Sự kiện kinh tế - tài chính Việt Nam tuần từ 7 - 11/3/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng

Tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 07/3, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Theo đó:

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2011 - 2015 đạt trên 5,9%/năm. GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD.

- Mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2016 - 2020 bằng khoảng 32 - 34% GDP.

Doanh nghiệp


Hiện có tới 93% doanh nghiệp gỗ tại Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 5,5% là doanh nghiệp vừa, 1,5% là doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ áp đảo của những doanh nghiệp vừa và nhỏ (vừa thiếu vừa yếu về nguồn vốn và tiếp cận thị trường) chính là điểm yếu nhất của ngành gỗ Việt Nam hiện nay. Năm 2016, mục tiêu mà Bộ Công Thương đặt ra cho ngành gỗ là đạt 7,6 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp ngành gỗ phải nỗ lực thâm nhập các thị trường lớn và đổi mới công nghệ.

Trong năm 2015, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,74% so với năm 2014. Hiện, Việt Nam là một trong 6 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới.

(Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh - HAWA ngày 08/3)

Tổng cầu


Đầu tư

Theo dự thảo Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030, dự báo vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp sẽ đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2020 và 8 tỷ USD vào năm 2030. Nguồn vốn FDI sẽ tập trung vào những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế về điều kiện tự nhiên như công nghệ chế biến sâu đối với lúa gạo, sắn, cao su, cà phê, ca cao...

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương, vay vốn Ngân hàng Thế giới do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và điều phối chung. Dự án có tổng mức đầu tư 408,93 triệu USD, gồm 385 triệu USD vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới và 23,93 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để nâng cấp, cải tạo 676 km đường; bảo dưỡng thường xuyên 61.109 km đường tại 14 tỉnh; xây dựng 2.174 cầu dân sinh tại 50 tỉnh từ năm 2016 - 2021. (Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Vốn FDI từ các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2016, các nhà đầu tư Singapore đã đầu tư vào Việt Nam 30 dự án FDI mới và tăng vốn thêm 6 dự án, đưa tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 435 triệu USD, đứng đầu trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của nhà đầu tư Singapore là 23 triệu USD, cao hơn mức bình quân chung của một dự án FDI tại Việt Nam là 13,96 triệu USD. Hiện, Việt Nam đã có 7 khu công nghiệp thu hút được vốn đầu tư của Singapore tại 6 tỉnh: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT)

Quỹ đầu tư 500 Startups của Hoa Kỳ sẽ đầu tư 10 triệu USD cho khoảng 100 - 150 dự án khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000 - 250.000 USD. Trước đó, Quỹ này đã dành riêng một phần vốn để đầu tư cho Việt Nam từ tháng 11/2015 thông qua một quỹ khác tại thị trường Đông Nam Á.

Quỹ 500 Startups thành lập năm 2010, có trụ sở tại Thung lũng Silicon (California, Hoa Kỳ) và hiện quản lý tài sản hơn 240 triệu USD.

(Theo Venturebeat.com)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Thị trường hàng công nghệ điện tử Việt Nam trong quý 4/2015 tăng trưởng 24,1% so với cùng kỳ năm 2014. Mức độ chi tiêu của người tiêu dùng trong việc mua sắm ở 6 trên 7 nhóm ngành hàng đều tăng, bao gồm các nhóm sản phẩm điện thoại, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, công nghệ thông tin... Tổng doanh thu từ điện thoại di động trong năm 2015 đạt 65.666 tỷ đồng, tăng 31,9% so với năm 2014. (Theo Công ty Nghiên cứu thị trường GfK TEMAX Việt Nam)

Xuất nhập khẩu

Nhập siêu giai đoạn 2011 - 2015 tương đương 1,93% kim ngạch xuất khẩu, giảm so với mức 22,4% giai đoạn 2006 - 2010 nhờ đóng góp đáng kể của doanh nghiệp FDI, nhất là Samsung Vietnam với mức xuất siêu tăng mạnh, từ 3,9 tỷ USD năm 2013 lên 6,5 tỷ USD năm 2014 và 11,1 tỷ USD năm 2015. (Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011- 2015)


Việt Nam có thể sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN trong năm 2016. Năm 2015, mặc dù thương mại toàn cầu tiếp tục suy thoái nhưng thương mại Việt - Trung vẫn tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc tại ASEAN sau Malaysia, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.

Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Trung Quốc đạt 95,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 66,1 tỷ USD, tăng 3,8% năm 2014, nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, tăng 49,1%.

(Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam ngày 08/3)

Năm 2015, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Australia đạt 4,93 tỷ USD, giảm 19% so với năm 2014.Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt 2,91 tỷ USD, giảm 27,2%. Nhập khẩu của Việt Nam từ Australia đạt 2,02 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, năm 2015, Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 900 triệu USD sang Australia. Trong năm 2015, điện thoại các loại và linh kiện trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Australia với kim ngạch đạt 579,8 triệu USD, tăng 32,5% so với năm 2014.

Do giá dầu thô giảm mạnh, năm 2015 là năm đầu tiên xuất khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ đứng thứ hai trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Australia.

(Theo Tổng cục Hải quan)

Tháng 01/2016, xuất khẩu điều đạt 24.000 tấn, trị giá 183 triệu USD, tăng 9% về lượng và tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường khác có giá trị tăng mạnh gồm: Đức, Anh, Thái Lan. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Xuất khẩu các sản phẩm philê/thăn cá ngừ của Việt Nam trong tháng 01/2016 tăng trưởng hơn 68% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi các sản phẩm khác đều giảm. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng 01/2016 đạt hơn 18 triệu USD, tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Theo Tổng cục Hải quan)

Khối lượng gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1 triệu tấn, tương đương 445 triệu USD, gấp gần hai lần về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, nhờ xuất khẩu sang Indonesia và Philippines khá thuận lợi cùng với nhu cầu nhập khẩu mới từ Trung Quốc nên giá lúa gạo trong nước tiếp tục tăng thêm 50 - 150 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 360 - 370 USD/tấn, giá gạo cùng loại của Thái Lan cũng đang ở mức giá trên. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 08/3)

Cân đối vĩ mô


Tín dụng

Sau hơn một năm triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng để ngư dân đóng mới 365 tàu và nâng cấp 20 tàu, với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng. Mức cho vay từ 60% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá. Giải ngân và dư nợ đạt gần 2.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động. Từ tháng 6/2015 đến nay, việc ký kết các hợp đồng tín dụng của ngư dân đã tăng lên đáng kể, với số lượng hợp đồng tín dụng được ký kết tăng gấp 5 lần so với thời điểm ngày 30/6/2015. (Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 07/3)

Giá vàng

Tính chung cả tuần, giá vàng SJC giảm bình quân 80 - 120 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (12/3), giá vàng SJC được giao dịch ở mức:

- Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn: giá vàng SJC giảm mạnh, tại thành phố Hồ Chí Minh: 33,62 - 33,92 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội: 33,62 - 33,94 triệu đồng/lượng, giảm 290 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Công ty DOJI: 33,74 - 33,82 triệu đồng/lượng, giảm 230 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 33,75 - 33,82 triệu đồng/lượng, giảm 230 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tỷ giá

Tính chung cả tuần, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh giảm 20 nghìn đồng/USD. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/3), tỷ giá được các ngân hàng mua bán ở mức:

- Vietcombank và BIDV: 22.255 - 22.325 đồng, không đổi so với phiên giao dịch sáng ngày 11/3.

- ACB: 22.260 - 22.320 đồng/USD.

- Eximbank: 22.260 - 22.320 đồngUSD.

- DongABank: 22.260 - 22.320 đồng/USD.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong tháng 02/2016, có 3 phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), với tổng khối lượng cổ phần chào bán của các phiên đấu giá đạt hơn 18,7 triệu cổ phần:

- Số lượng cổ phần đăng ký mua hợp lệ đạt 21,7 triệu đơn vị và vượt 16% so với khối lượng cổ phần chào bán.

- Số cổ phần trúng giá đạt gần 12,4 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 133,8 tỷ đồng, cao hơn 1,9 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.

Về hoạt động đăng ký giao dịch của các công ty đại chúng, thị trường UpCoM đã có thêm 4 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch mới (CMP, RBC, TND, CXH) đồng thời nâng tổng số cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UpCoM lên 267 mã cổ phiếu.

(Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX)


Tính đến cuối tháng 02/2016:

- Số lượng tài khoản giao dịch trong nước là 1.567.738 tài khoản, trong đó: Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 1.561.004 tài khoản; số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư có tổ chức là 6.734 tài khoản.

- Số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài là 17.989 tài khoản, trong đó: Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 15.683 tài khoản; số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư có tổ chức là 2.306 tài khoản.

(Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - VSD)

Trái phiếu

Trong tuần, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành.

- Ngày 09/3, gọi thầu 9.000 tỷ đồng TPCP gồm 3 loại kỳ hạn 3 năm (2.000 tỷ đồng), 5 năm (6.000 tỷ đồng) và 20 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 1.250 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,55%/năm.

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 3.210 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,35%/năm.

+ Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 110 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,75%/năm.

- Ngày 10/3, gọi thầu 1.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 30 năm và đã huy động được 1.401,03 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 8%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 10/3/2016, KBNN đã huy động thành công 53.839,93 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu


Trong tuần từ 7 - 11/3/2016, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả 2 sàn, cụ thể:

+ VN-Index: Tăng 0,63%, lên 577,26 điểm với giá trị 12,1 tỷ đồng, khối lượng đạt 726 triệu cổ phiếu.

+ HNX-Index: Tăng 0,51%, lên 80,06 điểm với giá trị 2,9 tỷ đồng, khối lượng gần 271 triệu cổ phiếu.

Trong tuần từ 7 - 11/3/2016, khối ngoại mua ròng khoảng 175,62 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch đạt gần 11 triệu cổ phiếu trên cả 2 sàn. Cụ thể:

+ HOSE:Khối ngoại mua ròng hơn 126,6 tỷ đồng, khối lượng gần 8,3 triệu cổ phiếu.

+ HNX:Khối ngoại mua ròng gần 49,02 tỷ đồng, khối lượng gần 2,7 triệu cổ phiếu.

Bất động sản

Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực bất động sản thì tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho lĩnh vực này là 478 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn. Vốn tín dụng, đầu tư của hệ thống ngân hàng cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng mạnh.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, thị trường bất động sản đã có đà phục hồi tốt, đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng và quản lý chặt chẽ thị trường.

(Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 08/3)

Chính sách

Thông tư số 39/2016/TT-BTC
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 39/2016/TT-BTC vào ngày 01/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC, quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước; có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2016.

- Đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên, mức tạm ứng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán năm.

- Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị dưới 20 triệu đồng, mức tạm ứng theo tiến độ thực hiện và theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách.

- Đối với các dự án có tổng mức vốn đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, việc quản lý, kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016.

- Các dự án có tổng mức vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng, mức tạm ứng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết.

Thông tư số 14/2016/TT-BTC

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2016/TT-BTC vào ngày 20/01/2016 hướng dẫn cơ chế tài chính khi các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, cân đối cung cầu cho nền kinh tế; có hiệu lực kể từ ngày 07/3/2016.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị nếu thỏa mãn các điều kiện về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với diện tích đất sử dụng đúng mục đích, nhiệm vụ chính trị theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung.

Quyết định số 282/QĐ-NHNN

Ngày 09/3/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 282/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Kế hoạch này nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống ngân hàng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn II (2016 - 2020), Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống ngân hàng ổn định, bền vững, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Kếhoạch đã đề ra nhiệm cụ cải cách hành chính trên các mặt sau: (i) Cải cách thể chế; (ii) Cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (gồm cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo cải cách, đổi mới thủ tục giao dịch của các ngân hàng thương mại); (iii) Cải cách tổ chức bộ máy; (iv) Cải cách công vụ, công chức; (v) Cải cách tài chính công; (vi) Hiện đại hóa hành chính; (vii) Tuyên truyền cải cách hành chính; (viii) Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính.

Quyết định của Bộ Công Thương

Theo quyết định của Bộ Công Thương ký ban hành ngày 7/3, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ tạm thời, lần lượt là 23,3% và 14,2%, trong khoảng thời gian từ ngày 22/3/2016 đến hết ngày 7/10/2016.

Từ ngày 25/12/2015, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, và được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Sản phẩm bị áp thuế tự vệ tạm thời gồm: phôi thép hợp kim và không hợp kim và các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim, bao gồm: thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam.