Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Sáng ngày 4/1, tiếp tục chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung lần này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 08 luật bao gồm 10 Điều, trong đó, có 08 Điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 08 luật hiện hành, 01 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 01 Điều quy định về hiệu lực thi hành.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, đa số ý kiến các Ủy ban được phân công thẩm tra dự án đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Cụ thể, đối với Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật), ngoài việc nhất trí việc sửa đổi, bổ sung, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung cho rằng, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc, vì quy định như hiện nay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; đồng thời, liên quan đến điều ước quốc tế giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm uy tín của Việt Nam... Do vậy, Chính phủ cần đánh giá tác động cụ thể.
Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đa số ý kiến đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C. Ngoài ra, cũng có ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ.
Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án; trường hợp làm thay đổi phân loại dự án, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.
Đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 7 dự thảo Luật), đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đồng ý với sự cần thiết sửa đổi nội dung này của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này; và nhất trí với hướng thiết kế các mức thuế suất theo 2 bước như đề xuất của Chính phủ. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng cho thời hạn khoảng 2-3 năm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sản xuất trong nước cơ bản đã hoàn thiện được hệ thống hạ tầng và sản xuất trong nước khoảng 9.500 xe và việc giảm thuế sâu, kéo dài trong nhiều năm sẽ tác động tiêu cực ngay đến các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đối với xe chạy bằng xăng dầu khi không có đủ thời gian, công nghệ và nguồn lực để chuyển đổi kịp thời sang dòng xe điện chạy pin.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi và đánh giá tác động, phân tích sâu hơn nhằm đạt mục tiêu chính sách; đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế TTĐB, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022, để có thể đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và cần hạn chế tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, về các Luật: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 2 dự thảo Luật); Luật Đầu tư (Điều 3 dự thảo Luật); Luật Đấu thầu (Điều 4 dự thảo Luật); Luật Doanh nghiệp (Điều 6 dự thảo Luật) đã được Ủy ban Kinh tế - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của các cơ quan của Chính phủ.
Đối với Luật Điện lực (Điều 5 dự thảo Luật), đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung cũng đều tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ sửa đổi tổng thể Luật Điện lực, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan trong Luật.
Đối với Luật Thi hành án dân sự (Điều 8 dự thảo Luật), Ủy ban Tư pháp - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung tán thành với dự thảo Luật về các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56 và Điều 57 Luật Thi hành án dân sự đã tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến tại Thông báo số 558/TB-TTKQH và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp...