Lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 12/7, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tham dự Hội thảo có đại diện của Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, đại diện của Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính các tỉnh và đại diện của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phía Nam.

Lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: mof.gov.vn

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc tổ chức Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm mục đích khắc phục những bất cập, tồn tại trong cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tại Hội thảo, Bộ Tài chính đã nhận được những ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật, trong đó hầu hết các ý kiến thảo luận đã bao quát được toàn bộ hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, nâng cao quyền, trách nhiệm thực hiện giám sát các vấn đề này. Cũng tại Hội thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất và đưa ra một số nhóm vấn đề cần tiếp tục trao đổi trong quá trình xây dựng Luật, cụ thể như:

Một là, về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (lấy ý kiến đối với việc đưa ra tên gọi của Luật là Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp).

Hai là, quan điểm về vốn nhà nước (vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp là vốn mà Nhà nước cấp từ ngân sách hoặc từ các quỹ tài chính tập trung của nhà nước).

Ba là, nguyên tắc, phạm vi và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước (có nên quy định trong dự thảo Luật theo hướng hạn chế đầu tư thành lập doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà chỉ nên đầu tư mới hoặc bổ sung để phát triển các doanh nghiệp hiện có theo chiều sâu, tập trung vào các ngành, lĩnh vực nhà nước cần độc quyền, các ngành công nghệ cao, tạo động lực cho sự phát triển toàn nền kinh tế, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích cho xã hội).

Bốn là, việc thu hồi vốn nhà nước từ cơ cấu lại, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thu từ lợi nhuận sau thuế đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (cần quy định cơ chế, tỷ lệ phân phối hài hòa đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động).

Năm là, mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước (nên theo mô hình tập trung, phân tán hay hỗn hợp như hiện nay).

Sáu là, giám sát vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (cần phân định rõ đối tượng giám sát của Quốc hội và chủ sở hữu; nội dung giám sát của doanh nghiệp).

Theo kế hoạch triển khai công tác xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.