mạnh cả năm 2015. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petolimex).

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ vừa vừa đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về vốn: Chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng; 70% sử dụng vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. (Theo kết quả khảo sát của Viện Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ)

2 tháng đầu năm 2016, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2016 là7416doanh nghiệp, tăng69,5% so với cùng kỳ năm 2015.Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 2 tháng đầu năm 2016 là2195 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2016 là16.471doanh nghiệp, tăng17,3% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Thống kê)


Trong Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 01/2016, Bộ Tài chính đề nghị xóa là 13.064 tỷ đồng tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan. Số tiền hộ kinh doanh nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến cuối năm 2013 là lớn nhất, khoảng 9.110 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền mà doanh nghiệp chậm nộp từ năm 2013 trở về trước ước khoảng 1.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xóa nợ thuế chỉ áp dụng với những đơn vị nộp đủ số thuế nợ trước ngày 31/12/201 và không áp dụng đối với những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tổng cầu


Đầu tư

2 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 20/02), tổng vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 2.803,4 triệu USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015. Vốn FDI thực hiện 2tháng ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 1.995 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký; ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 210,6 triệu USD, chiếm 7,5%; các ngành còn lại đạt 597,8 triệu USD, chiếm 21,3%.

Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 435,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia 233,2 triệu USD, chiếm 12,2%; Hàn Quốc 202,4 triệu USD, chiếm 10,6%...

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN trong tháng 02/2016 ước tính đạt 10.432 tỷ đồng; trong đó, vốn trung ương 2.200 tỷ đồng và vốn địa phương 8.200 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 25,3 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% kế hoạch năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015, gồm có:

- Vốn trung ương quản lý đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, bằng 10,3% kế hoạch năm và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các bộ, ngành sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư nhất là: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo…

- Vốn địa phương quản lý đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% kế hoạch năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015.

(Theo Tổng cục Thống kê)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 2/2016 ước đạt 287,961 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng 2/2015. Tính chung 2 tháng đầu năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 586,967 nghìn tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Bộ Công Thương)

Ngân sách nhà nước

Tổng thu NSNN thực hiện tháng 2/2016 ước đạt 66,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu NSNN 2 tháng đầu năm đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Tổng chi NSNN tháng 2 ước đạt 81,73 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 2 tháng đầu năm ước đạt 185,59 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Bội chi NSNN 2 tháng đầu năm 2016 ước khoảng 25,47 nghìn tỷ đồng, bằng 10% dự toán cả năm.

(Theo Bộ Tài chính)

Xuất nhập khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 02/2016 ước đạt 10,3 tỷ USD, giảm 22,9% so với tháng 01/2016. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 02/2016 ước tính đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với tháng 01/2016. Tính chung 2 tháng đầu năm ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Xuất siêu 2 tháng đầu năm đạt 865 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,9 tỷ USD.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015; tiếp đến là EU đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; ASEAN đạt 2,5 tỷ USD, giảm 12,3%...

(Theo Tổng cục Thống kê)

Kim ngạch thương mại Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ từ 1 tỷ USD (năm 2012) đã tăng lên 1,5 tỷ USD năm 2015. Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ 1,4 tỷ USD, nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 100 triệu USD.

(Theo Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ngày 02/3)

2 tháng đầu năm 2016, tiêu thụ sản phẩm xi măng trong nước ước đạt 7,26 triệu tấn, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu xi măng ước đạt 2,18 triệu tấn, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ là 2,25 triệu tấn). Tính chung, sản lượng xi măng tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 9,44 triệu tấn, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 12,42% kế hoạch năm 2016. (Theo Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng)

Trong giai đoạn 2010 - 2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam, bình quân từ 16 - 18%/năm, chỉ sau ngành viễn thông và dệt may. Trong đó, có những mặt hàng nhựa có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Với mức tăng trưởng như vậy, ngành nhựa được đánh giá lá một trong những ngành năng động, mũi nhọn của Việt Nam. (Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam - VPA)

Xuất khẩu thủy sản cả nước trong 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam khi chiếm đến hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Cân đối vĩ mô


Lãi suất

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm mạnh sau dịp Tết Nguyên Đán, do hệ thống thanh khoản dồi dào (nguồn tiền từ dân cư và doanh nghiệp đã quay trở lại kênh tiết kiệm) trong khi nhu cầu giải ngân vốn tín dụng chưa tăng mạnh trong các tháng đầu năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm chỉ còn 1,79%/năm; kỳ hạn một tuần chỉ còn 2,27%/năm; kỳ hạn hai tuần chỉ còn 2,69%/năm, đều giảm hơn 1%/năm so với mức lãi suất của tuần trước đó. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)

Tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức khoảng 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9 - 11%/năm đối với trung, dài hạn, giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm so với đầu năm 2015, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3 - 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005 - 2006. Tuy nhiên, năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn. (Theo Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước)

Lãi suất của một số ngân hàng:

- Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): Mức lãi suất 8% dành cho kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn 13 tháng và 21 tháng tăng lên mức 7,7%/năm; 7,8% cho kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, OCB cộng thêm 0,1%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến.

- Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank): Lãi suất 7,5%/năm áp dụng cho tiền tiết kiệm kỳ hạn 15 và 18 tháng với số tiền 10 tỷ đồng; 7,6%(kỳ hạn 24 tháng), 8%(kỳ hạn 36 tháng).

- Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank): Áp dụng mức lãi suất cao nhất 8%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng.

- Ngân hàng Viet Capital Bank: Ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi online từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn. Ðặc biệt, đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng được cộng thêm 0,3%/nãm lãi suất, lãi suất tối đa lên đến 7,5%/năm.

PMI

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 02/2016 đã giảm xuống mức 50,3 điểm từ mức 51,5 điểm của tháng 01/2016. Đây là mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.Điều này cho thấy, sức hồi phục trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang yếu đi sau 3 tháng cải thiện liên tiếp. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều tăng trưởng chậm lại, trong khi tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm, góp phần khiến chỉ số PMI giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. (Theo Hãng Nikkei ngày 01/3)

Giá vàng

Trong phiên giao dịch cuối tuần (5/3), giá vàng SJC được giao dịch ở mức:

- Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh: 33,70 - 34 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội:33,70 – 34,02 triệu đồng/lượng, tăng 250 nghìn đồng/lượng cả hai chiều.

- Công ty DOJI: 33,79 - 33,88 triệu đồng/lượng, tăng 190 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra;

- Bảo Tín Minh Châu: 33,79 - 33,68 triệu đồng/lượng, tăng 190 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 180 nghìn đồng chiều bán ra.

Tính chung cả tuần, giá vàng SJC tăng 240 - 350 nghìn đồng/lượng.

Tỷ giá

Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tuần 22 - 27/3 có xu hướng giảm nhẹ với mức trung bình trong năm phiên đạt 22.355,8 VND/USD, giảm 15 đồng so với mức trung bình của tuần trước đó. Tỷ giá trung tâm trong tuần được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiếp tục tăng, đi ngược lại với với xu hướng giảm của tỷ giá niêm yết. Nguyên nhân là do: (i) Cung ngoại tệ thời gian gần đây khá dồi dào nhờ cán cân thương mại xuất siêu trong tháng 01/2016 (hơn 700 triệu USD); (ii) Nguồn kiều hối về nhiều (ước tính 10 - 12 tỷ USD cho cả năm 2015); (iii) Các quy định mới về giao dịch kỳ hạn và cơ chế tỷ giá trung tâm, nhu cầu đầu cơ, găm giữ USD đang có xu hướng giảm so với thời điểm cuối năm 2015. (Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)

Tính chung cả tuần, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh giảm từ 5 đến 12 đồng/USD. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 05/3), tỷ giá được các ngân hàng mua bán ở mức:

- Vietcombank: 22.255 - 22.325 đồng/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.270 - 22.330 đồng, giảm 10 đồng.

- Vietinbank: 22.260-22.330 đồng/USD

- BIDV: 22.265-22.335 đồng/USD

- Techcombank: 22.245-22.350 đồng/USD.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Kết thúc tháng 02/2016, chỉ số chứng khoán VN-Index của Việt Nam đã tăng 2,59%, ở mức 559,37 điểm. Với mức tăng này, chứng khoán Việt Nam xếp thứ 10 trong số các thị trường hoạt động tốt nhất trong tháng 02/2016. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index vẫn giảm 3,4%, hoạt động tốt hơn so với Singrapore và Philipines khi 2 thị trường này giảm lần lượt 7,5% và 4%, nhưng kém hơn so với thị trường Indonesia và Thái Lan (đều tăng hơn 3%). (Theo bảng xếp hạng của World Market Indices)

Theo số liệu tại báo cáo tài chính quý 4/2015, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX đạt hơn 4.283 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Trong đó, 317 doanh nghiệp kinh doanh lãi, 40 doanh nghiệp kinh doanh lỗ...

Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất với 107 doanh nghiệp báo lãi, tiếp đến là ngành tài chính, xây dựng. Trong số các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngành thương mại và dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm tỷ trọng lỗ lớn nhất với 8 doanh nghiệp và giá trị lỗ hơn 141 tỷ đồng.

Trái phiếu

Trongtháng 02/2016, đã huy động được gần 28,3 nghìn tỷ đồng TPCP do KBNN phát hành thông qua 8 phiên đấu thầu, tăng 15,8% so với tháng 01/2016. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm nằm trong khoảng 5,5 - 5,75%/năm, giảm khoảng 0,28% so với tháng 1; lãi suất trái phiếu 5 năm trong khoảng 6,29 - 6,60%/năm, giảm khoảng 0,29%; lãi suất trái phiếu 15 năm là 7,65%/năm, không thay đổi.

Trên thị trường thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) trong tháng 2 đạt hơn 493 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 51,6 nghìn tỷ đồng, tăng 52,1% về giá trị so với tháng 1.

(Theo Sở GDCK Hà Nội - HNX)

Trong tuần, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành vào ngày 02/3, với tổng khối lượng gọi thầu 11.000 tỷ đồng gồm 3 loại kỳ hạn 5 năm (8.000 tỷ đồng), 10 năm (1.000 tỷ đồng) và 15 năm (2.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 5.800 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,3%/năm (cao hơn 0,01% lãi suất trúng thầu phiên ngày 26/02/2016).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,93%/năm.

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 2.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,65%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 24/02/2016).

Tính chung từ đầu năm đến ngày 02/3/2016, KBNN đã huy động thành công 85.945,3 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu


Trong tuần từ 29/02 - 04/3, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả 2 sàn, cụ thể:

+ VN-Index: Tăng 1,3%, lên 573,65 điểm, với tổng khối lượng đạt 125 triệu cổ phiếu.

+ HNX-Index: Tăng 0,7%, lên 79,65 điểm, với khối lượng gần 42 triệu cổ phiếu.

Trong tuần từ 29/2 - 4/3, khối ngoại mua ròng 359,27 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Cụ thể:

+ HOSE:Khối ngoại mua ròng khoảng 310,33 tỷ đồng.

+ HNX:Khối ngoại mua ròng khoảng 48,94 tỷ đồng.

Bảo hiểm

Tính đến hết 31/12/2015, cả nước có hơn 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng gần 5,4% so với năm 2014. Số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2015 khoảng 145.600 tỷ đồng, tăng 11,2% so với 2014. (Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội)

Tính đến hết 31/12/2015, số dư đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội đạt 435.129 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong năm 2015, ước số lãi thu được từ đầu tư đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2014. Quỹ bảo hiểm xã hội có các hình thức đầu tư cụ thể: cho NSNN vay, mua trái phiếu chính phủ, cho ngân hàng thương mại nhà nước vay. (Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Đàm phán - Ký kết

ADB và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội

Ngày 02/3, tại Hà Nội, Chương trình Tài trợ thương mại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đã ký kết các thỏa thuận bảo lãnh 100 triệu USD mỗi năm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Chương trình tài trợ thương mại của ADB bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2009, đến nay đã thực hiện 4.303 giao dịch và hỗ trợ các hoạt động thương mại trị giá 6,5 tỷ USD.

Chính sách

Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC

Ngày 23/02/2016, Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2016.

Báo cáo tài chính năm của công ty cổ phần; Nhóm công ty sẽ do cơ quan thuế tiếp nhận, lưu trữ tại Hệ thống thông tin báo cáo tài chính. Định kỳ hàng tháng, Hệ thống thông tin báo cáo tài chính của Tổng cục Thuế truyền toàn bộ dữ liệu mới được cập nhật về thông tin báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Riêng trường hợp cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng tại Điều 12 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và trường hợp công ty Nhà nước chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty cổ phần, không thực hiện trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế.

Nhận định

chuyên gia

Theo các chuyên gia ngân hàng:

Xu hướng ổn định của tỷ giá sẽ còn kéo dài trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ hiện đang khá dồi dào nhờ lượng kiều hối chuyển về nước vừa qua là khá lớn, cộng thêm 2 tháng đầu năm xuất siêu 865 triệu USD, giải ngân vốn FDI cũng đạt tới 1,5 tỷ USD…

Trong khi đó cầu ngoại tệ hiện là không lớn do các doanh nghiệp chưa bắt nhịp ngày vào guồng sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Hơn nữa, với các quy định mới về giao dịch kỳ hạn và cơ chế tỷ giá trung tâm, nhu cầu đầu cơ, găm giữ USD đang có xu hướng giảm so với thời điểm cuối năm 2015.