Hà Nội nới lỏng giãn cách, liệu sốt đất có quay trở lại?
Thị trường bất động sản được đánh giá đang sôi động trở lại kể từ thời điểm Hà Nội nới lỏng giãn cách. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại có thể hình thành đợt sốt đất mới.
Cẩn trọng sốt đất lặp lại
Gần 2 năm qua, diễn biến thị trường bất động sản phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh. Thực tế, kết thúc mỗi đợt bùng phát dịch, thị trường bất động sản luôn có sự phục hồi rất nhanh chóng. Đơn cử như cuối năm 2020, đầu năm 2021 khi đợt dịch lần thứ 3 được kiểm soát, thị trường chứng kiến những cơn sốt đất rình rang diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Chỉ khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơn sốt đất mới dần hạ nhiệt.
Ngay sau đó, thị trường lại đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 nên có sự chững lại nhất định, tuy nhiên nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn lớn, đặc biệt là khi các nhà đầu tư F0 đang không ngừng gia nhập thị trường. Do đó giai đoạn này, thị trường được ví như chiếc lò xo, càng bị nén thì sức bật sẽ càng mạnh.
Chính vì thế, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, các hoạt động kinh doanh quay trở lại, nhiều chuyên gia nhận định thời gian tới, hiện tượng sốt đất rất có thể tiếp tục diễn ra trên thị trường.
“Ngay sau khi có thông tin mở cửa chính thức trở lại, số lượng mua và thuê bất động sản đã tăng vọt trở lại. Điều này thể hiện mức độ quan tâm và nhu cầu của thị trường đối với nhóm ngành bất động sản đang rất lớn”, một chuyên gia bất động sản đánh giá.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, câu chuyện sốt đất không phải mới mà luôn diễn ra, hết cơn sốt này sẽ hình thành cơn sốt khác theo nhịp thị trường và thị trường cũng đã trải qua không ít lần sốt đất trong quá khứ.
“Do đó, việc những đợt sốt đất khác có diễn ra nữa hay không, câu trả lời chắc chắn là có bởi bản thân nó là hiện tượng thường xuyên, luôn phổ biến, nhất là ở những khu vực đang có xu hướng phát triển hoặc những khu vực đang phát triển về hạ tầng hay có quy hoạch mới”, ông Kiệt cho biết.
Còn theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, khi độ phủ vắc-xin lên tới 70 - 80%, mọi hoạt động sẽ cơ bản quay trở lại bình thường. Khi nhu cầu đầu tư bất động sản còn cao, tình trạng sốt đất sẽ tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong việc đưa thị trường bất động sản quay trở lại quỹ đạo phát triển nằm ở yếu tố tâm lý. Các chủ đầu tư cũng phải tính toán lại thời điểm công bố các dự án để kinh doanh khi nhu cầu, thu nhập của khách hàng đã thay đổi sau thời gian dịch bệnh.
Vị chuyên gia phân tích, trong 3 tháng trở lại đây, dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, thị trường khó khăn hơn, nhưng độ thấm vẫn chưa thể hiện rõ. Thời gian tới sẽ có hai trạng thái. Một là khi cải thiện được tình hình, hai là tiếp tục sẽ có những khó khăn khi thị trường bắt đầu “thấm đòn”.
“Nếu cải thiện được tình hình thì tôi tin, bất động sản vẫn là thị trường rất thu hút và sẽ có cơn sốt nhẹ. Nhưng nếu vẫn chưa vượt qua được ngưỡng tâm lý và còn khó khăn hơn, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng”, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, mức độ quan tâm của thị trường không đồng nghĩa với việc nền kinh tế gặp khủng khoảng mà chỉ ảnh hưởng từ chỉ thị giãn cách khiến các nhà đầu tư không được đi xem trực tiếp để ra quyết định. Bởi các nhà đầu tư đều có niềm tin vào thị trường sẽ tiếp tục tăng và một bộ phận đầu tư bất động sản vẫn luôn mong muốn xảy ra các “cơn sốt đất” để kiếm lời.
Chưa kể, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến thị trường dậy sóng khi xã hội quay trở lại cuộc sống bình thường mới vì nhu cầu của khách hàng đã bị nén chặt suốt thời gian qua. Tiến độ thi công chậm cùng quá trình cấp phép xây dựng bị siết chặt khiến thị trường ngày càng hiếm các dự án chất lượng với đầy đủ pháp lý. Và theo đúng quy luật cung cầu, khi phía cầu nặng hơn, việc mặt bằng giá bị đẩy lên là xu hướng tất yếu.
Nhà đầu tư F0 phải hết sức tỉnh táo
Đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến tâm lý nhà đầu tư chuyên nghiệp trở nên vững vàng hơn, chuẩn bị những phương án dự phòng thích hợp sau đợt sốt đất đầu năm. Còn đối với nhà đầu tư mới tham gia thị trường bất động sản, cần phải hết sức tỉnh táo để tránh bị rơi vào những cơn sốt được dự báo sắp xuất hiện trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lý giải nguyên nhân của những đợt sốt ảo, hiện tượng những giao dịch diễn ra vô cùng sôi động tại một vùng thị trường là do có một số nhà môi giới mang tính chất chộp giật, gây nhiễu loạn thông tin truyền thông từ việc đưa tin đồn thổi không được kiểm chứng.
"Các nhà đầu tư cần trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu về phân khúc và sản phẩm trước khi tham gia đầu tư. Bên cạnh đó cần lưu ý rủi ro có thể gặp phải, đặc biệt là tính pháp lý của mảnh đất. Người có nhu cầu mua đất nền vùng ven cũng nên kiểm tra thông tin quy hoạch từ địa phương, tránh đi theo những tin đồn thất thiệt, đầu tư theo tâm lý đám đông để không nhận phải 'trái đắng'", ông Thanh lưu ý.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng cho rằng các nhóm đầu cơ không chỉ có tiền mà có cả “công nghệ” tạo sốt đất. Chẳng hạn, chỉ cần có thông tin về sắp quy hoạch sân bay, nhà đầu tư đã ùn ùn kéo về các khu vực ở Bình Phước với hàng trăm chiếc xe hơi đậu sát trong thời gian rất ngắn. Các giao dịch mua đi bán lại diễn ra liên tục, dù đó hầu hết là giao dịch ảo. Tuy nhiên, sốt đất là có thật. Vì nhiều người quan tâm, nhiều người tụ tập, chỉ cần khoảng 5% người dân mua là khu vực đó sốt.
Ông Nguyễn Lê Hải Đăng, Giám đốc chiến lược của DT Group cho hay, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư F0 cần có đầy đủ thông tin, kiến thức để tham gia cuộc chơi mới có thể xác định được thời điểm tham gia và rút khỏi thị trường.
Cùng quan điểm, chuyên gia CBRE nhấn mạnh, trong mỗi cơn sốt đất, tỷ lệ nhà đầu tư rút không kịp rất nhiều. Theo đó, nếu có ý định ăn theo cơn sốt đất, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định tham gia.