Sửa đổi Hiến pháp nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, chủ trương lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung phục vụ thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.
Một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện
“Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp dù ở quy mô, phạm vi nào cũng là một việc hết sức hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.
Cũng theo Bộ trưởng, chủ trương lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung phục vụ thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả bộ máy chính quyền địa phương các cấp và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức, cũng như hoạt động của hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Khắc phục chồng chéo trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương
Góp ý cho nội dung liên quan chính quyền địa phương, nguyên Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đề xuất, nên chăng bổ sung một khoản vào Điều 111 dự thảo Nghị quyết theo hướng: Chính quyền địa phương chỉ tổ chức hai cấp, gồm: Chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cấp dưới tỉnh. Như vậy, dù tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có được chia thành phường, xã, liên phường, liên xã, đặc khu hay là tên gọi khác như phủ, trấn, thành phố, thì chính quyền địa phương được tổ chức ở đó cũng đều là chính quyền cấp dưới tỉnh và chỉ là một cấp mà thôi.

Muốn từ bỏ tư duy "không biết mà vẫn quản, cái gì không quản được thì cấm"; xóa bỏ tình trạng một việc đã được giao thẩm quyền rồi, nhưng vẫn phải hỏi các cơ quan Trung ương hoặc các cơ quan liên quan; đồng thời góp phần nâng cao sự tự tin của đội ngũ lãnh đạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích phát triển địa phương, theo ông Tuấn, nội dung Điều 112 dự thảo Nghị quyết cần được nghiên cứu sửa đổi mạnh mẽ hơn vấn đề phân quyền giữa Trung ương và địa phương.
Thí dụ khoản 1 Điều 112 quy định: "Chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định" cần được sửa đổi theo hướng “chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương"; sau đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể. Hoặc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, nếu có thể cần được quy định khái quát ngay tại Hiến pháp này, ít nhất cũng là những vấn đề mang tính nguyên tắc.
GS.TS. Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại hệ thống tổ chức và bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Liên quan đến sửa đổi các quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, GS.TS. Phan Trung Lý cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện yêu cầu tinh gọn tổ chức, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, bỏ cấp trung gian (cấp huyện), tổ chức chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị và miền núi hải đảo.
“Tuy nhiên, đề nghị hai cấp hành chính ở địa phương nên là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở (cấp xã). Đồng thời, quy định khái niệm về Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân một cách rộng hơn, chung hơn”, GS.TS. Phan Trung Lý đề xuất.