Sự ngờ vực giữa Nhật Bản và châu Âu
(Tài chính) Trong nỗ lực để ổn định đồng yên, châu Âu được xem như là một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Nhật Bản. Đồng yên của Nhật Bản đã tăng giá mạnh trong khoảng thời gian những năm 2007-2011, khiến ngành công nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề và cản trở nỗ lực khắc phục tình trạng giảm phát.
Tranh cãi xung quanh những cam kết
Vào tháng Hai năm ngoái, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản ký một cam kết chỉ sử dụng chính sách tiền tệ cho mục đích tiêu dùng trong nước và không nhằm mục tiêu tỷ giá hối đoái. Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Vitor Constancio tuyên bố điều đó là cần thiết để giữ "kỷ luật" đối với vấn đề tỷ giá hối đoái.
Nhưng khi nguy cơ giảm phát tại 18 quốc gia trong khu vực đồng euro ngày càng trở nên hiện hữu, ECB đã thay đổi lập trường của mình và trong những tuần vừa qua đã mạnh tay can thiệp để giảm giá đồng euro.
"Tỷ giá hối đoái không phải là một mục tiêu chính sách, nhưng đó là một mối quan tâm đặc biệt đối với mục tiêu ổn định giá cả của chúng tôi và do đó mối quan tâm này sẽ phải được giải quyết", Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết vào ngày 8/5.
"Châu Âu đã chỉ trích chúng tôi, vì vậy những gì họ đang làm là không hợp lý", một quan chức chính phủ cao cấp Nhật Bản gần đây đã nói với The Wall Street Journal. "Đây là một vấn đề nguyên tắc".
Tokyo đã không công khai bày tỏ sự chỉ trích của mình đối với ECB. Một số quan chức Nhật Bản trích dẫn sự cần thiết phải duy trì quan hệ tốt với châu Âu khi đối mặt một sức ép ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, cũng như sự cần thiết phải duy trì hợp tác giữa các quốc gia giàu có để đối phó với những căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
“Tuy nhiên, nếu ECB can thiệp sâu hơn nữa, chúng tôi sẽ không giữ im lặng”, một quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nói. Người phát ngôn của ECB từ chối bình luận về quan điểm của các quan chức Nhật Bản.
Căng thẳng xung quanh vấn đề tỷ giá hối đoái
Kích thích tăng trưởng cho thấy những căng thẳng tiềm ẩn xung quanh vấn đề tỷ giá hối đoái. Cả Nhật Bản và châu Âu cần ổn định tỷ giá hối đoái để vượt qua những vấn đề riêng của họ. Một đồng tiền mạnh gây áp lực lên giá cả hàng hóa sản xuất trong nước khi hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Điều này sẽ khiến giá cả của hàng hóa xuất khẩu sẽ kém cạnh tranh hơn.
Nhưng hiện nay, ECB ít bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, trái ngược lại với những gì mà Nhật Bản đang phải hứng chịu. Khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012 đã tuyên bố sẽ làm suy yếu đồng yên bằng cách chỉ đạo BoJ tăng nguồn cung tiền tệ để hâm nóng lại nền kinh tế Nhật Bản. Nhiều nước chỉ trích rằng, động thái của Nhật Bản có thể kích hoạt một "cuộc chiến tiền tệ" toàn cầu.
Một lý do khiến ECB chưa đến mức bị chỉ trích quá nhiều là do tổ chức này đã không cố sức để làm giảm giá trị đồng euro bằng cách can thiệp trực tiếp là tung tiền vào thị trường - một bước được xem là cấm kỵ. Trước khi ông Abe lên nắm quyền, Nhật Bản đã làm rung chuyển phần còn lại của thế giới khi nhiều lần bơm thêm tiền vào thị trường.
Một sự thiếu rõ ràng về hiệu quả đối với đồng euro cũng là một lý do khiến ECB ít bị chỉ trích hơn Nhật Bản
Ngược lại, tác động của đồng yên sau bài hùng biện của Thủ tướng Nhật Bản Abe thật ấn tượng. Các loại tiền tệ bắt đầu giảm mạnh ngay khi ông nói sẽ làm giảm giá đồng yên trong chiến dịch tranh cử. Trong vòng hai tháng trước khi chính quyền Abe có bất kỳ hành động cụ thể nào, đồng yên đã giảm hơn 10% so với đồng USD.
"Hiện tại, ECB đang đắn đo, nhưng đồng euro tiếp tục tăng", Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói. Đồng euro đứng ở mức 1,3720 USD vào lúc 03h30 (GMT) ngày 16/5, dưới mức cao 1,3995 USD vào đầu tháng này, nhưng không có dấu hiệu đảo chiều xu hướng tăng, ở mức 1.200 USD bắt đầu từ tháng 7/2012.
"Điểm mấu chốt là ông Draghi đã không thực hiện bất cứ điều gì", ông Posen nói. “Nói chung là ông ấy không làm việc hiệu quả, những lời nói của ông ấy chỉ như những lời nói thoảng qua”.
Tránh sự can thiệp trực tiếp, cách duy nhất ECB có thể thực hiện là làm suy yếu đồng euro nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ, ông Posen nói, "Và hầu hết trên thế giới, bao gồm cả chính phủ Mỹ, IMF và nhiều nước trong G- 7 muốn họ nới lỏng chính sách tiền tệ".
Với khu vực đồng euro, chiếm hơn 15% sản lượng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thế giới có thể phải chịu một đòn đáng kể nếu khu vực lâm vào “thập kỷ mất mát” giống như phong cách Nhật Bản khi rơi vào tình trạng giảm phát và tăng trưởng thấp. Các quan chức Nhật Bản có thể không thích những gì ông Draghi đã nói, nhưng họ không ủng hộ những hành động mạnh mẽ hơn nữa của ECB.
“Chúng tôi mong muốn thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô tích cực trước khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết trong một tuyên bố với IMF vào tháng Tư khi ông đề cập đến khu vực đồng euro.
Gần đây, các quan chức ECB đã ra tín hiệu mạnh mẽ rằng họ sẵn sàng cân nhắc các bước đi cần thiết để chống lại lạm phát thấp, bao gồm cả chính sách lãi suất tiêu cực và thu mua tài sản.
Nếu đồng euro mất giá là kết quả của các biện pháp đó, Nhật Bản dường như sẽ không có thêm bất kỳ sự phản đối nào, miễn là ECB mô tả các bước đi đó nhằm phục vụ cho thị trường nội địa chứ không nhằm vào mục tiêu tỷ giá hối đoái.
Đó là chính xác những gì Tokyo đã làm trong năm ngoái để biện minh cho việc mở rộng đáng kể các biện pháp nới lỏng tiền tệ của BoJ, lý do lớn nhất đằng sau việc đồng yên giảm giá 20% so với năm 2013.