Tập trung hỗ trợ duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh

PV.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung hỗ trợ việc duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung hỗ trợ việc duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung hỗ trợ việc duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính làm việc với các địa phương để nắm chắc tình hình thu ngân sách, yêu cầu thực tế chi và khả năng đáp ứng của địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch và có phương án giải quyết kịp thời; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm chi thường xuyên theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 8/6/2021 và kịp thời xác định, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trong điều kiện đã kiểm soát được dịch bệnh, tiêm vaccine bao phủ diện rộng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2021; quyết liệt triển khai các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ phù hợp việc duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiểm soát nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan đôn đốc các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay phục vụ kinh doanh, thu mua, chế biến thóc, gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm giảm nhập siêu, cung ứng đầy đủ các loại hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội; mở rộng thị trường trong nước; sớm nghiên cứu, đề xuất triển khai chương trình kích cầu phù hợp. Tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh trái phép, thao túng giá trái quy định của pháp luật. Phát triển lành mạnh thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để hỗ trợ phù hợp, đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm. Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến. Có chính sách phù hợp để ưu tiên một số nguyên, vật liệu cần thiết cho thị trường nội địa. Kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp để từng bước hạn chế nhập siêu, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời, theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nguồn điện và truyền tải điện quan trọng để sớm đưa vào vận hành, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện lớn; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Chỉ đạo triển khai hiệu quả việc giảm giá điện, tiền điện theo các nghị quyết của Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động chỉ đạo điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, thủy sản để tránh thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, các địa phương bảo đảm điều kiện tạo thuận lợi, thông suốt cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đặc biệt tại các địa phương đang giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận tải, lưu thông hàng hóa trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, thông suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch COVID-19; xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, yêu cầu các cơ quan, địa phương bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định không phù hợp, làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xử lý và công bố công khai.