Thu ngân sách từ sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu cốt lõi


Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khẳng định, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi và cơ cấu thu NSNN đã chuyển dịch tích cực hơn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều ngày 22/10. Ảnh: HQ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều ngày 22/10. Ảnh: HQ

Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cùng với tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, tổng thu NSNN những năm qua đã đạt và vượt dự toán đề ra. Dự toán thu được tính trên cơ sở tăng trưởng kinh tế khoảng 6,8% và lạm phát khoảng 4%, nhưng thu ngân sách luôn tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế. 

Trước ý kiến cho rằng thu ngân sách chưa thực sự bền vững khi 3 khu vực của nền kinh tế là thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và thu từ khu vực ngoài quốc doanh chưa đạt dự toán, thu chủ yếu từ tăng tài nguyên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để khắc phục tình trạng trên, trong năm 2018 - 2019, Bộ Tài chính đã từng bước thay đổi, điều chỉnh giảm dự toán để phù hợp với thực tế của các địa phương.

Trong khi đó, nhiều lĩnh vực doanh nghiệp còn khó khăn, năng lực sản xuất chưa ổn định, đặc biệt là DN nhà nước khó tăng trưởng cao cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ 3 khu vực trên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, ngân sách ngày càng bền vững hơn, thu ngân sách nhà nước từ sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi và cơ cấu thu đã chuyển dịch tích cực hơn. Dẫn chứng cho nhận định này, Bộ trưởng cho biết, năm 2019 thu từ 3 khu vực kinh tế nói trên đã tăng 10,9%, cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế và lạm phát, cao hơn các năm trước (năm 2016 mới chỉ tăng 9,9%, năm 2017 tăng 5,6%, 2019 tăng 9,7%).

Đồng thời, tỷ trọng thu của 3 khu vực trong tổng thu cũng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2017 chiếm 39%, thì năm 2019 đã lên tới 42% tổng thu NSNN. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí của 3 khu vực này so với GDP của giai đoạn 2016 - 2019 cũng đã chiếm tới 10,2%GDP; cao hơn 9,9% của giai đoạn 2011 - 2015.

Cùng với đó, một số khoản thu từ tài sản, tài nguyên, thu từ đất, khai thác khoáng sản… có tăng so với dự toán nhưng xét về mặt tổng thể, những khoản thu này chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm dần.

Chi ngân sách, nợ công được cơ cấu hiệu quả

Với ý kiến cho rằng tiến trình cơ cấu lại chi NSNN diễn ra chậm, Bộ trưởng cho biết, quá trình cơ cấu lại chi NSNN thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội đang được triển khai một cách hiệu quả và thiết thực.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chi đầu tư phát triển bố trí năm sau cao hơn năm trước và đến 2020 bố trí khoảng 26,9% tổng chi NSNN và thực hiện cả giai đoạn là 27 - 28% trong tổng chi ngân sách, cao hơn mục tiêu đề ra (mục tiêu cả giai đoạn là 25 - 26%). Chi thường xuyên trong dự toán năm 2020 chỉ chiếm khoảng 60,5% tổng chi NSNN, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (dưới 64%). Như vậy, chi thường xuyên đã giảm sâu, trong khi vẫn đảm bảo nguồn cho tăng lương bình quân hơn 7%.

Các cân đối lớn, bội chi và nợ công giảm sâu, tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa, nếu như năm 2011 - 2015 là hơn 18% thì giai đoạn này chỉ hơn 8%. Đặc biệt, nợ công đã được cơ cấu lại theo hướng tích cực: Kỳ hạn bình quân danh mục trả nợ vốn vay trái phiếu, vay trong nước lên gần 7 năm, trong khi năm 2011 - 2012 là là 2,9 năm; Lãi suất bình quân giai đoạn 2011 - 2013 phát hành là 12 - 13%/năm nhưng 2 năm gần đây xuống còn khoảng 4,6%, kỳ hạn 13 năm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc cắt giảm biên chế có mối quan hệ tương hỗ với công tác cơ cấu lại chi NSNN. Bộ trưởng dẫn chứng, nếu biên chế giảm được 2% thì ngân sách sẽ có 2% đó để cải cách tiền lương. Do đó, nếu việc sắp xếp lại bộ máy và đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy nhanh hơn thì sẽ góp phần rất lớn vào thúc đẩy cơ cấu lại chi NSNN...