Triển khai hiệu quả giải pháp kiểm soát lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2025
Cùng với mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm, bài toán kiểm soát lạm phát cũng đang đặt ra không ít thách thức.

Theo Báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 6 vừa qua, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới, đã khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng gặp không ít khó khăn.
Theo đó, nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã tăng 1,42%. Chủ yếu do vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93%; giá gạch, cát, đá tăng cao, nguồn cung khan hiếm, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và nhu cầu xây dựng cao.
Xét trong quý II/2025, nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%. Xét trong cả 6 tháng đầu năm, chỉ số giá của Nhóm này cũng đã tăng 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm. Điều này cho thấy, việc kiểm soát lạm phát sẽ có tác động đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và rộng hơn là mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Nhìn toàn cảnh, theo báo cáo của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. CPI tháng 6 tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm.
CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với quý II/2024. Trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,35%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%; giáo dục tăng 2,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,19%; bưu chính, viễn thông giảm 0,31%; giao thông giảm 4,83%.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm; chỉ số giá thực phẩm tăng 4,15%.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung. Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Theo đánh giá, áp lực lạm phát trong thời gian tới vẫn không hề nhỏ. Trong ngắn hạn và trung hạn, lạm phát toàn cầu vẫn có khả năng chịu áp lực cao, dù đã giảm so với giai đoạn cao điểm 2022-2023. Giá hàng hóa toàn cầu vẫn biến động mạnh, giá dầu có xu hướng tăng trở lại do bất ổn địa chính trị và OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu nên biến động của giá hàng hóa thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực đối với sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chú trọng chỉ đạo các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Cục Thống kê, để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu đề ra, cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Mặt khác, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.
Nhìn từ những diễn biến trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục Thống kê cũng nhấn mạnh rằng: cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas... để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp Lễ nhằm hạn chế tăng giá.
Cùng với đó, cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.