Hòa Bình sẽ sáp nhập 9 chi cục thuế huyện thành 4 chi cục thuế khu vực

Theo Trung Kiên/tapchithue.vn

Đó là thông tin được, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Hòa Bình Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thuế xung quanh việc thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh Hòa Bình.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Thuế TP. Hòa Bình.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Thuế TP. Hòa Bình.

Lãnh đạo Cục Thuế Hòa Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành TW và chủ trương của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về tổ chức lại chi cục thuế theo khu vực, Cục Thuế Hòa Bình đã rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy, hiệu quả công tác quản lý thuế tại các chi cục thuế.

Theo đó, Cục Thuế đã xây dựng Đề án số 734/ĐA-CT về việc thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc. Theo phương án tổ chức chi cục thuế khu vực thì ngay trong năm 2019, sẽ thực hiện sáp nhập Chi cục Thuế Cao Phong với Chi cục Thuế Tân Lạc để thành lập Chi cục Thuế khu vực Cao Phong-Tân Lạc với trụ sở chính sẽ đặt tại huyện Tân Lạc; sáp nhập Chi cục Thuế Lạc Sơn với Chi cục Thuế Yên Thủy để thành lập chi cục Thuế Lạc Sơn-Yên Thủy, trụ sở chính đặt tại huyện Yên Thủy; sáp nhập Chi cục Thuế huyện Kim Bôi với Chi cục Thuế Lạc Thủy để thành lập Chi cục Thuế khu vực Kim Bôi-Lạc Thủy, trụ sở chính đặt tại huyện Lạc Thủy. Trong năm 2020, Cục Thuế sẽ tiếp tục sáp nhập Chi cục Thuế TP Hòa Bình, Chi cục Thuế Kỳ Sơn và Đà Bắc để thành lập một chi cục thuế khu vực.

Dự kiến, tổ chức bộ máy của chi cục thuế khu vực có 6 đội thuế bao gồm đội nghiệp vụ quản lý thuế (thực hiện các chức năng tuyên truyền hồ trợ-nghiệp vụ dự toán-kê khai kế toán thuế-tin học-trước bạ và thu khác); đội hành chính nhân sự tài vụ quản trị, ấn chỉ; đội kiểm tra thuế số 1 (thực hiện cả nhiệm vụ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế); đội quản lý thuế số 2 (thực hiện cả nhiệm vụ kiểm tra nội bộ), cùng 2 đội quản lý thuế liên xã số 1 và số 2.

Cục Thuế cũng đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về chủ trương sắp xếp bộ máy tổ chức, trong đó nêu rõ việc sáp nhập căn cứ vào điều kiện tự nhiên, dân số của từng huyện, cơ sở vật chất, nguồn lực hiện có, trình độ, khả năng quản lý của từng chi cục thuế, cũng như khoảng cách để đảm bảo thuận tiện của người nộp thuế khi giao dịch. Sau khi sáp nhập, cơ cấu tổ chức bộ máy vẫn đảm bảo đầy đủ các chức năng quản lý thuế phí, lệ phí theo đúng quy định.

Cục Thuế Hòa Bình cũng đang tính toán các phương án để không gây xáo trộn lớn đối với tổ chức bộ máy; đảm bảo sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn. Việc bố trí sử dụng cán bộ công chức phải đúng người, đúng việc, tiết kiệm, hợp lý, đảm bảo nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu và hiệu quả công tác.

Để đảm bảo việc sáp nhập chi cục thuế đúng lộ trình tránh những vướng mắc nảy sinh trong và sau quá trình sáp nhập, Cục Thuế Hòa Bình cũng đang triển khai một số giải pháp căn cơ, lâu dài như xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trong phạm vi quản lý; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai mở rộng các dịch vụ thuế điện tử, hỗ trợ người nộp thuế đảm bảo cung cấp cho người nộp thuế phương thức thuận tiện nhất để thực hiện nghĩa vụ thuế. Ban lãnh đạo Cục Thuế cũng công khai các nguyên tắc bố trí sắp xếp nhân sự, làm tốt công tác chính tri, tư tưởng đối với công chức và người lao động, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan, tránh xáo trộn gây ách tắc và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao