Sửa đổi 7 luật lĩnh vực tài chính, đầu tư với "loạt" ưu đãi cho phát triển khoa học công nghệ

Trần Huyền

Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư với rất nhiều quy định mới nhằm tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa 7 luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự án Luật sửa 7 luật.

Sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa 7 luật).

Mở rộng trường hợp chỉ định thầu

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và xác định 07 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Liên quan đến các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, dự thảo Luật đã có những chính sách ưu tiên, ưu đãi trong đấu thầu để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong đó, đã sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức khoa học công nghệ; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số theo hướng ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, cộng điểm hoặc cộng tiền cho các đối tượng này. Đồng thời, sửa đổi quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu có nội dung thuộc lĩnh vực công nghệ chiến lược, viễn thông nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả của gói thầu.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về đấu thầu trong nước, đấu thầu quốc tế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước đối với dự án PPP theo hướng bổ sung quy định cho phép cá nhân được là nhà đầu tư được tham gia dự án PPP; Cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình. Chính phủ đề xuất bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án PPP khi thương mại hoá sản phẩm khoa học, công nghệ không hiệu quả. Đồng thời, sửa đổi cơ chế bảo đảm đầu tư theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện áp dụng để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Chính phủ cũng đề xuất mở rộng các trường hợp chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, bổ sung trường hợp chỉ định đối với nhà đầu tư đề xuất dự án sở hữu công nghệ chiến lược; nhà đầu tư có cam kết tài chính; áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương được chủ động quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để phù hợp với tính chất, quy mô, thực tiễn triển khai, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, miễn thuế

Dự thảo Luật sửa 7 luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan. Trong đó có sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ; đồng thời bổ sung một điều mới quy định về thủ tục hải quan cho hoạt động xuất khẩu tại chỗ và giao Bộ Tài chính quy định chi tiết điều này.

Đối với Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như: máy móc, thiết bị, phụ tùng vất tư chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của tổ chức khoa học, công nghệ, tổ chức đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong đó, bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư đối với “đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác trong lĩnh vực công nghệ chiến lược theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ...”. Dự thảo cũng bổ sung khu công nghệ số tập trung vào địa bàn ưu đãi đầu tư; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư về công nghệ chiến lược...

Cùng với các nội dung trên, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Trong đó, bổ sung quy định dự án đầu tư công đặc biệt là dự án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, không phải quyết định chủ trương đầu tư và được ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, bổ sung quy định về hạn mức vốn (bằng 02 lần mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn hiện tại) làm cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương chủ động thẩm định vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, tăng tính sẵn sàng, tránh tình trạng “vốn chờ dự án”.

Liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh Luật theo hướng việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ để phù hơp với đặc thù của việc quản lý, sử dụng tài sản theo pháp luật khoa học và công nghệ. Trường hợp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản không đủ để chi trả các chi phí có liên quan thì được bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước để chi trả phần còn thiếu.