Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gần 4 vạn tấn gạo hỗ trợ học sinh vùng khó khăn


Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực vừa xuất hơn 39.664 tấn gạo để hỗ trợ cho khoảng 560.000 học sinh của 46 tỉnh, thành phố cả nước trong học kỳ I năm học 2019-2020.

Học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Học sinh vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ gạo (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trước đó, ngày 8/8/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1360/QĐ-BTC, giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh trong năm học 2019-2020.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 12/8/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước  ban hành Quyết định số 456/QĐ-TCDT giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất hơn 39.664 tấn gạo để hỗ trợ cho khoảng trên 560.000 học sinh học sinh của 46 tỉnh, thành phố trong học kỳ I năm học 2019-2020.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp gạo cho học sinh các địa phương, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quán triệt, giao nhiệm vụ cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực chủ động kiểm tra chất lượng gạo xuất kho, bố trí phương tiện vận chuyển, bốc xếp để có thể sẵn sàng vận chuyển, giao gạo ngay theo đúng kế hoạch phân bổ của UBND các tỉnh, thành phố; liên hệ, làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để sớm có kế hoạch phân bổ gạo cụ thể cho các em học sinh, nhất là đối với một số địa phương khu vực miền núi có thời gian khai giảng sớm (trong tháng 8/2019), trong đó về thời gian giao nhận gạo thực hiện 2 lần/học kỳ (4 lần/năm học) và hoàn thành giao gạo cho học kỳ I kết thúc trước ngày 30/11/2019.

Ngành dự trữ Nhà nước phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, giải thích đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về mục đích, ý nghĩa của các chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ; tiêu chuẩn, chất lượng, phương thức bảo quản gạo dự trữ quốc gia; tư vấn, hướng dẫn công tác bảo quản gạo dự trữ quốc gia sau khi tiếp nhận để bảo đảm an toàn chất lượng gạo trong suốt thời gian sử dụng, đồng thời phối hợp thực hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh (nếu có).

Bộ Tài chính cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp đề xuất của các địa phương liên quan đến điều chỉnh, bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm phù hợp hơn theo đặc thù của từng vùng, miền và điều kiện cụ thể của các địa phương.