Khó dự báo tình hình kinh tế 2009!

Anh Quân (Theo VnEconomy)

Sự có mặt của nhiều giới, từ doanh nhân, đại diện hiệp hội, cán bộ nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan quản lý và luật gia trong buổi tọa đàm “Môi trường kinh doanh 2009: Phân tích và dự báo” khiến thông tin đến từ nhiều góc độ. Tuy vậy, đa số các chuyên gia hàng đầu tham gia buổi tọa đàm đều có chung nhận định, tình hình kinh tế trong năm 2009 rất khó dự đoán.

 Dự báo khó cân đo

Lấy dẫn chứng từ thế giới, PGS. TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cho biết: “Như IMF, từ đầu năm đến này cứ khoảng ba tháng lại điều chỉnh dự báo một lần. Hay như Mỹ cũng không thể đưa ra một dự đoán chính xác về hiện trạng, diễn tiến của cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Ông nói: “Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có tổ chức nào có thể đưa ra một cái nhìn toàn diện và chính xác nhất về quy mô cũng như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này”.

Nguyên nhân dự báo khó chính xác được ông Lược đưa ra: “Cuộc khủng hoảng hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp, những bất ổn về chính trị, mâu thuẫn tôn giáo đang gia tăng trên thế giới. Do đó, việc dự đoán diễn biến của cuộc khủng hoảng này rất khó khăn”.

Về khả năng dự báo trong nước, PGS.TS Trần Đình Thiên - quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Ở nước ta, năng lực dự báo cả ở cấp điều hành vĩ mô lẫn quản trị vi mô đều còn yếu”.

Theo ông Thiên, mặc dù sự cộng hưởng tác động của hai nhóm yếu tố trong và ngoài nước chắc chắn sẽ tạo ra nhiều rủi ro và gây hiệu ứng tiêu cực mạnh đến nền kinh tế nước ta, nhưng tác động mạnh đến mức nào, lĩnh vực nào chịu đến đâu... rất khó lường hết được.

Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì tỏ ra phân vân hơn: “Sự đảo chiều “nóng lạnh” năm 2008 diễn ra liên tục trên tất cả các thị trường. Hiện nay hai khả năng vẫn đang rập rình xảy ra, có thể là lạm phát, có thể là thiểu phát, tỷ lệ là 50-50”.

Ông Nguyễn Minh Phong, Viện Kinh tế - Xã hội Hà Nội, thì chỉ rõ những “lỗi” trong dự báo năm 2008: “Đã có nhiều dự báo không chuẩn xác như dự báo về tỷ giá đồng Đô la, chính sách về gạo, về lãi suất, về giá cả...".

Cũng theo ông, việc dự báo không chuẩn xác đã dẫn đến những “ngộ nhận” về chính sách như: kiềm chế lạm phát hay chống giảm phát, thiểu phát; ngộ nhận về chính sách hạ lãi suất với việc khuyến khích cho vay mở rộng; ngộ nhận về giá cả một chiều, chỉ có tăng, đưa đến những chính sách tiền tệ, thị trường phiến diện…

“Nạn nhân” dễ xác định

Nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm cũng đưa ra dự báo về những lĩnh vực doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.

Khuyến cáo các doanh nghiệp, ông Thiên nhận định: “Đầu tư giảm, bất ổn gia tăng dẫn tới nguy cơ gây giảm phát và suy thoái toàn cầu kéo dài. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vừa mới bắt đầu quá trình khôi phục sau "cơn" lạm phát cao kéo dài, sức còn yếu, gốc "bệnh" chưa được tẩy trừ. Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng sức cùng, lực kiệt lại phải đương đầu với nhiều khó khăn nghiêm trọng hơn”.

Khẳng định khá chắc chắn, ông Võ Đại Lược cho rằng trước mắt cuộc khủng hoảng sẽ khiến thương mại giảm sút do nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn đến việc xuất nhập khẩu tất yếu sẽ giảm, tín dụng ngân hàng giảm xuống do lo ngại rủi ro, trong khi đó ngân hàng vẫn dư thừa tiền và phải chịu chi phí cho các khoản tiền tồn đọng này.

Ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng, do thu nhập của người dân giảm và chính sách thu hẹp chi tiêu. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chịu ảnh hưởng trước tiên là công nghiệp ôtô, sau đến là sắt thép, xây dựng...      

Chia sẻ với những nhận định này, bà Dương Thu Hương cho rằng xuất khẩu sẽ giảm vì thị trường thế giới thu hẹp, sức mua của thế giới suy giảm. Du lịch giảm vì người nước ngoài thất nghiệp nhiều. Giải ngân FDI sẽ rất ít và kinh tế khó khăn.

Đối với hệ thống ngân hàng, bà Dương Thu Hương cho rằng cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng: “Khi doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn. Bằng cảm nhận của mình, tôi cho rằng hoạt động ngân hàng 2009 sẽ khó khăn hơn 2008”, bà Hương nói.

Ngoài những tác động kể trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, còn nhấn mạnh đến khó khăn đem lại từ chính sách: “Về kinh doanh bất động sản, tháng 1/2009 sẽ tính lại giá đất đai. Lương, trợ cấp cũng sẽ tăng lên trong năm 2009. Những thay đổi về chi phí nhân công, giá đất tức là các yếu tố đầu vào sẽ tăng, sức mua sẽ khó khăn”.

Tác động đến các vấn đề xã hội cũng không được loại trừ. Bà Dương Thu Hương cho rằng với sức mua trong nước đang hạn chế lớn và dự báo năm 2008 lạm phát khoảng 25%, công nhân sẽ thất nghiệp nhiều.

Mỗi giải pháp đều có “tác dụng phụ”

Trong lúc vấn đề ngày càng cấp bách, mọi giải pháp dường như chưa nhắm đến đúng nguyên nhân của vấn đề. Hai nguy cơ lạm phát và giảm phát luôn đồng hành trong hệ quả của mỗi giải pháp.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng trong những năm tới, vấn đề lớn nhất là khả năng "đảo chiều" từ xu hướng lạm phát cao sang thiểu phát. “Lạm phát gần đây có giảm, nhưng căn nguyên gây ra lạm phát vẫn còn. Tuy nhiên, thiểu phát là nguy cơ cần được cảnh báo và lường tính đến”, ông nói.

Giá cả thế giới giảm mạnh là thực tế đang diễn ra, bắt nguồn từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Xu hướng này đang tác động trực tiếp và rất mạnh vào nền kinh tế nước ta, theo nhiều kênh, nhiều tuyến khác nhau, có thể gây ra sự đảo chiều nhanh.

Đẩy vấn đề đến mức bi quan hơn, ông Võ Đại Lược cho rằng nghịch lý thực tế diễn ra là tiền thì có nhưng ngân hàng không dám cho vay vì không đủ niềm tin vào tình hình kinh tế và doanh nghiệp.

Bất hợp lý của chính sách cũng được ông Nguyễn Minh Phong nêu ra, rằng chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp hành chính trực tiếp liên quan đến lãi suất, tỷ giá... mà các can thiệp này nhiều lúc ngược với quy trình tự nhiên.

Cố thủ là giải pháp?

Bi quan về viễn cảnh kinh tế 2009, nhiều doanh nghiệp có thể sử dụng chiêu thức “ngủ đông”. Quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hiệp được xem là cách đối phó tình hình chung của khá nhiều doanh nghiệp: “Điều cần thiết lúc này là bảo toàn vốn, “tránh bão” năm 2009”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo các doanh nghiệp nên có cách đối phó tình hình tích cực hơn. Ông Võ Đại Lược cho rằng các doanh nghiệp cần phải thích ứng với “bão”.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cấp cao thì nói một cách triết lý rằng đối phó với cơn bão kinh tế, chúng ta không thế lấy món bất biến ứng với vạn biến. Phải cải cách. Chỉ có cải cách mới phát huy được tình hình hiện nay.
 
Cũng không ít chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng cuộc khủng hoảng này cũng có thể đưa lại những cơ hội lớn cho các quốc gia, doanh nghiệp biết tận dụng nó. Vấn đề là, chúng ta phải làm thế nào để tận dụng được cơ hội từ cuộc khủng hoảng này?

Chủ trương một cái nhìn lạc quan hơn, ông Võ Đại Lược phân tích rằng đầu tư trực tiếp từ nước đạt con số lớn như hiện nay, có thể thấy nước ngoài vẫn “đặt cược” cho triển vọng của Việt Nam.

Theo ông, hiện nay, nguồn vốn thế giới đang rất dồi dào, tuy nhiên do lo ngại rủi ro nên các tổ chức tài chính hạn chế cho vay. Do đó, Việt Nam cần làm nổi bật các cơ hội đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến với mình.

Ở góc nhìn bất lợi trước, giờ đây nhiều chuyên gia cho rằng lại có thể tận dụng. Trong khi sắt thép, xi măng… là những mặt hàng giá cả đang giảm xuống rất thấp, chúng ta có thể đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng các nguyên liệu này.

Nhìn xa hơn về vấn đề nguồn nhân lực, ông Võ Đại Lược cho rằng có thể tận dụng cơ hội này để thu hút nhân tài giá rẻ. “Hiện nay, các tập đoàn lớn đang phải sa thải hàng loạt chuyên gia, các nhà kinh tế… đây là cơ hội để chúng ta thu hút nhân tài”.

Lời khuyên của đa số các chuyên gia là doanh nghiệp nên nhân lúc này nhanh chóng cơ cấu lại các yếu tố như tổ chức, sản xuất, thị trường…, hướng đến người tiêu dùng trong nước. Ở nước ngoài, những thị trường ít chịu ảnh hưởng như Trung Đông, Nam Mỹ... có thể là cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam.