Sự kiện nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2023
Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa công bố những sự kiện nổi bật của hệ thống trong năm 2023 với những điểm nhấn như: thực hiện cải cách hành chính (CCHC); triển khai thành công ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông; tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu về Chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2030;...
Triển khai thành công Chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông cho các đơn vị sử dụng ngân sách
Tháng 4/2023, KBNN đã triển khai chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Tính đến ngày 07/12/2023, có tổng cộng 39.306 đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) đã uỷ quyền để KBNN thực hiện thanh toán số tiền hơn 1.367 nghìn tỷ đồng cho dịch vụ điện, nước và 175 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông trên toàn quốc.
Sau khi uỷ quyền cho KBNN, ĐVSDNS không cần lập hồ sơ thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các hoá đơn của ĐVSDNS sẽ được KBNN tự động thanh toán ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ, qua đó đã giảm đáng kể số lượng hồ sơ giao dịch (ước tính giảm được tổng số 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng), giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Do ngày thanh toán được ấn định trước, việc triển khai chương trình góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo ngân quỹ. Đồng thời, các nhà cung cấp phối hợp với KBNN cũng được hưởng lợi từ chương trình do dòng tiền được lưu thông nhanh chóng, chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.
KBNN tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ
Thời gian qua, cùng với quá trình chuyển đổi số và sự triển khai quyết liệt công tác CCHC của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, hệ thống KBNN luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào hoạt động CCHC của ngành Tài chính.
Việc đẩy mạnh CCHC theo quan điểm hành chính phục vụ và thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý thu, chi NSNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch; gắn với việc tăng cường ứng dụng CNTT và đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý; thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN được cải cách theo hướng vừa lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ công của KBNN, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của KBNN; tổ chức bộ máy của KBNN được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược, lộ trình cải cách và hiện đại hóa hoạt động KBNN.
Công tác hiện đại hóa hành chính được KBNN triển khai quyết liệt và đồng bộ cả trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ. Với những kết quả đạt được nêu trên, trong nhiều năm liên tiếp, KBNN đều đứng ở vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối Tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác CCHC. Mức độ hài lòng của các đơn vị, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN năm 2023 đạt từ 95% trở lên (cụ thể đợt 1/2023 đạt 95%, đợt 2/2023 đạt 95,85%).
Hoàn thành công tác lập Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021 đảm bảo chất lượng và tiến độ
Công tác quyết toán NSNN và BCTCNN năm 2021 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có nhiều nội dung phức tạp, phải báo cáo, giải trình với các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự quyết tâm, cố gắng khắc phục khó khăn của công chức KBNN, hệ thống KBNN đã hoàn thành công tác lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 và BCTCNN toàn quốc năm 2021 trình các cấp có thẩm quyền theo đúng thời hạn quy định.
Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đã được Quốc hội đồng ý phê chuẩn đúng thời hạn với tỷ lệ cao (95,75%). BCTCNN toàn quốc năm 2021 đã bổ sung số liệu tài liệu tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, thủy lợi; bổ sung thuyết minh tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng; bổ sung thuyết minh về tài sản cố định đặc thù.
Chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành NQNN tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống
Thông qua hệ thống tài khoản thanh toán tập trung cuối ngày làm việc, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước trên các tài khoản của KBNN tại địa phương được tập trung về trung ương tại Ngân hàng Nhà nước, giúp KBNN chủ động trong công tác điều hành ngân quỹ nhà nước; đồng thời, hỗ trợ hiệu quả NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ.
Bám sát diễn biến tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, KBNN đã tổ chức điều hành và sử dụng NQNN theo quy định của pháp luật và phương án đã được Bộ Tài chính phê duyệt đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu thanh toán, chi trả (bằng nội và ngoại tệ) của NSNN và các đơn vị giao dịch; đồng thời, đã tổ chức triển khai các nghiệp vụ sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi theo hướng ưu tiên sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSTW vay, phần còn lại được đầu tư trên thị trường tiền tệ thông qua hình thức gửi có kỳ hạn tại NHTM và mua lại có kỳ hạn TPCP, góp phần tăng thêm nguồn thu cho NSNN từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Tính đến tháng 12/2023 đã nộp 6.815 tỷ đồng vào NSTW từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ.
Tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030
KBNN luôn nhận thức và xác định, bên cạnh sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, điều quan trọng không thể thiếu đó là sự chung tay, đồng tâm nhất trí của từng công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống KBNN, đặc biệt là thế hệ thanh niên, chủ nhân tương lai của Kho bạc số. Do vậy, Tổng Giám đốc KBNN đã chỉ đạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chức, viên chức, người lao động nói chung và thế hệ trẻ Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong hệ thống KBNN nói riêng để từ đó hiểu đúng, nói đúng và làm đúng theo các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Cuộc thi đã lan toả sâu rộng nội dung của Chiến lược trong toàn hệ thống, rất nhiều đề xuất, giải pháp có giá trị đối với các hoạt động nghiệp vụ KBNN. Qua cuộc thi đã cho thấy nhiệt huyết, khát vọng cống hiến của công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống KBNN ở mọi lứa tuổi, từ những công chức trẻ mới vào ngành cho đến các công chức đã có kinh nghiệm công tác lâu năm. Bên cạnh đó, truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống KBNN lại được phát huy và thể hiện rõ nét trong suốt quá trình tổ chức cuộc thi, đó là những tín hiệu đáng mừng, báo hiệu cho sự thành công ban đầu của việc xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Tổ chức thành công Đoàn đại biểu hệ thống KBNN đi thăm và làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/20
Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 2023), Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức đoàn công tác số 13 với 226 đại biểu, trong đó đoàn công tác của KBNN vinh dự được lựa chọn 76 đại biểu là cán bộ, công chức tiêu biểu trong toàn hệ thống KBNN do đồng chí Đinh Mạnh Tuấn – Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ cơ quan KBNN Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra KBNN làm Trưởng đoàn, khởi hành từ cảng quốc tế Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa đi thăm, động viên và làm việc với quân, dân huyện đảo Trường sa và Nhà giàn DK1/20 từ ngày 18/5 đến ngày 23/5/2023. Trong suốt hành trình đi thăm quân và dân tại các đảo và Nhà giàn DK1/20 thuộc huyện đảo Trường Sa đoàn KBNN đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp, thắm đượm tình quân dân; cùng chung tay gìn giữ biển trời, hải đảo của tổ quốc.