Tận dụng thời cơ mới cho xuất nhập khẩu Việt Nam

Minh Nam - Văn Dũng

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố mới xuất hiện như: Đại dịch COVID-19, xu thế bảo hộ thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Thực tế này đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần có thêm giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng được những thời cơ mới.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh

Với việc đưa ra hàng loạt giải pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, hoạt động XNK Việt Nam đã giữ được đà tăng trưởng khá, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Hải quan, ước 9 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá XNK hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 483,2 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%; tổng trị giá nhập khẩu đạt khoảng 242,65 tỷ USD, tăng 30,5%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt trong 9 tháng là 2,13 tỷ USD.

Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/9/2021 đạt 285.624 tỷ đồng, bằng hơn 90% dự toán được giao, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020.

Về kim ngạch xuất khẩu, hầu hết trị giá xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực đều tăng. Theo thống kê, gỗ và sản phẩm gỗ có tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt mức cao nhất với tổng trị giá 11,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020. 2 nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da giày và clanhke, xi măng có tổng kim ngạch xuất khẩu lần lượt là 1,458 tỷ USD và 1,2 tỷ USD, đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2020. 

Về các mặt hàng nhập khẩu được nhập về 9 tháng đầu năm 2021, chủ yếu đều là nguyên liệu sản xuất và vẫn tăng mạnh dù dịch COVID-19. Đó là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ước tính đến hết tháng 9/2021, cả nước nhập khẩu nhóm mặt hàng này lên đến 53,69 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2020. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cũng được nhập tới hơn 35 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Với điện thoại các loại và linh kiện, cả nước đã chi 14,49 tỷ USD để nhập khẩu nhóm sản phẩm này, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chất dẻo nguyên liệu ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu mặt hàng này của cả nước là 5,4 triệu tấn, trị giá hơn 9 tỷ USD; tăng hơn 11% về lượng và 50,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ôtô nguyên chiếc có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn cả về số lượng và trị giá nhập khẩu so với các nhóm mặt hàng khác. Ước tính đến hết tháng 9/2021, cả nước nhập 112.000 ôtô các loại, trị giá đạt 2,51 tỷ USD, tăng 67,9% về lượng và 69% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.  

Tranh thủ thời cơ mới, tiếp tục duy trì thế mạnh xuất khẩu

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động XNK sẽ tiếp tục đối diện với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều, cụ thể: Yếu tố tác động bất lợi nhất đến hoạt động XNK là tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát trên thế giớ: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sụt giảm sâu nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái 1929-1930; Xu hướng suy yếu của hoạt động thương mại toàn cầu xuất hiện trong cả hoạt động XNK ở phần lớn các quốc gia trên thế giới khi nhu cầu về hàng hóa, nguyên liệu sản xuất giảm mạnh và các chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn; Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng phá sản DN khắp thế giới; Xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng...

Thực tế trên đặt ra yêu cầu, Việt Nam cần có thêm giải pháp để XNK vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng được những thời cơ mới. Theo đó, các cơ quan quản lý: Cần tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới; Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hỗ trợ DN; Đưa ra những khuyến cáo đối với các cơ quan, DN tham gia XNK, cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách thuế hỗ trợ đối với các DN xuất khẩu.Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến XNK, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về thông tin và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, cảnh báo tình hình tăng trưởng xuất khẩu nóng, dẫn tới nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và chủ động có biện pháp phù hợp để bảo vệ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước, từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu…

Đối với doanh nghiệp XNK, cần đa dạng hóa hơn nữa các đối tác thương mại, giảm thiểu những tác động đến từ một đối tác thương mại cụ thể. Cần có những chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng thông qua việc nghiên cứu, dự báo các nhu cầu. Chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị và sức khỏe tài chính cũng như khả năng thích ứng để vượt qua các thách thức, rủi ro trong hoạt động giao thương quốc tế.

Theo Tổng cục Hải quan, ước 9 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá XNK hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 483,2 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8%; tổng trị giá nhập khẩu đạt khoảng 242,65 tỷ USD, tăng 30,5%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thâm hụt trong 9 tháng là 2,13 tỷ USD.