Hà Nội khôi phục đà tăng trưởng kinh tế

Theo nhandan.vn

Năm nay, hầu hết các hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021) của TP. Hà Nội được chuyển sang hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp để bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Tuy vậy, không khí náo nức, phấn chấn vẫn lan tỏa ở Thủ đô, khi thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhịp sống sôi động của một trung tâm kinh tế lớn đã trở lại trên địa bàn Thành phố.

Trên công trường thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Huy
Trên công trường thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Huy

Những ngày này, trên các công trường thi công dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội, người lao động vừa nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, vừa tranh thủ tăng ca, tổ chức nhiều mũi thi công để bảo đảm tiến độ công trình. 

Nhịp sống mới ở Thủ đô

Tại dự án cầu Vĩnh Tuy 2, 11 đơn vị đồng loạt tổ chức 11 mũi thi công, huy động 552 công nhân làm việc ba ca, bốn kíp, 24/24 giờ. Đến nay, cả 5 gói thầu xây lắp chính của dự án đã được triển khai, các đơn vị đã khoan được 495 cọc khoan nhồi, đổ bê-tông 33 bệ trụ; đúc 81 phiến dầm. Hạng mục phức tạp nhất là khoan cọc nhồi bốn trụ cầu trên sông Hồng đang được gấp rút thực hiện.

Tất cả máy móc, thiết bị khoan cọc được tập trung trên các hệ nổi với 10 sà-lan, mỗi trụ hai sà-lan loại từ 800 đến 1.700 tấn, trong đó một sà-lan dành riêng để đặt trạm cấp bê-tông. Giám đốc Ban điều hành Dự án - Công ty Trung Chính phụ trách gói thầu số 1, Lê Linh cho biết, nhà thầu đã có những phương án dự phòng để ứng phó với mùa mưa lũ. Trong điều kiện lũ lên cao, nếu cần thiết vẫn có thể thi công trụ cầu an toàn, bảo đảm tiến độ dự án.

Trên công trường dự án đường vành đai 2 trên cao, các đơn vị đang tăng tốc thi công các trụ bê-tông để phục vụ công tác đổ dầm đoạn từ ngã tư Bạch Mai - Minh Khai đến Ngã Tư Vọng. Việc hoàn thiện cải tạo mặt đường dưới thấp cũng được tiến hành đồng thời với đoạn đường trên cao.

Tại công trường cùng lúc có hơn 500 cán bộ, công nhân làm việc, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được ưu tiên hàng đầu. Để kịp hoàn thành đúng tiến độ dự án, các nhà thầu chủ động triển khai nhiều mũi thi công. Anh Lê Văn Trường, công nhân đang thi công tại đây phấn khởi cho biết: “Tôi rất vinh dự khi được góp phần nhỏ bé vào một trong những công trình giao thông lớn của Thủ đô. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào đầu năm 2023 để cải thiện hạ tầng giao thông cho thành phố”.

Sau hai tháng hoạt động cầm chừng, những ngày gần đây, các nhà máy, công xưởng tại Hà Nội lại rộn ràng tiếng máy, tăng tốc sản xuất để kịp hoàn thành các đơn hàng. Tại Cụm công nghiệp Dương Liễu (huyện Hoài Đức), đến ngày 7/10, tất cả người lao động của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Minh Tâm đã trở lại làm việc. Đại diện doanh nghiệp cho biết, tuy chưa có thêm nhiều đơn hàng mới, nhưng công ty vẫn sẵn sàng vận hành 100% công suất và tích cực khai thác thị trường để nâng sức tiêu thụ sản phẩm.

Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động khai báo y tế trước khi vào làm việc, luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ đúng khoảng cách quy định trong quá trình làm việc, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người giao nhận hàng, nhân viên và các đối tác. Vừa chống dịch hiệu quả, công ty vừa đẩy mạnh đầu tư máy móc, trang, thiết bị tự động để nâng cao năng suất, đáp ứng các đơn hàng.  

Trong khu vực trung tâm thành phố, đường phố tấp nập, đông vui khi các cửa hàng mở cửa kinh doanh trở lại. Chị Nguyễn Thị Sinh, chủ cửa hàng ăn trên phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Dù mới chỉ được bán hàng mang về, nhưng chúng tôi cũng rất mừng. Lượng khách không bằng trước đây, lãi ít hơn, nhưng được làm việc, có thu nhập, cho nên ai cũng phấn khởi”. Các trung tâm thương mại thu hút khá đông khách đến tham quan, mua sắm. Các quy định về phòng, chống dịch được các điểm mua sắm tuân thủ nghiêm. Giám đốc Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên) Vũ Đức Đồng cho biết: “Ban quản lý trung tâm thương mại yêu cầu toàn bộ nhân viên các gian hàng khi trở lại làm việc phải hoàn thành tiêm tối thiểu một mũi vắc- xin phòng COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2”.

Trong tháng 9/2021, Hà Nội đã có 922 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 161% so tháng trước. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động giảm mạnh so với tháng 8/2021. Để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương Hà Nội phối hợp các đơn vị, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo mức độ khống chế dịch bệnh trên từng địa bàn. Cụ thể, ở khu vực có nguy cơ thấp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; khu vực có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… 

Huy động các nguồn lực hoàn thành mục tiêu của năm 2021 

Việc cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở lại nền kinh tế đã tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân tại Hà Nội phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thành phố đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế quý IV đạt 6,98%, cả năm 2021 đạt 4,54%. Kịch bản 2 tăng trưởng kinh tế quý IV tăng 5,15% và cả năm 2021 đạt 3,97%.

Sau “cơn bão” lớn, khó khăn vẫn còn bủa vây, nhưng thành phố quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 4,54%, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2022 và các năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu nêu trên, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ, từ nay đến cuối năm 2021, thành phố tập trung thực hiện ba nhiệm vụ chính gồm: tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt hơn 95% kế hoạch năm 2021; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. 

Là một trong năm ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, trước tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, ngành du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô gắn với phòng, chống dịch COVID-19 từ nay đến cuối năm 2021. Kế hoạch có bốn giai đoạn mở cửa du lịch, trong đó, trong tháng 10 cho phép một số cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện được hoạt động trở lại, chủ yếu phục vụ khách nội tỉnh.

Nếu dịch bệnh được khống chế tốt, ngành du lịch sẽ tiếp tục chuyển sang đón khách từ các địa phương khác. Các doanh nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện và chuẩn bị chào bán các tour du lịch mới. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết: “Các doanh nghiệp chú trọng đến những tour du lịch “xanh” là những tour du lịch an toàn khi nguy cơ dịch bệnh chưa chấm dứt hoàn toàn, gồm các yếu tố: Điểm đến xanh, doanh nghiệp xanh, lưu trú xanh…

Nhiều doanh nghiệp đã kết nối với các cơ sở lưu trú, điểm tham quan để hình thành những tour du lịch mới, chủ yếu là du lịch trong khoảng cách gần, theo nhóm nhỏ. Thí dụ như Công ty Lữ hành Hanoitourist chuẩn bị tour xe tự lái đến làng cổ Đường Lâm, chùm tour khám phá, trải nghiệm “đặc sản” mùa thu Hà Nội cũng như mùa thu tại nhiều tỉnh miền bắc. Sở Du lịch Hà Nội đã làm việc với một số địa phương như: Ninh Bình, Hà Giang, Quảng Ninh… để sẵn sàng triển khai các hoạt động du lịch liên tỉnh khi điều kiện cho phép.

Cùng với ngành du lịch, các ngành thương mại- dịch vụ; sản xuất công nghiệp, chế biến; công nghiệp xây dựng; vận tải và nông nghiệp cũng đang xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển, trên nguyên tắc giữ vững thành quả chống dịch COVID-19, từng bước thiết lập trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch, đồng thời tập trung phát triển kinh tế.

TP. Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Hội nghị lãnh đạo thành phố gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Thành lập bốn tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị; bảo đảm nguồn thu, thúc đẩy giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.

Tất cả nhằm gỡ các “nút thắt”, huy động các nguồn lực trong xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 của Thành phố ở mức cao nhất.