Sự phát triển của công nghệ tài chính trong thời gian tới
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong nền kinh tế và xã hội, trong đó, có lính vực công nghệ tài chính. Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm lớn của xã hội là trong thời gian tới công nghệ tài chính sẽ phát triển như thế nào?
Đại dịch COVID-19 làm gia tăng nhu cầu sử dụng trực tuyến các dịch vụ tài chính thông qua các phương tiện như điện thoại thông minh, được xem là một kênh quan trọng để quản lý hoạt động tài chính.
Các công ty công nghệ tài chính (fintech) xây dựng các ứng dụng dựa trên nhu cầu của người dùng thông qua các ứng dụng công nghệ trên điện thoại, qua đó cung cấp giao diện để thực hiện giao dịch, trực quan hóa dữ liệu, triển khai dịch vụ và bảo lãnh thực hiện các giao dịch. Các tính năng này ngày càng trở lên quan trọng khi số lượng các giao dịch được thực hiện qua phương thức số hóa gia tăng nhanh chóng.
Trong bối cảnh số hóa dịch vụ tài chính sau đại dịch, các công ty công nghệ đang định hình các chiến lược nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, giảm chi phí tiếp cận dịch vụ và tăng tiện ích. Ví dụ, Blend là công ty cung cấp giải pháp phần mềm cho vay thế chấp số, đang tìm kiếm đối tác là các ngân hàng chưa có giải pháp cho vay thế chấp số.
Mở rộng đối tác chiến lược
Một hệ quả quan trọng sau đại dịch COVID-19 là sự gia tăng các liên kết chiến lược với định chế tài chính, thông qua đó các công ty công nghệ tài chính có thể nhận được nguồn vốn, truy cập vào các kênh phân phối và nền tảng thực thi trong bối cảnh các định chế tài chính rất thiếu các giải pháp số.
Các công ty fintech cũng đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các công ty fintech khác, công ty bigtech và công ty cung ứng dịch vụ phi tài chính. Xu hướng liên kết này bao gồm cả chuyển giao về công nghệ fintech được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng trong hoạt động ngân hàng mở (open banking) hay các sáng kiến và quy tắc đối với các dịch vụ tương tự ngân hàng sẽ đóng một vai trò quan trọng.
Ví dụ, có tiềm năng to lớn đối với các dịch vụ tài chính toàn diện khi tích hợp nhu cầu và hành vi tài chính của người tiêu dùng, chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tích hợp các khoản thanh toán và các sản phẩm tài chính khác vào các dịch vụ y tế được coi là cấp thiết ở Hoa Kỳ. Hợp tác với các công ty dịch vụ phi tài chính, chẳng hạn như các nhà bán lẻ được xem là có tiềm năng.
Ví dụ về các mối quan hệ đối tác sáng tạo này khá nhiều, chẳng hạn như mối quan hệ mà Walmart có với PayPal và Green Dot. Có vô số cơ hội để các công ty công nghệ tài chính hợp tác với các đối tác trong các lĩnh vực khác, ví dụ như với các công ty bigtech, đặc biệt là trên quy mô toàn cầu.
Thúc đẩy chương trình tài chính toàn diện
Sự gián đoạn hoạt động kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 đã đề cao tầm quan trọng của việc cung ứng dịch vụ tài chính cho các đối tượng mà từ trước đến nay chưa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính truyền thống ở các quốc gia phát triển cũng như quốc gia đang phát triển.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank), có đến 1,7 tỷ người không có tài khoản ngân hàng. Thậm chí tại Hoa Kỳ, tổ chức bảo hiểm tiền gửi liên bang thống kê rằng có đến 6,5% các hộ gia đình tại quốc gia này không có tài khoản ngân hàng trong năm 2018 và có đến 16% tiếp cận hạn chế các dịch vụ ngân hàng.
Đại dịch COVID-19 có thể sẽ mở ra cơ hội và thúc đẩy tài chính toàn diện khi mà các chương trình hỗ trợ được xây dựng bởi các chính phủ trên khắp thế giới hướng tới giúp đỡ các hộ gia đình có thu nhập thấp. Công nghệ tài chính đóng vai trò quan trọng thông qua các đối tác chiến lược và hình thành nên hệ sinh thái trong cung ứng dịch vụ tài chính, bao gồm định chế tài chính, nhà bán lẻ và khu vực chính phủ.
Trên thực tế công nghệ tài chính đang thực hiện nhiệm vụ là phổ biến các dịch vụ tài chính thông qua cung ứng các sản phẩm cơ bản một cách minh bạch và công bằng.
Tạo năng lực cho nguồn nhân lực gig (gig workers)
Nguồn nhân lực gig trước hết cũng là những người thuộc thị trường lao động, thay vì nhận được khoản thu nhập thường xuyên và cố định, họ nhận tiền lương dựa trên các dự án có thời hạn, hoặc theo thỏa thuận trên hợp động “thời vụ" mà họ hoàn thành.
Tại Hoa Kỳ, nguồn nhân lực gig chiếm khoảng 50 triệu, và đây được xem là thị phần hấp dẫn cho công ty công nghệ tài chính. Với nguồn thu thập khó xác định và không chắc chắn, nguồn nhân lực gig có các yêu cầu về bảo hiểm, thuế và tài chính riêng biệt. Cũng chính bởi đặc điểm này mà họ không được các ngân hàng để ý tới, điều này tạo ra cơ hội cho các công ty công nghệ tài chính.
Trong khi các tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế phi chính thức (gig economy) còn chưa rõ ràng thì các công ty công nghệ tài chính đã định vị được các sản phẩm và khách hàng.
Có một số công ty và ngân hàng đã hướng dịch vụ của họ tới nền kinh tế phi chính thức này, bao gồm các công ty như Green Dot, Salaryo, Joust, Qwil, Steady và Cogni. Một số công ty cung ứng các khoản tạm ứng/vay cho các hóa đơn đến hạn chưa được thanh toán và tạo ra ứng dụng để người lao động có thể tìm kiếm các công việc thời vụ một cách nhanh chóng.
Tương tự, một số công ty fintech ở Anh bao gồm Credit Kudos, Fronted, 11:FS, Coconut, Capital on Tap, Mazuma, SeedLegals, và TrueLayer đã thành lập một liên minh khi tạo ra một dịch vụ mới gọi là Covid Credit, nhằm cung ứng tín dụng cho những người làm việc tự do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT)
Một lĩnh vực khác là hoạt động thanh toán không tiếp xúc dựa trên nền tảng IoT, chẳng hạn như ô tô được kết nối cho phép người tiêu dùng thanh toán tiền xăng hoặc thực phẩm mà không cần cầm tiền mặt hoặc các phương tiện thanh toán khác với bề mặt có thể tạo ra khả năng nhiễm bệnh. Trên thực tế, COVID-19 sẽ đẩy nhanh quá trình áp dụng các phương thức thanh toán dựa trên nền tảng IoT.
Kết luận
Đầu tư cho công nghệ tài chính tăng nhanh trên tất cả các châu lục, khu vực trên toàn thế giới trong giai đoạn COVID-19. Các tài sản và dịch vụ dựa trên fintech gia tăng cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên sự phát triển bền vững của ngành công nghệ tài chính đòi hỏi nỗ lực của các công ty fintech, bigtech, định chế tài chính và sự định hướng của chính phủ các quốc gia.
Sự phát triển bền vững trong tương lai của lĩnh vực fintech sẽ phụ thuộc vào liên kết chiến lược giữa các tác nhân tham gia, vai trò của chính phủ trong thúc đẩy tài chính toàn diện, sự phát triển của khu vực kinh tế phi chính thức và sáng tạo công nghệ.