Những vấn đề đặt ra trong giải ngân vốn đầu tư công

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Trong 8 tháng đầu năm 2020, suy thoái kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19 tác động gần như đến mọi mặt của kinh tế - xã hội Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh, một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đình trệ; nhiều doanh nghiệp buộc phải áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí, lao động, việc làm, thậm chí tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô; đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách Chính phủ và các ngành, các cấp đặt ra là cần tập trung phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong đó, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công được xác định là giải pháp tích cực, quan trọng để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế-xã hội.

Kế hoạch và tình hình giải ngân vốn đầu tư công

Về giao kế hoạch

Tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước theo kế hoạch năm 2020 được giao là 470.600 tỷ đồng.

Cụ thể: Vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương chiếm 22,9% tổng số (vốn trong nước chiếm 80,1%; Vốn nước ngoài chiếm 19,9%); Vốn đầu tư của các địa phương là 77,1% tổng số (vốn trong nước chiếm 89,4%; vốn nước ngoài chiếm 10,6%), bao gồm vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương là 69,1% tỷ đồng; Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 30,9%.

Những vấn đề đặt ra trong giải ngân vốn đầu tư công  - Ảnh 1

Việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 khác hơn so với các năm trước, Thủ tướng Chính phủ giao một lần toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước (tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019), theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 đối với từng danh mục dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa tạo nền tảng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong dài hạn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Báo cáo số 5482/BC-BKHĐT ngày 20/8/2020), đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước năm 2020.

Trong đó, có 38 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương giao chi tiết hết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án để giải ngân vốn. Đối với vốn ngân sách địa phương, 18 địa phương thực hiện phân bổ chi tiết vốn ngân sách địa phương bằng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng số vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491,111 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng). Hiện nay, có 09 bộ, cơ quan trung ương và 09 địa phương đề nghị chuyển trả lại kế hoạch để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác với tổng số vốn là 6.338,054 tỷ đồng (vốn trong nước là 341,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 5.996,454 tỷ đồng). Có 07 bộ và 31 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 với tổng số vốn là 13.509 tỷ đồng (trong đó, vốn trong nước là 13.038 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 471 tỷ đồng).

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, việc giao kế hoạch vốn đầu tư công còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:

Vốn ngân sách trung ương:

Hiện nay vẫn còn 05 bộ, cơ quan trung ương (gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và 15 địa phương (gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, TP. Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Đắc Nông, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau) giao chi tiết trên 90% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án để giải ngân, do một số dự án chưa đủ thủ tục đầu tư (chưa được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc chưa có quyết định đầu tư); còn lại 09 bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương giao chi tiết dưới 90% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các dự án để giải ngân vốn.

Vốn ngân sách địa phương:

Có 03 địa phương chưa giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao; 42 địa phương giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương cao hơn so với mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn ngân sách nhà nước năm 2020 còn lại chưa giao chi tiết là 22.081,889 tỷ đồng, trong đó: (i) Số vốn ngân sách trung ương năm 2020 còn lại chưa giao chi tiết là 15.825,738 tỷ đồng, phần còn lại do các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; (ii) Số vốn ngân sách địa phương chưa giao chi tiết là 6.256,151 tỷ đồng.

Về giải ngân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Báo cáo số 5482/BC-BKHĐT ngày 20/8/2020), lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020). Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768,74 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các bộ, ban, ngành, địa phương… tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7/2020 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, có 05 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%. Tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia cũng đạt kết quả quan trọng như:

- Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần đạt tỷ lệ giải ngân cao so với kế hoạch năm 2020, cụ thể: (i) Đối với 03 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu), giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp) đạt 52%; (ii) Đối với 05 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), giải ngân đạt 69%; (iii) Đối với 03 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư công - tư sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), giải ngân đạt 66%. Hiện nay, đã tổ chức phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán; các Ban Quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu, dự kiến khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 9/2020 theo tiến độ đề ra.

- Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế từ 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2020, địa phương sẽ hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất khu vực ưu tiên 1.810 ha trong năm 2020; tiếp tục kiểm đếm, lập phương án bồi thường khu vực còn lại trong năm 2020, bàn giao mặt bằng trong quý II/2021.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Báo cáo số 5482/BC-BKHĐT ngày 20/8/2020), lũy kế giải ngân từ đầu năm đến 31/7/2020 là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm số vốn các năm trước kéo dài sang năm 2020). Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768,74 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt đạt 41,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

- Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: (i) Đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Số vốn 3.895,32 tỷ đồng còn lại sẽ được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; (ii) Đã đăng thông báo mời thầu và dự kiến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế đến ngày 20/8/2020. Phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán vào 15/10/2020 (45 ngày sau khi lựa chọn nhà thầu); (iii) Dự kiến, tổ chức lựa chọn nhà thầu từ ngày 20/10/2020; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng trước 15/12/2020 và khởi công vào cuối năm 2020; thông xe vào năm 2022 và hoàn thành toàn bộ vào quý II/2023.

Mặc dù, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2019, số vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tăng khoảng 20%, nhưng các nguồn vốn tương ứng (như: Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, vốn vay của khu vực nhà nước từ các nguồn khác) đều giảm sâu (từ 8-14%). Đồng thời, vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ cũng chỉ tăng trên dưới 8% so với cùng kỳ năm 2019. Những chỉ số này cho thấy, dường như giải ngân vốn đầu tư công chưa đi vào thực chất, chưa tạo hiệu ứng kích thích các dòng vốn khác của khu vực nhà nước gia tăng.

Bên cạnh đó, vẫn còn có 29 bộ, cơ quan trung ương và 06 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Số vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 chậm, đạt 31,71% tổng số vốn kéo dài (tổng số vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 97.017,151 triệu đồng, đến nay mới giải ngân được 30.766,822 triệu đồng), trong khi theo yêu cầu tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải chỉ đạo chủ đầu tư giải ngân hết số vốn kéo dài này trong tháng 8/2020.

Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành: Luỹ kế giải ngân đến hết tháng 8/2020 mới đạt 13,82% kế hoạch được giao do một số khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án. Như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đã giao cho Dự án hiện ở mức rất thấp và khả năng khó hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 1.810 ha đất, giải ngân hết kế hoạch vốn đã giao và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của Dự án trước năm 2021 theo quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội.

Nguyên nhân dẫn tới chậm giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công

Có thể thấy, việc chậm trễ trong công tác giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2020 do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, tựu chung là do một số nguyên nhân cụ thể sau:

Thứ nhất, do sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của Chính phủ; hoặc của các cơ quan thuộc Chính phủ; hoặc là sự chậm trễ trong thực hiện các quy định của cơ các quan trung ương và địa phương.

Những vấn đề đặt ra trong giải ngân vốn đầu tư công  - Ảnh 2

Thứ hai, còn có tâm lý né tránh, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số các cấp, các ngành đặc biệt là người đứng đầu trong quá trình giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công. Điều này dẫn đến sự chậm trễ tìm ra các giải pháp quyết liệt để giải quyết rốt ráo, dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc.

Thứ ba, những giải pháp của Chính phủ mặc dù đã khá toàn diện, nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm, nên chưa tạo ra được sự chuyển biến rõ nét.

Ngoài các nguyên nhân trên, tác động và hậu quả của dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội nước ta rất lớn và chưa dừng lại cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều giảm hoặc tăng thấp, nhất là sức cầu nội địa; xuất, nhập khẩu; thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân; tăng trưởng tín dụng; mục tiêu bảo vệ lao động, việc làm khó đạt được trong khi thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội cần sớm có giải pháp khắc phục đồng bộ.

Về các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế của Nhà nước đưa ra đến nay tương đối toàn diện, có mục đích cụ thể và đúng đối tượng. Tuy nhiên, một số chủ trương, chính sách, nhất là trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa phát huy tác dụng, trên thực tế do chậm thể chế hóa, chưa được tổ chức triển khai kịp thời, quyết liệt...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, cần tạo bước đột phá về đầu tư công trên cơ sở tháo gỡ mọi rào cản, vướng mắc về mặt thể chế, nhất là quy trình, thủ tục, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân... Kiên quyết xử lý, thay thế các nhà thầu không đủ năng lực triển khai hoặc không đáp ứng cam kết về tiến độ triển khai dự án. Xác định rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức trong việc không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công…

 

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2019), Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngầy 12/11/2019 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;
2. Quốc hội (2019), Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020;
3. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;
4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo tình hình triển khai giải ngân kế hoạch đầu tư công 8 tháng năm 2020;
6. Ban Kinh tế Trung ương (2020), Báo cáo Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2020.