Sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 05/2023/TT-NHNN liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN về quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau: Ban trù bị lập hồ sơ nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 14, các khoản 1, 2, 3 Điều 15, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 5a, 6 Điều 16 Thông tư này và gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính NHNN (Bộ phận Một cửa).
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, NHNN có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ.
Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 như sau: TCTD phi ngân hàng được cấp Giấy phép gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính của TCTD phi ngân hàng và NHNN (Bộ phận Một cửa) văn bản thông báo về việc đã đáp ứng các điều kiện khai trương hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến khai trương hoạt động.
Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Quy định đối với cổ đông sáng lập như sau:
1. Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
2. Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.
3. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cổ đông sáng lập là cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây: Mang quốc tịch Việt Nam; không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức.
4. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cổ đông sáng lập là tổ chức phải tuân thủ các quy định sau đây: Được thành lập theo pháp luật Việt Nam; Kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ NHTM Việt Nam): (i) Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp; (ii) Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với NHTM Việt Nam: (i) Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; (ii) Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; (iii) Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng; (iv) Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 2 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Sửa đổi, bổ sung Điều 12. Quy định đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập như sau:
1. Thành viên sáng lập là doanh nghiệp Việt Nam (trừ NHTM Việt Nam) phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Các quy định tại khoản 1, khoản 2 và các điểm a, b, c khoản 4 Điều 11 Thông tư này;
b) Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;
c) Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Chủ sở hữu, thành viên sáng lập là NHTM Việt Nam (trừ trường hợp chủ sở hữu quy định tại khoản 4 Điều này) phải tuân thủ các quy định tại khoản 1, khoản 2 và các điểm b, c, đ khoản 4 Điều 11 Thông tư này.
3. Chủ sở hữu, thành viên sáng lập là tổ chức tín dụng nước ngoài phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Quy định tại điểm b khoản 4 Điều 11 Thông tư này;
b) Có tổng tài sản có trên 10 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
c) Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động ngân hàng và các quy định pháp luật khác của nước nguyên xứ trong 5 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
d) Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp loại tin nhiệm quốc tế xếp hạng từ mức ổn định trở lên, mức có khả năng thực hiện các cam kết tải chính vả hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi;
đ) Được cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đánh giá đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định của nước nguyên xứ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
e) Không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
g) Trường hợp TCTD nước ngoài là công ty cho thuê thì số dư cho thuê tài chính và cho vay phải chiếm tối thiểu 70% tổng tài sản của công ty.
4. Chủ sở hữu là NHTM Việt Nam được chuyển giao bắt buộc thành lập TCTD phi ngân hàng để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt (sau đây gọi là NHTM được chuyển giao bắt buộc) phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm c khoản 4 Điều 11 Thông tư này;
b) Có mức vốn điều lệ tối thiểu bằng tổng mức vốn pháp định đối với NHTM và mức vốn pháp định đối với TCTD phi ngân hàng theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, chủ sở hữu, các thành viên sáng lập phải cùng nhau sở hữu 100% vốn điều lệ của TCTD phi ngân hàng trách nhiệm hữu hạn.
Thông tư 05/2023/TT-NHNN đồng thời còn bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 14; sửa đổi bổ sung điểm h khoản 4 Điều 15; bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 16 và sửa đổi, bổ sung điểm đ, điểm e khoản 7 điều 16; sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 18.
Sửa đổi, bổ sung Điều 22. Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
Điều lệ của TCTD phi ngân hàng phải có các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Các TCTD và không được trái với quy định của Luật Các TCTD, các quy định khác của pháp luật có liên quan. TCTD phi ngân hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung của Điều lệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ.
Khi được cấp Giấy phép, TCTD phi ngân hàng phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính NHNN Điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên thông qua trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Điều lệ, TCTD phi ngân hàng phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến trụ sở chính NHNN trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
Thông tư số 05/2023/TT-NHNN cũng bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm của Thông tư 30/2015/TT-NHNN.
Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2023.